Thông tin nêu trên được Thứ trưởng Bộ Tài chính - Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 25/4, song không đưa ra con số cụ thể. Theo đó, đây là đề án phát hành cho cả giai đoạn 2016-2020, trình Chính phủ để xin chủ trương, sau đó sẽ lấy ý kiến các địa phương trước khi trình Quốc hội quyết định.
“Kế hoạch trái phiểu này nhằm huy động vốn cho nền kinh tế để triển khai các dự án trọng điểm và cũng là để tái cơ cấu nợ vay nước ngoài có lãi suất cao, thay bằng lãi hợp lý, thời gian dài hơn... khi mà hệ số tín nhiệm nợ của Việt Nam đang được cải thiện”, ông Tuấn nói.
Thứ trưởng khẳng định hai mục tiêu này đều dựa trên nguyên tắc không vượt quá trần nợ công 65% GDP trong vòng 5 năm tới và cả sau năm 2020. “Dòng vốn này phải đảm bảo tính hiệu quả, lợi thế của nó so với ODA là không bị ràng buôc điều kiện vay. Bên canh đó, ODA tới đây cũng sẽ giảm dần khi Việt Nam bước vào nhóm phát triển trung bình”, lãnh đạo Bộ tài chính giải thích.
Trả lời câu hỏi của báo chí về quan điểm cho rằng năng lực trả nợ của Chính phủ có vấn đề khi phải đi vay nước ngoài để trả, tại họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên khẳng định đây là nghiệp vụ thông thường.
“Giải pháp này phù hợp với thông lệ quốc tế để cơ cấu lại các khoản nợ theo hướng bền vững, hiệu quả hơn. Nó cũng không làm tăng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp, không vượt trần nợ công quy định và thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2015", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại hội nghị tổng kết ngành năm 2014, Bộ trưởng Tài chính - Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ phát hành thêm một tỷ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế, kỳ hạn 10 năm, được sử dụng để tái cơ cấu nợ công. Thời điểm phát hành chưa được công bố.
Trước đó, hồi đầu tháng 11/2014, Bộ Tài chính đã bán thành công trái phiếu Chính phủ với khối lượng và kỳ hạn tương đương, nhằm tái cơ cấu các khoản vay nước ngoài lãi suất cao. Nhờ điều kiện thị trường diễn biến thuận lợi, lô trái phiếu có mức lãi suất cố định 4,8% một năm, thấp hơn mức dự kiến (5,125%) cũng như lãi suất hiện nay. Trước đó, trái phiếu phát hành năm 2005 và 2010 có lãi suất lần lượt là 6,875% và 6,755%.
Theo Vnexpress