Tiền ảo lại nóng

Sau Bitcoin, thời gian gần đây, một số loại tiền ảo như Onecoin, LR, WMZ, PM… bắt đầu xuất hiện mời gọi người chơi với mức lợi nhuận hấp dẫn.
Tiền ảo lại nóng

Trong khi tiền ảo chưa được công nhận là phương tiện thanh toán và không được pháp luật Việt Nam thừa nhận, việc nhà đầu tư (NĐT) chọn cách đầu tư vào các đồng tiền điện tử này được cảnh báo sẽ gặp nhiều rủi ro.
Onecoin xuất hiện
Tại một quán game online trên đường Yên Xá (Hà Đông), tấm biển “Chấp nhận trao đổi Onecoin” đã xuất hiện từ gần một tháng nay. Onecoin là đồng tiền ảo có nguồn gốc từ châu Âu. Người sáng lập ra đồng tiền này là Luật sư, TS Ruja Ignotava - cũng là người tư vấn chiến lược cho đồng tiền ảo Bitcoin.
Cách chơi Onecoin khá đơn giản. Ban đầu, những người tham gia dùng tiền thật để đăng ký gia nhập dưới hình thức học online khoảng 130, 530, 1.030 euro…, trong đó, 30 euro là lệ phí đăng ký. Ngoài lệ phí, người đăng ký sẽ mua được một số lượng quy đổi thành token (hiện tại, 0,1 euro = onetoken) với số tiền mặt bỏ ra. Để “đào” được một đồng onecoin, người tham gia phải đầu tư một số lượng token nào đó. Theo những người “truyền bá” Onecoin, số tiền thật này sẽ được chuyển thành một loại tiền ảo có giá trị gấp 10 lần tiền thật khi NĐT tham gia chơi loại tiền ảo này. NĐT càng mời được nhiều người chơi thì lợi nhuận càng cao. Ngược lại, số lượng người chơi tăng lên thì cơ hội “đào” onecoin càng khó và số lượng token bỏ ra phải càng nhiều. Thời gian gần đây, trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội…, các lời mời chào hấp dẫn khi đầu tư vào Onecoin liên tục được giới đầu tư đưa ra. Thậm chí có hẳn trang blog hướng dẫn rất cụ thể cách chơi Onecoin, những lợi ích, hiệu quả khi tham gia “đào” đồng tiền này. “Công ty cung cấp các khả năng lợi nhuận cao với các phần thưởng là các chuyến du lịch 5 sao hay đồng hồ Rolex. Ngoài ra, thương nhân có thể hưởng lợi từ việc nắm giữ hai trong số các sản phẩm nóng nhất và sáng tạo nhất trong các thị trường crypto - tiền tệ mới nổi - OneCoins và Aurum Gold (tiền xu vàng), một hybrid (đồng tiền lai) độc đáo của tiền tệ, tương ứng với một khối lượng vàng mà bạn sở hữu” - trang blog này quảng cáo về tiền ảo.
Hiện nay, bên cạnh Bitcoin, Onecoin, một số tiền ảo có nguồn gốc từ nhiều nước khác nhau trên thế giới cũng như LR, WMZ, PM… cũng đã và đang xuất hiện tại Việt Nam. Cũng giống như Bitcoin, đặc điểm chung của các loại tiền ảo là dùng tiền thật để mua tiền ảo. Người chơi sẽ dùng tiền ảo để trao đổi đồ vật hoặc giao dịch mua bán trên sàn với nhau, qua đó ăn chênh lệch lợi nhuận. Càng nhiều người tham gia chơi thì đồng tiền ảo càng được đẩy giá lên cao.
“Canh bạc” nhiều rủi ro
Dù ngày càng xuất hiện thêm nhiều loại tiền ảo, tuy nhiên, đến nay, các cơ quan chức năng đều khẳng định, không chấp nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán. Vì thế, đầu tư vào các loại tiền này sẽ rất rủi ro. “Pháp luật Việt Nam chưa bảo hộ tiền điện tử. Vì vậy, nếu đầu tư các loại tiền điện tử như Bitcoin, Onecoin, NĐT phải tự chịu rủi ro, giống như đi đánh bạc” - Luật sư Trương Thanh Đức nói. Năm 2014, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) - Công an Hà Nội đã khám phá một vụ kinh doanh tiền điện tử trái phép tại Việt Nam với số tiền thật đã giao dịch lên tới nhiều tỷ đồng. Các đối tượng đã sử dụng VND để mua bán loại tiền điện tử Webmony (WMZ). Các đối tượng vi phạm được điều tra về tội kinh doanh trái phép và tội trốn thuế.
Ngoài rủi ro không được pháp luật bảo vệ, người tham gia chơi và kinh doanh tiền ảo còn phải đối diện với những rủi ro trong kinh doanh. “Ai dám khẳng định đổi được số tiền ảo đó ra tiền thật, trong khi số tiền thật bỏ vào tài khoản ảo thì không thể lấy lại được” - một chuyên gia phân tích. Và “số phận” của các đồng tiền ảo cũng phụ thuộc vào việc có đông NĐT tham gia vào hay không. Khi Bitcoin, Onecoin hay bất cứ đồng tiền ảo nào “chết yểu”, rủi ro chắc chắn sẽ thuộc về NĐT.

Theo: Kinh tê và đô thị