Trong buổi tọa đàm "Chính sách quản lý Fintech” do Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) và chuyên trang ICTnews của báo VietNamNet tổ chức vào ngày 20/8/2019, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đã chia sẻ về Đề án cung cấp dịch vụ Mobile Money (thanh toán qua tài khoản điện thoại di động - PV). Theo đó, trên cơ sở tiếp thu ý kiến một số bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước đã trình Đề án này lên Thủ tướng, thời gian tới khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đề án này sẽ được triển khai thí điểm.
Tuy nhiên, ông Nghiêm Thanh Sơn cũng cho biết, khi triển khai Mobile Money cũng đặt ra vấn đề bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp ví điện tử so với nhà mạng viễn thông, khi các thuê bao viễn thông được phép nạp tiền mặt vào tài khoản Mobile Money.
Ông Sơn cho hay, tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ quy định cho phép được nạp tiền từ tiền mặt vào ví điện tử với một hạn mức nhất định, hạn mức này tương tự như nạp từ tài khoản viễn thông để tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp Fintech.
Bên cạnh đó, Thông tư quy định về dịch vụ ngân hàng đại lý cũng đang được soạn thảo, sau khi Nghị định sửa đổi Nghị định 101 được ban hành, dự kiến vào cuối năm 2019, sau đó Ngân hàng Nhà nước sẽ có căn cứ để ban hành Thông tư này. Năm 2020, Thông tư về dịch vụ ngân hàng đại lý có thể được ban hành, khi đó sẽ giải quyết được rất nhiều hạn chế cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, Fintech.
Chia sẻ tại Hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam” mới đây, đại diện Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, từ tháng 9/2018 Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ TT&TT và Bộ đưa ra đề xuất triển khai dịch vụ Mobile Money. Tháng 1/2019, Nghị quyết 02 của Chính phủ thể hiện vấn đề thanh toán không thông qua tài khoản ngân hàng, trong đó có Mobile Money. Tháng 4/2019, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ TT&TT trình Chính phủ cho triển khai Mobile Money thí điểm.
Theo đó, trước mắt doanh nghiệp viễn thông triển khai thí điểm với các dịch vụ hạn chế nhất định, như thanh toán với số tiền giới hạn, chỉ dựa vào hệ thống phân phối của các doanh nghiệp viễn thông, giới hạn các nhà mạng di động lớn triển khai. Ngoài ra, phải đảm bảo vấn đề định danh trên từng tài khoản di động và các vấn đề bảo mật khi triển khai.
Các doanh nghiệp khi triển khai phải bảo đảm tài chính và chi trả cho khách hàng, thực hiện giám sát hệ thống và thực hiện giám sát chống gian lận tài chính, chống tài trợ khủng bố. Với những yêu cầu như trên, nhà mạng di động phải làm tốt công tác định danh khách hàng bằng cách thu hồi các SIM có sẵn trên kênh phân phối. Và phải có chế độ chính sách để quản lý đại lý của mình, đồng thời phải tuân thủ các quy định của ngân hàng.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu