Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Danh dự Hội Truyền thông số Viện Nam đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp báo ngày 23/7/2020, tại TP. HCM, về Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2020 với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử và Cổng dịch vụ công trực tuyến hướng đến Chính phủ số - Mô hình và giải pháp công nghệ” sẽ diễn ra ngày 17/9 tới đây tại thành phố mang tên Bác.
Hội thảo do Hội Truyền thông số Việt Nam và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế tại Việt Nam tổ chức với sự bảo trợ của Bộ TT&TT và UBND TP.HCM.
Điều cần nhất là chuyển biến trong nhận thức
Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Doãn Hợp đánh giá ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước đã đạt được những thành tựu đáng mừng trong một số lĩnh vực, từ cơ sở đến trung ương.
Tuy nhiên, nhìn ra các nước trên thế giới đã ứng dụng CNTT thành công, ông Lê Doãn Hợp chỉ ra Israel là tấm gương cho Việt Nam học hỏi. Đó vốn là quốc gia toàn sa mạc, đầy khó khăn, thách thức nhưng hiện họ đã có hàng loạt lĩnh vực đứng ở top đầu thế giới, trong đó có ứng dụng CNTT.
Chủ tịch Danh dự Hội Truyền thông số Việt Nam bày tỏ ngưỡng mộ về thành quả “3 không” mà nước bạn đã đạt được từ khá lâu là: Không giấy tờ, không khủng bố và không có bộ máy bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp mà tất cả đều bằng công nghệ điện tử.
"Tôi đến Israel lần đầu vào năm 2010, thủ tục nhập cảnh rất chặt chẽ nhưng chỉ chặt chẽ 1 lần ở cửa khẩu còn đã vào nội quốc thì hoàn toàn tự do, không bao giờ bị kiểm tra hành chính. Lần thứ hai (2013) tôi đến, khi tôi vừa nhìn vào màn hình an ninh ở sân bay thì lập tức cơ quan an ninh thông báo: Ông vào Isarel lần 2 rồi, mời ông vào mà không hỏi gì thêm.
Trong khi ở Việt Nam, dù là bệnh viện công hay bệnh viện tư thì đều phải làm thủ tục khai báo nhiều lần, mất thời gian, thêm chi phí, mệt mỏi và chờ đợi" - ông Lê Doãn Hợp so sánh.
Từ thực tế trên, Chủ tịch Danh dự Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, xây dựng Chính phủ điện tử là việc rất cần, nhưng việc cần trước tiên là phải tạo ra được chuyển biến trong trong nhận thức. Ông nhấn mạnh cuộc cách mạng về Chính phủ điện tử trước hết là cách mạng về nhận thức, mà đặc biệt là nhận thức của những người đứng đầu về ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử.
Là người theo sát sự kiện thường niên về Chính phủ điện tử này, ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT - cho rằng, việc chọn chủ đề về Chính phủ số của hội thảo năm nay là rất phù hợp và bám sát xu hướng phát triển của thế giới cũng như thực tiễn tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT.
|
"Chuyển đổi số đầu tiên là chuyển đổi nhận thức, không chỉ người làm CNTT vào cuộc và các cấp từ lãnh đạo đến chuyên viên đều phải tham gia vào chương trình này thì mới có thể thực hiện được chuyển đổi số. Từ đó, chúng ta mới có thể thực hiện hiệu quả ứng dụng CNTT cho các hoạt động của Chính phủ và cung cấp nhiều dịch vụ công tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Không những thế, việc này còn thúc đẩy sự minh bạch thông qua ứng dụng CNTT và người dân có thể tham gia các hoạt động của Chính phủ về xây dựng chính sách, thực thi các quy phạm phạm luật" - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam bày tỏ sự thống nhất về quan điểm với người tiền nhiệm.
Cột mốc 15 năm Hội thảo Chính phủ điện tử
Thông tin thêm về Hội thảo, đại diện Ban tổ chức cho biết, năm 2020 là thời điểm đánh dấu cột mốc tròn 15 năm sự kiện Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử được tổ chức tại Việt Nam.
Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP - sẽ tham gia chủ trì hội thảo.
|
“Sự kiện năm nay là nơi các lãnh đạo chính phủ, bộ ngành, tỉnh thành cùng các chuyên gia cao cấp từ Liên Hợp Quốc, chuyên gia tư vấn, chuyên gia CNTT trong nước và quốc tế cùng thảo luận, đề xuất mô hình, lộ trình và giải pháp góp phần thực hiện mục tiêu vừa phát triển Chính phủ điện tử và Cổng Dịch vụ công quốc gia, vừa hướng tới xây dựng nền Chính phủ Số”, ông Lê Thanh Tâm - Tổng Giám đốc IDG Vietnam và ASEAN - cho biết.
Trực tiếp tham gia chủ trì và chỉ đạo Hội thảo dự kiến có ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP và dự kiến có sự chủ trì, chỉ đạo của ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ TT&TT. Ngoài ra, còn có lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp tham gia các phiên chuyên đề.
Phiên Báo cáo chính sẽ tập trung giới thiệu mô hình, lộ trình và giải pháp công nghệ nhằm phát triển Cổng dịch vụ công trực tuyến và Chính phủ số với các bài báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ - Môi trường Quốc hội, Liên hiệp quốc tại Việt Nam. Tiếp theo là 3 phiên chuyên đề diễn ra song song dưới sự chủ trì của lãnh đạo cao cấp Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Diễn ra song song với hội thảo là triển lãm công nghệ thông tin phục vụ công tác xây dựng hạ tầng và chuyển đổi số chính phủ điện tử. Lượng tính, có khoảng 30 gian triển lãm của các đơn vị trong nước tiêu biểu như Viettel, VNPT, FPT, Hyperlogi, Admax… và quốc tế như Microsoft, Cisco, Oracle, IBM… sẽ tham gia giới thiệu các sản phẩm/dịch vụ/giải pháp tiêu biểu tại hội thảo và triển lãm.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu