Chiều nay 16/5/2019, tại Tọa đàm Xây dựng môi trường phát triển cho ngành hàng không, các đại diện tham dự đã có nhiều chia sẻ về triển vọng và thách thức đối với sự phát triển của ngành hàng không.
Hàng không tăng trưởng 1% thúc đẩy GDP tăng trưởng 0,5%
Mở đầu tọa đàm, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - cho biết Việt Nam đang được xếp là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt nhất khu vực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng không và ngược lại. Về mối liên hệ tăng trưởng giữa ngành hàng không và GDP, ông Lộc đánh giá nó giống như “con gà và quả trứng”, gắn bó chặt chẽ.
Số liệu thống kê cho thấy, cứ 1% tăng trưởng ngành hàng không thúc đẩy 0,4 - 0,5% tăng trưởng GDP. Tăng trưởng ngành hàng không thời gian qua 14 - 15%, trong khi đó, tăng trưởng GDP từ 6,5 - 7%/năm.
Năm 2011, việc thị trường hàng không Việt Nam có sự tham gia của các hãng bay tư nhân đã góp phần xóa bỏ tình trạng độc quyền trong ngành hàng không và hàng không đã trở thành phương thức đi lại của nhiều người dân. Việc gia tăng tính cạnh tranh của thị trường hàng không càng cao thì chất lượng dịch vụ càng gia tăng, người tiêu dùng được hưởng lợi.
Theo dự báo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế, Việt Nam sẽ đứng thứ 5 thế giới về tăng trưởng số lượng hành khách và hàng hóa vào năm 2025.
Với dân số 100 triệu người, tốc độ tăng trưởng ngành hàng không Việt Nam sẽ tăng khoảng 15% trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Việt Nam đang dần chuyển đổi mô hình từ lắp ráp sang công nghệ cao, thiết bị điện tử. Đây là xu hướng có nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không cao.
Mặc dù Việt Nam có sự tăng trưởng cao trong ngành hàng không, nhưng ông Vũ Tiến Lộc cũng chỉ ra không ít thách thức.
“Trong nền kinh tế mở, các hãng hàng không trong nước không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh với các hãng nước ngoài. Do đó, cần phải tìm ra giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các hãng hàng không trong nước. Bên cạnh đó, thị trường hàng không cũng chịu áp lực lớn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao. Song song với đó, vấn đề bảo đảm an ninh hàng không cũng là vấn đề cần được bảo đảm trong quá trình phát triển” - ông Vũ Tiến Lộc cho biết.
Ngoài ra, vị Chủ tịch VCCI cũng trích dẫn nghiên cứu cho biết: “Trong tương lai gần, VN cần 10 hãng bay để đáp ứng nhu cầu phát triển”. Điều này sẽ tạo ra nhiều áp lực cho sự phát triển ngành hàng không trong thời gian tới.
Số lượng các hãng bay xuyên lục địa tới Tân Sơn Nhất và Nội Bài rất ít
Bày tỏ đồng tình với lo ngại của ông Vũ Tiến Lộc, GS.TS Nguyễn Thị Phương cho biết sự phát triển kinh tế và nhu cầu gia tăng là động lực phát triển của ngành hàng không Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, cơ sở vật chất chưa có được sự phát triển tương xứng, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, Chủ tịch Hiệp hội hàng không Việt Nam - cho biết tăng trưởng ngành hàng không trong Quý 1/2019 chưa tới 7%.
Lý giải về sự sụt giảm trong tăng trưởng này, ông Minh cho biết có 2 nguyên nhân chính, bao gồm: (1) hạ tầng quá tải, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất không còn tăng được chuyến bay nữa; (2) số lượng khách chuyển từ đường bộ sang hàng không cũng có giới hạn.
Ông Phạm Ngọc Minh - Chủ tịch Hiệp hội hàng không Việt Nam - tham gia thảo luận (Ảnh: P.D)
|
Cũng theo ông Minh, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng sân bay sẽ là yếu tố quyết định duy trì tốc độ tăng trưởng của vận tải hàng không. Mặt khác, việc phát triển ngành hàng không cũng phải đi cùng với việc bảo đảm an toàn, an ninh hàng không. Năng lực bảo đảm an toàn, an ninh phải đảm bảo từ hai phía là nhà chức trách và nhà cung ứng.
“Nếu ở Việt Nam không có sân bay quốc tế tầm cỡ, đóng vai trò “cửa ngõ” thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển hàng không. Theo số liệu của chúng tôi, số lượng các hãng bay xuyên lục địa tới Tân Sơn Nhất và Nội Bài rất ít. Họ tìm đến các sân bay quốc tế khác. Như vậy, Việt Nam gần như chỉ đóng vai trò như “bus stop” (điểm dừng xe buýt - PV) trên bản đồ hàng không thế giới” - Chủ tịch Hiệp hội hàng không Việt Nam cho biết.
Bày tỏ lo ngại về việc xây dựng quá nhiều sân bay, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho biết nhiều cử tri phản ánh việc nhiều điều địa phương đua nhau xin mở sân bay, dẫn đến tình trạng “lạm phát sân bay”.
Theo ông Nhưỡng, “điểm nghẽn” không chỉ ở sân bay mà còn năm ở văn hóa hàng không, dịch vụ mặt đất, dịch vụ chăm sóc khách hàng. Chúng ta mới chỉ thuần làm dịch vụ chứ chưa tham gia vào những khâu khác trong chuỗi giá trị ngành là sản xuất máy bay. Do đó, cần phải đánh giá kỹ lượng đóng góp của ngành hàng không đối với sự phát triển của kinh tế./.