Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Va chạm mạnh thúc đẩy phát triển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, cần tiếp tục quyết liệt trong công tác kiểm tra, va chạm mạnh sẽ thúc đẩy phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, cần tiếp tục quyết liệt trong công tác kiểm tra (Ảnh: VGP)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, cần tiếp tục quyết liệt trong công tác kiểm tra (Ảnh: VGP)

Tại buổi Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm hoạt động của Tổ Công tác của Thủ tướng kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao sáng nay, ngày 16/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành 8 chữ ngắn gọn để tổng kết: “Quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, thực chất”.

“Cần loại bỏ dần tư tưởng “cài cắm”, dần dần tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

“Quá nhiều văn bản, phải bỏ bớt thủ tục cho người dân và doanh nghiệp được nhờ. Đơn giản hoá hơn, tạo thuận lợi hơn, giải quyết tình trạng lưu cữu, nợ đọng văn bản vốn đã tồn tại từ trước tới giờ. Phấn đấu không còn văn bản nợ đọng trước ngày khai mạc Quốc hội nhiệm kỳ tới” – Thủ tướng chỉ đạo.

“Trong 5 năm qua, Tổ công tác của Thủ tướng đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, xảy ra nhiều cuộc “va chạm” rất lớn giữa các cá nhân với nhau, giữa cá nhân và các Bộ. Điều này đã thúc đẩy công việc được giải quyết. Nếu không thì chỉ là “nước chảy bèo trôi”, không có đối chiếu, kiểm tra thì không thể nào có tiến triển” – Thủ tướng nhắc nhở.

“Trên tinh thần Tổ công tác của Thủ tướng, nhiều Bộ, nhiều địa phương đã thực hiện mô hình này, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn của hệ thống hành chính, nhà nước trong nhiệm kỳ vừa rồi, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp cả nước” – Thủ tướng nói.

Thủ tướng ghi nhận tinh thần thẳng thắn, không ngại va chạm (Ảnh: VGP)

Thủ tướng ghi nhận tinh thần thẳng thắn, không ngại va chạm (Ảnh: VGP)

Thủ tướng ghi nhận: “Tinh thần thẳng thắn, không ngại va chạm của nhiều Bộ trưởng, như Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đã dẫn tới thành công của Tổ công tác của Thủ tướng. Trong đó, đã quy tập được nhiều người đứng đầu của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp lớn, cùng lắng nghe, phản biện, dẫn tới tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề tồn đọng”.

Đặc biệt, Tổ công tác của Thủ tướng đã sử dụng công nghệ, vận dụng những phương tiện CNTT phù hợp với thời đại 4.0. “Càng thủ công thì càng xa rời thực tế, dễ nảy sinh tiêu cực. Đặc biệt rất cần các cơ quan như thuế, hải quan… cần lưu ý điểm này để chống tham nhũng thành công” – Thủ tướng nhắc nhở.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có hoạt động tốt hay không là phụ thuộc vào Tổ công tác của Thủ tướng. Phải nhanh nhạy, bắt kịp, quyết liệt, hợp tác, thân thiện, thẳng thắn, phối hợp để giải quyết các vấn đề chung” – Thủ tướng đánh giá.

“Thời gian qua, Tổ công tác Chính phủ đã năng nổ, nhưng vẫn có một số việc bị chồng lấn với các Bộ, ngành; cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng điểm để tránh bỏ sót việc quan trọng đã được giao. Phải đi vào thực chất, không cần đi đông người, không làm chỉ để đối phó” – Thủ tướng nhấn mạnh về phương hướng nhiệm vụ thời gian tới.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không được để thất thoát tài sản Nhà nước, chống lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng và đặc biệt là không làm trái pháp luật.

“Công việc của đất nước đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành đều dồn sức vượt qua khó khăn. Chính phủ điện tử không chỉ là công nghệ mà quan trọng nhất phải là thể chế pháp luật. Thể chế làm sao để tạo điều kiện cho sự phát triển chứ không phải kiềm chế phát triển”.

“Nhưng nếu thiếu kiểm tra đôn đốc thì kết quả không thể nào tốt được. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, nếu không có kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo. Điều này đặc biệt đúng trong các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, thiếu thanh tra, kiểm tra dễ dẫn đến tiêu cực, móc nối, “sân trước”, “sân sau”, làm hại doanh nghiệp. Không thể say mê với thành tích, để lại những lỗ hổng, như tình trạng trì trệ với công việc, sự lạc hậu, một số thể chế chính sách vẫn còn rất nặng nề, chưa cởi mở, chưa giải phóng nguồn lực cho phát triển. Cho nên, việc tiếp tục tháo gỡ cho doanh nghiệp và người dân, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào Việt Nam cần chú trọng hơn để đạt được khát vọng phát triển” – Thủ tướng chỉ đạo.