Sau khi công bố ý định gia nhập thị trường hàng không vào đầu năm 2019, Vietravel đã có những động thái khá quyết liệt để hiện thực hóa kế hoạch của mình.
Ngày 19/2/2019, Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam - Vietravel Airlines đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 300 tỷ đồng, do Vietravel sở hữu 100% vốn. Công ty vừa nộp hồ sơ xin phép đầu tư ngành hàng không và kỳ vọng có thể bay sau 18 tháng tới.
Bên cạnh sự hấp dẫn nói chung của ngành hàng không Việt Nam thì việc Vietravel tham gia vào lĩnh vực hàng không có thể coi là một bước đi hợp lý khi mà chi phí lớn nhất của các tour du lịch đường dài luôn là vé máy bay. Bản thân Vietravel cũng luôn phải thuê chuyến để phục vụ cho các tour du lịch của mình. Hiện tại, Vietravel đang là công ty lữ hành lớn nhất nước với doanh thu năm 2018 lên đến trên 7.000 tỷ đồng.
Thực tế các doanh nghiệp đã tham gia vào lĩnh vực không đều ít nhiều có hoạt động kinh doanh lữ hành, khách sạn nhằm tạo chuỗi giá trị hoàn chỉnh như Sovico (Vietjet), BIM Group (Air Mekong), Thiên Minh Group (Hải Âu Aviation), FLC Group (Bamboo Airways). Saigontourist cũng là cổ đông sáng lập nắm giữ lượng cổ phần nhỏ tại Jetstar Pacific Airlines.
Chia sẻ với chúng tôi, Tổng giám đốc Vietravel Airlines Vũ Đức Biên cho biết Vietravel Airlines có lợi thế về thị trường khi khai thác dịch vụ bay thuê chuyến. Năm 2018, Vietravel đã thuê bao hơn 300 chuyến bay để đưa khách đi du lịch trong và ngoài nước.
Hoạt động cho thuê nguyên chuyến đang tăng trưởng mạnh mẽ những năm gần đây nhờ sự bùng nổ của ngành du lịch. Số liệu tài chính của Vietjet phần nào minh chứng cho điều này: doanh thu cho thuê chuyến và thuê ướt của Vietjet đã tăng từ 1.300 tỷ năm 2015 lên gần 7.000 tỷ đồng năm 2018.
Ẩn số tiềm lực tài chính của Vietravel
Để một hãng hàng không vận hành được thì tiềm lực tài chính mạnh của nhà đầu tư là một yếu tố then chốt bên cạnh những vấn đề về chuyên môn vận hành - trong khi đó đây lại không phải thế mạnh của Vietravel.
Tại thời điểm 31/3/2019, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Vietravel chỉ đạt lần lượt là 1.368 tỷ và 235 tỷ đồng.
Phần lớn tài sản của công ty là các chi phí trả trước liên quan đến việc khai thác tour du lịch cùng các khoản phải thu khách hàng. Tương ứng ở phía bên nguồn vốn là các khoản phải trả người bán và người mua trả tiền trước.
Lượng tiền mặt tại thời điểm trên là gần 168 tỷ đồng và tổng các khoản vay nợ là gần 100 tỷ đồng.
Phần lớn tài sản/nguồn vốn của Vietravel là các khoản phải thu, phải trả liên quan đến vận hành tour
Vietravel Airlines được cấp đăng ký kinh doanh từ tháng 2/2019 nhưng tại thời điểm cuối quý 1 vẫn chưa vẫn chưa xuất hiện thông tin nào về khoản góp vốn vào Vietravel Airlines trên báo cáo tài chính của Vietravel.
Vốn chủ sở hữu của công ty mẹ cũng mới chỉ đạt 235 tỷ đồng - nhỏ hơn nhiều so với vốn điều lệ tối thiểu 300 tỷ đồng của Vietravel Airlines. Rõ ràng những con số đang cho thấy Vietravel đang không mấy dư dả về tài chính khi phải huy động ra 300 tỷ đồng để góp đủ vốn của Vietravel Airlines.
Là doanh nghiệp lớn nhất trong ngành lữ hành nhưng quy mô vốn của Vietravel khá bé do công ty ít huy động thêm vốn mới và lợi nhuận giữ lại hàng năm không nhiều.
Năm 2018, với doanh thu lên đến trên 7.300 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ròng chỉ có 54 tỷ đồng tức tỷ suất lợi nhuận chỉ hơn 0,7% dù đã cải thiện đáng kể so với các năm trước. Mức lợi nhuận của Vietravel thậm chí còn thua xa nhiều khách sạn 4-5 sao.
Doanh thu lớn nhưng biên lợi nhuận của Vietravel rất mỏng
Với việc tiềm lực tài chính "khá mỏng" của Vietravel thì cũng đặt ra những áp lực lớn về tài chính trong việc vận hành Vietravel Airlines.
Tất nhiên với một thương hiệu mạnh như Vietravel, công ty sẽ không khó để huy động thêm vốn chủ cũng như vốn vay để phục vụ cho tham vọng bay của mình. Cũng không loại trừ khả năng trong tương lai Vietravel Airlines có thể tìm kiếm được đối tác chiến lược đồng hành trong cuộc chơi.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Vietravel cũng đã thông qua phương án tăng vốn nhưng số vốn huy động thêm dự kiến chỉ hơn 30 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu ESOP và chào bán cho cổ đông chiến lược.
Theo Trí thức trẻ
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu