Sáng 29/10, tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10 cảnh báo vấn đề lạm phát, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc các bộ, ngành, địa phương, tháng 10 chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,83%, 10 tháng đã là 4% so với tháng 12 năm ngoái, trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao là 5%. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo phải có biện pháp kiểm soát, không để lạm phát vượt trần Quốc hội giao, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy mạnh tăng trưởng.
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, quý 4, tăng trưởng phải đạt mức từ 7,1 đến 7,3 % để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,3 đến 6,5%. Nếu không hoàn thành thì sẽ ảnh hưởng đến nợ công. Do đó, các thành viên Chính phủ phải bàn thảo sâu, kỹ hơn để có các giải pháp thích hợp. Trong đó, lưu ý các giải pháp là giải ngân vốn đầu tư các dự án giao thông, xây dựng cơ bản; xuất khẩu, dịch vụ, nhất là du lịch. Cùng với đó là các giải pháp tài chính, tín dụng đầu tư.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo các bộ, ngành phải có kế hoạch ngay từ năm nay cho đầu năm 2017, không để qua Tết, mùa lễ hội mới xây dựng ban hành kế hoạch. Để khắc phục tình trạng nhiều năm qua, kinh tế quý I – quý đầu tiên của năm luôn tăng trưởng thấp.
Liên quan đến chỉ số CPI liên tục tăng, theo báo cáo của Tổng Cục thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tháng 10/2016 có 11 nhóm hàng hoá dịch vụ chính, trong đó tới 9 mặt hàng tăng giá. Cụ thể, thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất 10,07%; Giao thông tăng 2,02%; Giáo dục tăng 0,61%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,31%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,17%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,17%... Hai 2 nhóm giảm chỉ số giá là Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,02%; Bưu chính viễn thông giảm 0,12% điều này đã góp phần làm CPI tăng cao.
Nguyên nhân CPI tăng là do giá nhóm thực phẩm tăng cao do trùng thời điểm mùa cưới và do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng mạnh.