Ảnh minh họa - Nguồn Internet |
Văn phòng Chính phủ vừa ra Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại buổi họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Theo thông báo này, Thủ tướng đã yêu cầu UBND các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện các Đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để Hội đồng thẩm định xem xét cho ý kiến kịp tiến độ trình Quốc hội; chủ động chuẩn bị, triển khai các công việc trước và sau khi Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.
Các địa phương và các Bộ, cơ quan liên quan tập trung xây dựng quy hoạch có tầm nhìn chiến lược, chất lượng để thu hút đầu tư và bảo đảm sự phát triển lâu dài của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Chú trọng đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, kể cả nhân lực quản lý và chuyên môn đối với các ngành nghề được xác định là ưu tiên phát triển. Quan tâm vấn đề lựa chọn nhà đầu tư chiến lược vào các đặc khu.
Bên cạnh đó, có biện pháp mạnh và hữu hiệu để chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, rừng, môi trường và xây dựng, ngăn chặn tình trạng mua bán đất đai và xây dựng trái phép đang diễn biến phức tạp tại Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn, bảo đảm trật tự xã hội, không để “cò đất”, xã hội đen mua bán đất lộng hành đẩy giá lên cao, trên địa bàn. Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để tiếp diễn tình trạng trên.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan liên quan (Công an, Quân đội, Tài chính, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương các đoàn thể...) chuẩn bị mọi công việc cần thiết, sớm hướng dẫn cụ thể các nội dung liên quan đến tổ chức, bộ máy, hoạt động... chủ động chuẩn bị để có thể triển khai thực hiện ngay khi Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có hiệu lực và các Đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt khi được thông qua.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan liên quan định hướng các cơ quan báo chí cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho các tầng lớp nhân dân theo hướng tích cực, tạo đồng thuận trong xã hội; xử lý trường hợp thông tin không chính xác, sai sự thật.
Thời gian qua trên một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh tại một số địa phương chuẩn bị thành lập các đặc khu kinh tế như: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư cá nhân chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp; chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định pháp luật, có hiện tượng giá đất nền tăng cao trong thời gian ngắn. Cụ thể, tại Vân Đồn, giá đất tăng từ 100-200% chỉ sau vài tháng. Hiện tượng giá đất tăng đột biến làm người dân có đất tại khu vực chuyển đổi, tách thửa để bán tăng cao. Cùng với đó hiện tượng đầu cơ, giao dịch, tách thửa phân lô mua bán đất rừng, đất nông nghiệp tăng mạnh.
Còn tai Vân Phong, sau khi có thành lập Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong, việc mua bán, sang nhượng đất đai tại khu vực này tăng đẩy giá đất tăng mạnh. Một số khu vực xuất hiện tình trạng tách thửa để nhận tái định cư khi qui hoạch đặc khu, phá rừng chiếm đất trên đảo trái qui định pháp luật và mua bán đất nông nghiệp không sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Trong những tháng qua, tình trạng giá trên địa bàn, nhất là giá đất ở khu vực ven biển tăng cao (đất ở ven biển đoạn qua khu vực thị trấn có thông tin lên tới 100 triệu đồng/m2, những nơi khác trong khu dân cư tăng từ 20-30 triệu đồng/m2).
Tại Phú Quốc (Kiên Giang) trong thời gian qua, tình trạng xây nhà không phép diễn ra phổ biến; tình trạng san lấp, phân lô bán nền diễn ra trên diện rộng. Giới đầu cơ ngang nhiên hoạt động phân lô bán nền, hình thành các khu dân cư tự phát, dựng biển quảng cáo dự án thông tin thất thiệt để đẩy giá lên cao, kiếm lời bất chính, môi trường cảnh quan tự nhiên bị tàn phá, quy hoạch bị phá vỡ.
Theo đánh giá của Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng đầu cơ đất đai, thổi giá đất lên cao của một số nhà đầu tư cá nhân lợi dụng thông tin chuẩn bị thành lập các đặc khu kinh tế để đẩy giá đất lên cao.
Chính quyền địa phương (cấp xã, cấp huyện) đã buông lỏng quản lý về giao dịch và sử dụng đất đai, cho phép tách thửa và xác nhận cho phép chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất rừng không đúng quy định pháp luật.
Cùng với đó, trước tình trạng mua bán đất đai không đúng quy định, giới đầu cơ tung tin đồn thất thiệt để trục lợi, chính quyền địa phương chưa quan tâm tuyên truyền cho người dân biết để chấp hành đúng pháp luật. Các địa phương dự kiến thành lập đặc khu chưa có quy hoạch chung, dẫn đến nhiễu loạn thông tin về quy hoạch.