Internet thực sự là một cái gì đó rất khó nắm bắt, nó không phải là một thứ vật chất cụ thể để chúng ta có thể sờ, nắn. Rất ít người có kinh nghiệm thực tế này như Guillaume Le Saux, thuyền trưởng của một con tàu mang tên Pierre de Fermat. Đó là một con tàu hiện đại, là thành viên trong hạm đội tàu thuộc sở hữu của hãng viễn thông Pháp Orange, được thiết kế chuyên để lắp đặt và sửa chữa các đường cáp quang đan chéo nhau dưới đáy biển thế giới.
Cuộc sống của thuyền trưởng con tàu cáp như thế rất “dữ dội”. Le Saux luôn ở trong tình trạng báo động, sẵn sàng bị phái ra giữa đại dương trong chỉ vài giờ đồng hồ thông báo. Đôi khi, điều này có nghĩa là anh phải vượt trên những con sóng cao trên 6 mét, để kiểm tra cáp quang hoặc đơn giản là sửa chữa lại “món đồ chơi” của cá mập.
Khi Le Saux nhận nhiệm vụ, anh cùng với các đồng đội sẽ dàn trận với Hector, con robot dưới nước nặng 7 tấn, nó sẽ lặn xuống đáy biển, đôi khi ở độ sâu 5.000 mét. Công việc của Hector là kiểm tra thiệt hại, chôn cáp mới, hoặc mang các phần cáp bị hư hỏng lên tàu.
Một câu hỏi được rất nhiều người thắc mắc cũng như nghĩ đến khi mạng internet bị ngắt kết nối, đường cáp quang gặp vấn đề đó là: cá mập đã tấn công cáp quang ngầm dưới biển, có đúng không?
Trong bài phỏng vấn với trang Quartz, Guillaume Le Saux đã nói: “Điều này đúng, nhưng rất hiếm, hoàn toàn không thường xuyên xảy ra. Cá mập có thể ngửi thấy mùi bức xạ điện từ, điện, và vì dường như chúng rất tò mò, vì thế chúng cố cắn cáp. Khi nước biển ấm, điều này phụ thuộc vào khu vực biển, chúng tôi có một số đường cáp đặc biệt cần bảo vệ bằng một loại nhôm, để tránh gây bức xạ (mà cá mập có thể cảm nhận), và loại cáp này còn được gọi là cáp “cá cắn”. Vì đã được bảo vệ, nên cá mập không thể cảm thấy bức xạ điện từ, vì thế, chúng không nhìn thấy cáp”.
Thế còn về cá voi? “Không, cá voi không thể cắn cáp, vì cáp được đặt dưới đáy biển. Vì thế, cá voi không thể bơi xuyên qua dưới cáp được”.
Về vấn đề này, Le Saux cho biết, cáp quang được đặt ở dưới đáy biển, thậm chí tại những nơi sâu nhất của đại dương, bởi vì khi lắp đặt cáp dưới đáy biển, sẽ không tốn quá nhiều cáp. Chẳng hạn, họ cố gắng tránh những vùng có nhiều núi ngầm dưới biển. Nhưng nếu nối đoạn cáp từ châu Âu đến Mỹ, sẽ phải đi qua vùng giữa Đại Tây Dương, sẽ phải qua vùng có mực nước biển sâu 5.000 mét. “Nhưng dù bất cứ lúc nào, cáp cũng phải đặt dưới đáy biển”, anh nói.
Ngoài ra, nguyên nhân cáp quang biển gặp trục trặc còn nằm ở việc có một số kẻ cố tình ăn cắp cáp, phá hỏng cáp quang biển. Theo Le Saux, cáp bị hư hỏng, có tới 80% nguyên nhân là do các hoạt động của con người. Trong số 80% nguyên nhân đến từ con người này, thì có đến 80% xuất phát từ các hoạt động đánh cá, và đó là những con tàu đánh cá cỡ lớn, đánh cá tận sâu dưới đáy biển và gây hư hại cho cáp biển.
Một vấn đề nữa khiến cáp quang biển bị hư hại, đó là mỏ neo của tàu thuyền, và đó chính là 20% nguyên nhân còn lại khiến cáp quang biển bị hư hỏng xuất phát từ các hoạt động của con người. Những trường hợp này không hề hiếm. Chẳng hạn, các thuyền trường thả neo sai vị trí. Một số nước châu Phi, khu vực neo lại nằm trong khu vực có cáp quang biển. Và đôi khi gặp bão, tàu thả neo, con tàu di chuyển và va chạm phải cáp.
Những nguyên nhân gây đứt cáp nữa là do thiên nhiên. Chẳng hạn, cách đây mấy năm, sóng thần xảy ra ở châu Á, một số tàu cáp đã phải làm việc hàng tháng trời để sửa cáp dưới đáy biển.
Thuyền trưởng Le Saux cho biết anh và đồng đội luôn trong trạng thái trực 24h, và nếu xảy ra sự cố, họ sẽ phải ngay lập tức xử lý. Le Saux đã làm công việc này trong 16 năm. Anh cho biết ngành công nghiệp này đã có nhiều thay đổi trong 16 năm qua. Công nghệ phát triển, cáp quang biển cũng đã có công suất lớn hơn nhiều, vì thế, không cần phải đặt quá nhiều cáp. Hay như Trung Quốc, cách đây 15 năm, họ không hề có tàu cáp, song hiện Trung Quốc đã có tàu chuyên lắp đặt và sửa chữa cáp quang biển.
Tuy có sự thay đổi mạnh mẽ như thế, nhưng khi được hỏi “liệu có lúc nào đó chúng ta sẽ không còn cần đến cáp quang biển để kết nối Internet không?”, vị thuyền trưởng của hãng viễn thông Pháp Orange đã khẳng định “tôi hoàn toàn chắc chắn là không. Chúng ta sẽ luôn cần đến cáp quang biển”, anh nói. “Bởi vì, cáp quang có công suất khổng lổ, rẻ hơn nhiều so với vệ tinh, vì thế, tôi nghĩ chúng ta luôn cần đến cáp”.
Theo Quartz