Thủ tướng tham quan Trung tâm hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam (ảnh: báo Quảng Nam) |
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, Thủ tướng nhấn mạnh việc xây dựng Chính phủ điện tử là vấn đề mới, thúc bách để đưa đất nước phát triển. Thủ tướng nhắc lại kết quả xếp hạng Chính phủ số mà Liên Hợp Quốc vừa công bố hồi tháng 7, theo đó Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2018. Điều này chứng tỏ Việt Nam đã có những cố gắng, tuy nhiên việc phát triển CPĐT vẫn còn nhiều bất cập. Do đó, cơ quan chuyên trách của chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đưa ra các chính sách pháp lý cũng như các biện pháp thúc đẩy phát triển CPĐT.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu vấn đề “cách nghĩ” và “cách làm” để phát triển CPĐT tiến tới Chính phủ số. Đối với việc triển khai nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu, nếu có gì mới mà các bộ, ngành, địa phương chưa “nghĩ ra”, chưa hiểu rõ thì cần triển khai một sản phẩm mẫu để tất cả dùng thử. Từ đó các bên sẽ hiểu rõ sản phẩm, thấy rõ hiệu quả để triển khai. Theo đại diện Bộ TT&TT, “cách làm” sẽ là nâng cấp nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia với thời gian triển khai kỹ thuật là 1 ngày, thời gian đào tạo chuyển giao là 3-5 ngày.
Đối với các dịch vụ công trực tuyến, việc triển khai dịch vụ công cấp độ 4 mới chỉ đạt được trên 10%. Đại diện Bộ đề nghị cần thay đổi tư duy từ cung cấp những gì đang có sang chủ động phục vụ.
Cũng tại hội nghị, Bộ TT&TT đề xuất triển khai hệ thống hỗ trợ thanh toán trực tuyến PayGov, hệ thống giám sát chính phủ điện tử EMC. Tiến hành đo mức độ sử dụng Cổng Dịch vụ công qua các lượt truy cập, nộp, xử lý và trả kết quả trên cổng.
Bộ TT&TT đề xuất các địa phương tăng ngân sách chi cho công nghệ thông tin từ mức 0,3% lên ít nhất 1%.
Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết sau hơn 8 tháng hoạt động, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã cung cấp 1.039 dịch vụ công trực tuyến/ 6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Số lượt truy cập Cổng đạt trên 60 triệu, có trên 235.000 tài khoản đăng ký, trên 295.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến, 15 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái. Hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng mới được đưa vào vận hành từ tháng 3 năm nay, tính đến nay đã có 9.000 giao dịch trong đó giao dịch riêng trong tháng 8 đạt mức 5 tỷ đồng.
Cũng tại Hội nghị này, đại diện một số Bộ, ngành, địa phương đã chia sẻ cách làm CPĐT của mình. Một số địa phương trong thời gian qua đã đạt được những kết quả rất tốt trong việc xây dựng chính quyền điện tử, đơn cử như Thừa Thiên-Huế, Quảng Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng.