Thuốc trúng thầu tập trung quốc gia: đều đạt tiêu chuẩn EU - GMP, giá trúng đã thực sự giảm mạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 5/8, Bộ Y tế công bố kết quả đấu thầu các gói thầu cung cấp thuốc giai đoạn 2022-2023. Đáng mừng khi số tiền tiết kiệm được qua đấu thầu lên tới 1.337 tỉ đồng và thuốc đều có tiêu chuẩn EU -GMP.
Đấu thầu thuốc thành công sẽ giúp các bệnh viện hạ nhiệt "cơn sốt" thiếu thuốc điều trị
Đấu thầu thuốc thành công sẽ giúp các bệnh viện hạ nhiệt "cơn sốt" thiếu thuốc điều trị

Mới đây, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia (Bộ Y tế) đã tổ chức đấu thầu thuốc, nhằm giải quyết vấn đề thiếu thuốc ở các bệnh viện. Với 3 gói thầu có tổng giá kế hoạch là hơn 7.630 tỉ đồng và giá trúng thầu là 6.293 tỉ đồng, việc đấu thầu đã tiết kiệm được 1.337 tỉ. Trong khi chất lượng thuốc đều là nhóm 1 và 2, thì có thuốc giảm còn 46-48% giá kế hoạch. Đặc biệt, kết quả này còn là dấu hiệu tốt để giúp giải nhiệt “cơn sốt” thiếu thuốc điều trị đang diễn ra ở các bệnh viện.

Để thông tin thêm đến bạn đọc về vấn đề này, VietTimes đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo – Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia (Bộ Y tế) về giá cả và chất lượng thuốc trúng thầu.

Có thuốc trúng thầu giảm còn 46-48% giá kế hoạch

*Xin bà cho biết các chủng loại thuốc được đấu thầu lần này cùng số lượng nhà thầu tham gia?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo: Có 106 thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2023 được Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia tổ chức đấu thầu lần này, dựa trên Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia được ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BYT và đã được Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 4325/QĐ-BYT ngày 8/9/2021.

Các thuốc tổ chức đấu thầu tập trung quốc gia là những thuốc có tỉ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng tại các cơ sở y tế trên cả nước, như thuốc điều trị nhiễm khuẩn: kháng sinh (44 thuốc), thuốc tiêu hóa (19 thuốc), thuốc tim mạch (16 thuốc), thuốc điều trị ung thư (11 thuốc), thuốc điều trị tiểu đường (7 thuốc) và 9 thuốc thuộc các nhóm điều trị khác.

Có 72 nhà thầu tham dự 3 gói thầu cung cấp thuốc cho các cơ sở y tế, trong đó 52 nhà thầu tham dự gói thầu số 1 cung ứng cho các tỉnh miền Bắc, 50 nhà thầu tham dự gói thầu số 2 cung ứng cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và 55 nhà thầu tham dự gói thầu số 3 cung ứng cho các tỉnh miền Nam.

Kết quả, có 39 nhà thầu trúng thầu, trong đó có 27 nhà thầu trúng gói thầu số 1, có 27 nhà thầu trúng gói thầu số 2, có 24 nhà thầu trúng gói thầu số 3.

Các nhà thầu tham dự đấu thầu đều là những nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu và có khả năng cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế trên toàn quốc.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo – Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia (Bộ Y tế)

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo – Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia (Bộ Y tế)

* Điều mà mọi người quan tâm nhất là giá thuốc đấu thầu lần này có rẻ hơn lần trước không, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo: Nếu so sánh mặt bằng chung thì kết quả đấu thầu thuốc lần này khá bất ngờ, vì số lượng tương đối lớn mà có thuốc giá chỉ còn 46-48% so với giá kế hoạch.

Chính bản thân các nhà thầu khác khi biết kết quả này cũng bất ngờ. Theo quy định của Luật Đấu thầu, những thuốc nào giảm được dưới 50% giá kế hoạch thì có yêu cầu nhà thầu giải trình. Các nhà thầu giải thích nhà thầu có chiến lược thầu, tìm được nguồn cung thuốc gốc, hơn nữa, 2 năm qua do dịch Covid-19 nên nên lượng bệnh nhân ít dẫn tới sử dụng thuốc thấp, nên nhà thầu cũng phải tính toán trong kinh doanh. Một số thuốc kháng sinh có giá giảm sâu do trong điều trị, chủng loại thuốc này có nhiều lựa chọn thuốc thay thế, điều này dẫn tới cạnh tranh không ít trong đấu thầu. Hơn nữa, thuốc đấu thầu tập trung thì có ít nhất 24 tháng không phải tìm kiếm nguồn đấu thầu nữa, mà chỉ cần thực hiện hợp đồng với các cơ sở y tế.

Thuốc dự thầu phải thuộc nhóm 1 và 2

* Nhưng với giá rẻ như vậy thì chất lượng có đảm bảo không, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo: Chất lượng hoàn toàn đảm bảo, vì số đăng ký của các thuốc đó đã được Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp số đăng ký, còn chất lượng đều đạt tiêu chuẩn EU-GMP và được nước sở tại, các cơ quan liên quan cấp chứng nhận tiêu chuẩn.

Đặc biệt, trong lần đấu thầu này, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia chỉ mua thuốc của 2 nhóm đầu bảng đối với các thuốc generic (không có 'thuốc gốc', cũng gọi là 'thuốc phát minh', mà các văn bản và trong giao tiếp y dược ở ta vẫn phổ biến cách gọi là "thuốc biệt dược gốc" rất dễ gây hiểu lầm, cần sớm nhất quán từ bỏ - TG) là nhóm 1 và nhóm 2, tức là các thuốc đạt tiêu chuẩn EU-GMP. Đó là các thuốc được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn EU-GMP (tiêu chuẩn về thực hành tốt sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn châu Âu do Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu xây dựng và ban hành) hoặc tương đương.

Vì thế, hầu hết thuốc trúng thầu được sản xuất tại các nước châu Âu như Pháp, Áo, Đức, Ý, Romani, Tây Ban Nha... (từ 48 - 49 hoặc từ 84-86 thuốc tùy từng gói thầu) và Việt Nam (từ 31 - 33 thuốc tùy từng gói thầu). Có thuốc của Ấn Độ nhưng ít và đều phải có chứng nhận EU- GMP mới tham gia thầu được.

Trong quá trình thực hiện, nếu nhà thầu đã được cấp số đăng ký vi phạm về chất lượng thì sẽ phải chịu trách nhiệm.

* Liệu có xảy ra khả năng sau khi công bố kết quả đấu thầu, có nhà thầu không cung ứng đủ thuốc và nếu có thì xử lý ra sao, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo: Dường như không có khả năng ấy, trừ trường hợp số đăng ký, hay những vấn đề thuộc về trường hợp bất khả kháng, còn thì trước khi phê duyệt trúng thầu, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia đã thương thảo việc cung ứng theo đúng các điều kiện. Nếu không cung ứng đủ thì nhà thầu sẽ bị phạt và phải đưa ra giải pháp khắc phục.

Thuốc đã sẵn sàng cung ứng

Bà có thể cho biết, sau khi có kết quả công bố nhà thầu, thì bao lâu sẽ có thuốc?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo: Theo quy định thì không quá 45 ngày, nhà thầu sẽ phải cung ứng thuốc ngay. Tuy nhiên, khi thương thảo, chúng tôi đã kiểm tra vấn đề tồn kho của các thuốc được phê duyệt trúng thầu, thì đa số (95% số thuốc) đã có lượng tồn kho để cung ứng ngay sau khi được phê duyệt kết quả đấu thầu. Nhà thầu cũng cam kết đẩy nhanh ký kết hợp đồng. Thuốc đã sẵn sàng cung ứng ít nhất trong 1 tháng, có thuốc đảm bảo cung ứng trong 1 quý theo nhu cầu được nêu trong hồ sơ mời thầu.

* 3 gói thuốc trúng thầu vừa được công bố lần này chiếm bao nhiêu trong tỷ trọng thuốc đang sử dụng trong các cơ sở y tế, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo: Về tỷ trọng, nếu nói về danh mục thuốc thì không phải nhiều, nhưng giá trị thuốc lại tương đối lớn. Ví dụ chi phí thuốc từ nguồn bảo hiểm y tế khoảng 40.000 tỉ/năm (đây là con số ví dụ - TG), thì chi phí các thuốc trúng thầu lần này đã phê duyệt gần 7.000 tỉ (chiếm khoảng 20% so với chi phí thuốc của cả năm). Số lượng đầu thuốc rất ít, chỉ khoảng 50 hoạt chất nhưng về giá trị chiếm khoảng 20%.

Hầu hết các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia lần này đã là những thuốc chiếm giá trị lớn nhất, do Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia thực hiện. Còn những thuốc khác không nằm trong danh mục này (thường có giá trị nhỏ hơn hoặc số lượng ít hơn) thì thuộc danh mục đấu thầu tại địa phương, khi đó các cơ sở y tế sẽ tự đấu thầu.

*Xin hỏi bà thêm: Có đơn vị sau khi đã trúng thầu rồi mà Trung tâm vẫn mời tới thương lượng giảm giá thành công? Có còn những thuốc trúng thầu ở mấy hàm lượng khác nhau nhưng giá trúng không tỷ lệ thuận với hàm lượng không? (Ví như thuốc A trúng cả 2 hàm lượng 5mg và 10mg, nhưng giá trúng loại 10mg lại cao gấp ba gấp bốn hàm lượng 5mg). Bà có thể cho biết Top 10 thuốc giá trúng thầu quốc gia năm nay giảm nhiều nhất so với thầu quốc gia đợt trước?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo: Cũng có một số thuốc của một số nhà thầu xếp hạng 1 nhưng vẫn đề xuất giảm giá. Có thuốc trúng thầu ở hàm lượng khác, giá được đề xuất trúng thầu chưa phù hợp với hàm lượng. Sau đó, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia và nhà thầu đã thương thảo, giảm giá đảm bảo phù hợp hơn, như trường hợp nhà thầu Tenamyd.

Không so sánh về Top 10 giảm giá đợt này với đợt trước được, do đây là lần đầu thực hiện đấu thầu tập trung tại Bộ Y tế danh mục này theo Thông tư 15/2020/TT-BYT.

*Xin cảm ơn bà đã trao đổi!

Tiết kiệm thực chất:
Giá trúng thầu đợt đấu tập trung này thấp hơn giá kế hoạch tới 21,25%, tính theo bình quân gia quyền. Mà giá kế hoạch năm nay, theo tìm hiểu của VietTimes, đã được rà soát gắt gao và chốt ở mức thấp hơn giá trúng thầu của đợt đấu trước khá nhiều. Thấp hơn cả 'thấp hơn', vậy giá trúng đã thực sự giảm mạnh. Tiết kiệm là thực chất.

BBT.