Thủ tướng và toàn bộ các bộ trưởng, trưởng ngành cùng “trả bài” trước Quốc hội

Ngày 16/11 sắp tới, Quốc hội chuẩn bị phiên chất vấn 'chưa từng có'. Tất cả bộ trưởng, trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn, Thủ tướng có 75 phút trực tiếp trả lời câu hỏi của đại biểu.
Phiên chất vấn dự kiến sẽ kéo dài 2,5 ngày. Ảnh: Giang Huy.
Phiên chất vấn dự kiến sẽ kéo dài 2,5 ngày. Ảnh: Giang Huy.

Do là kỳ họp áp chót chuẩn bị kết thúc Quốc hội khóa 13 (nhiệm kỳ 2011-2016), phiên chất vấn kéo dài 2,5 ngày từ 16 đến 18/11 có nhiều thay đổi. Những kỳ họp trước, Quốc hội xin ý kiến đại biểu nội dung chất vấn, sau đó chọn nhóm vấn đề và thành viên Chính phủ để trả lời. Còn ở kỳ họp này, Quốc hội sẽ chất vấn theo từng lĩnh vực trong cả nhiệm kỳ.

Các thành viên Chính phủ sẽ báo cáo những việc đã thực hiện tại 8 nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội từ kỳ họp thứ 2 đến nay. Trên cơ sở đó, các ủy ban của Quốc hội sẽ đọc báo cáo thẩm tra. Từ những báo cáo trên, Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá những gì làm được, những gì còn tồn tại để chất vấn, làm rõ hơn vấn đề, đặc biệt là lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành. Vấn đề đại biểu nêu ra liên quan đến ngành nào, bộ nào thì bộ trưởng, trưởng ngành đó có trách nhiệm trả lời.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trả lời những vấn đề liên quan và bao quát lại những vấn đề chung. Theo kế hoạch, Thủ tướng sẽ phát biểu và trực tiếp trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu từ 10h đến 11h15 ngày 18/11 (75 phút).

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, quan điểm của Quốc hội là truy đến cùng những vấn đề chưa giải quyết. Vì vậy, sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ra nghị quyết và gửi lại Quốc hội khóa sau để tiếp tục giám sát. "Đây là một điểm đổi mới của Quốc hội, chưa kỳ họp nào thực hiện, nhằm đảm bảo việc giám sát đến cùng của Quốc hội", ông Phúc khẳng định.

Trước đó, cho ý kiến về thời gian dành cho việc trả lời chất vấn của Thủ tướng hiện nay, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm thấy rằng chưa thỏa đáng vì người đứng đầu Chính phủ chỉ trả lời 2-3 câu hỏi của đại biểu là đã hết thời gian.

"Đại biểu rất quan tâm tới trả lời của Thủ tướng nhưng không có thời gian. Tôi đề nghị mỗi phiên chất vấn cả kỳ họp giữa năm và cuối năm phải dành thời gian trọn một buổi cho chất vấn và Thủ tướng trả lời. Như vậy Thủ tướng mới có thể trình bày nhiều vấn đề thấu đáo, thoả đáng hơn", bà Tâm đề nghị.

Chương trình chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp 10, Quốc hội khoá 13 được truyền hình, phát thanh trực tiếp. Cụ thể, ngày 16/11 trong buổi sáng, sau khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến năm 2015.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến năm 2015.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra, Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Từ đó, đại biểu Quốc hội thảo luận, chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ.

Từ 10h00 đến 11h15 ngày 18/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Theo Vne