Đó là nhận định của TS. Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hội thảo “Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp trong kỷ nguyên số” vừa diễn ra sáng nay (12/1).
TS. Lê Doãn Hợp đánh giá, kỷ nguyên số và cuộc cách mạng CNTT đã làm thay đổi thứ hạng các quốc gia rất nhanh, làm thay đổi cả trật tự thế giới. Đồng thời, CNTT cũng giúp cho các quốc gia xích lại gần nhau, thúc đẩy sự phát triển của văn minh thời đại và cũng chính là văn minh của con người.
Năm 2016, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đã chứng kiến nhiều bất ngờ. Đó chính là thành tựu của truyền thông mạng xã hội, truyền thông nhờ ứng dụng CNTT so với truyền thông theo phương thức truyền thống. Cuộc cách mạng chuyển đổi nhận thức để xây dựng thương hiệu trong thời kỷ kỷ nguyên số là cực kỳ quan trọng.
Nhắc đến thương hiệu, ông Lê Doãn Hợp cho rằng, cần nhắc đến 3 vấn đề chính, đó là thương hiệu sản phẩm, thương hiệu con người, thương hiệu của dịch vụ. Trong đó, xây dựng thương hiệu cho vấn đề nào cũng cần có sự kiên nhẫn và quyết tâm cao độ.
Trong kỷ nguyên số, các doanh nghiệp cần có tư duy mới trong việc xây dựng thương hiệu. Đó là tư duy xây dựng thương hiệu nhìn trên mặt bằng toàn thế giới chứ không chỉ là thương hiệu ở trong nước. “Thương hiệu chính là ở con người và chất lượng con người chính là chất lượng thương hiệu. Thương hiệu là của quốc gia, là rường cột, là niềm tin của thế giới Việt Nam”, ông Hợp đánh giá.
Sự bùng nổ Internet trong hơn một thập kỷ qua có tác động đáng kể đến hoạt động marketing cũng như xây dựng và định vị thương hiệu doanh nghiệp trên thị trường. Đi đôi với sự gia tăng không ngừng của các hoạt động marketing online, Internet có thể mang đến những rủi ro tiềm ẩn cho các nhãn hiệu mới trong những ngành công nghiệp “trẻ”. Internet cũng có thể tạo ra sự nhận biết thương hiệu mạnh hơn bao giờ hết và làm tăng số lượng người biết tới nhãn hiệu một cách nhanh chóng.
Mỗi thị trường và mỗi ngành công nghiệp đang chứng kiến sự chuyển giao mạnh mẽ sang thời đại kỹ thuật số với tốc độ thay đổi đang diễn ra nhanh hơn bao giờ hết. Đây là dấu hiệu báo động cần có sự thay đổi vô cùng lớn trong các hoạt động kinh doanh, buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi liên tục để thích nghi và duy trì sự phát triển. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các công ty, tập đoàn cần có sự điều chỉnh về nhận dạng thương hiệu để tránh bị “lạc hậu” và thụt lùi so với đối thủ của mình. Nhiều thương hiệu lớn đã không thích ứng được và buộc phải thúc thủ trong thời đại kỹ thuật số, nhưng điều này cũng tạo ra nhiều cơ hội lý tưởng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trỗi dậy để trở thành những người khổng lồ mới.
Tuy nhiên, việc áp dụng Internet nói chung và Công nghệ số nói riêng để tạo dựng và phát triển công cụ Marketing số xây dựng thương hiệu bên cạnh các công cụ Marketing truyền thống dường như còn khá “lạ lẫm” đối với các doanh nghiệp Việt.
Theo số liệu mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Cimigo chi phí đầu tư cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam trong năm qua chỉ là 15 triệu USD và tỷ lệ sử dụng internet của Việt Nam là 26% so với mức trung bình 19% của Châu Á.
Cũng theo con số thống kê do TNS, công ty chuyên về nghiên cứu đo lường các hoạt động truyền thông thì chi phí quảng cáo trực tuyến chỉ chiếm dưới 5% tổng chi phí quảng cáo. Mặc dù các kênh truyền thông truyền thống như truyền hình, báo, tạp chí, ngoài trời đã trở nên rất đắt đỏ nhưng tới 95% chi phí quảng cáo vẫn được sử dụng tại các kênh này. Điều đó cho thấy mặc dù số lượng người tiêu dùng sử dụng internet cao nhưng chi phí đầu tư cho tiếp thị trực tuyến còn rất khiêm tốn.
Hội thảo “Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp trong kỷ nguyên số” trước các thách thức của thời đại Internet nhằm hướng sự chú ý của các doanh nghiệp Việt Nam vào công tác xây dựng thương hiệu online, bên cạnh các hoạt động phát triển thương hiệu truyền thống, nhằm gia tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, tạo vị thế vững chắc trên thị trường trong bối cảnh kinh tế mới.
Hội thảo do Hội Truyền thông số Việt Nam, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Hiệp hội Internet Việt Nam phối hợp tổ chức.