CPI tháng 10 tiếp tục tăng, áp lực 2 tháng cuối năm

VietTimes -- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,83% so với tháng trước, tăng 4,09% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kế hoạch được Quốc hội phê duyệt, lạm phát năm nay được dự định ở mức 5%. Như vậy, nhiệm vụ kiềm chế lạm phát trong hai tháng cuối năm sẽ khá nặng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nguyên nhân làm gia tăng CPI trong tháng 10 được Tổng cục Thống kê (Bộ KH&DT) chỉ rõ là do giá nhóm thực phẩm tăng cao do trùng thời điểm mùa cưới và do giá dịch vụ y tế được điểu chỉnh tăng mạnh.

Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hoá dịch vụ chính, có 9 mặt hàng tăng giá. Trong đó, thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất 10,07%; Giao thông tăng 2,02%; Giáo dục tăng 0,61%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,31%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,17%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,17%... Hai 2 nhóm giảm chỉ số giá là Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,02%; Bưu chính viễn thông giảm 0,12%.

Giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo bước 2 ở 15 địa phương nên chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 13,28% góp phần làm cho CPI tăng khoảng 0,5%.

Mặt hàng thực phẩm đóp góp tăng 0,26% CPI chung do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm vào mùa cưới tăng cao, bên cạnh đó giá các mặt hàng rau củ tăng mạnh do ảnh hưởng của mưa lũ đặc biệt ở các tỉnh miền Trung làm sản lượng rau xanh trên thị trường giảm.

Ngoài ra, mặt hàng giá xăng dầu cũng góp phần làm CPI tăng 0,17% do giá xăng điều chỉnh tăng 2 lần trong tháng (vào ngày 5/10 và 20/10/2016) khiến chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 4,14% so với tháng trước góp phần làm cho CPI tăng khoảng 0,17%. Xăng dầu điều chỉnh, khiến giá vé ô tô khách tăng 1,02% và giá cước taxi tăng 0,19%.

Như vậy, bình quân 10 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung tăng 2,27% và lạm phát cơ bản (tăng 1,82%). Tuy nhiên, khoảng cách giữa hai chỉ số này không lớn, điều này thể hiện, chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.