- Nhận định trên được nêu lên tại Thông báo số 535/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ trong kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về một số bất cập, hạn chế và cơ chế, chính sách qua kết quả kiểm toán các dự án BOT, BT và công tác cổ phần hóa, liên doanh, liên kết.
Thông báo nêu rõ, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội là nền tảng của mỗi quốc gia, trong đó, kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn qua, Chính phủ đã tập trung nguồn vốn ngân sách, vốn ODA… cho đầu tư phát triển hạ tầng, tạo lập nhiều cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực xã hội, qua đó đã thu hút được nguồn lực xã hội hóa vào phát triển hạ tầng giao thông, đô thị qua các hình thức đầu tư BOT, BT, thúc đẩy công tác cổ phần hóa, liên doanh liên kết.
Hệ thống hạ tầng giao thông và đô thị đã có nhiều thay đổi tích cực, chất lượng công trình ngày càng được nâng cao, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển, hội nhập kinh tế trong khu vực và thế giới.
Để hoàn thiện chính sách, pháp luật, bảo đảm phát huy hiệu quả việc đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT, BT và công tác cổ phần hóa, liên doanh liên kết, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Nghị quyết của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị liên quan của Kiểm toán Nhà nước để tiếp tục hoàn thiện nội dung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và Quyết định số 41/2015/QĐ-TTg ngày 15/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy định bán cổ phần theo lô.
Bộ Tài chính thường xuyên tổ chức rà soát, rút kinh nghiệm trong công tác cổ phần hóa; đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hóa trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước để thực hiện các biện pháp hữu hiệu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là quản lý quá trình thực hiện các dự án theo hình thức hợp đồng BOT, BT.
Tiếp tục rà soát toàn diện, hoàn thiện các chiến lược, quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, gắn với đề án tái cấu trúc ngành, hướng tới phát triển hài hòa các phương thức vận tải; chủ trì xây dựng, đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP trong tất cả các lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, cảng biển, hàng không, đường thủy nội địa); định hướng lập các trạm thu phí, khắc phục triệt để các hạn chế, bất cập xảy ra trong giai đoạn qua.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và ban hành các quy trình quyết toán hợp đồng đối với các nhà đầu tư; thực hiện quyết toán các công trình theo đúng quy định của pháp luật; tiếp tục rà soát thời gian thu phí hợp lý các dự án, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Các Bộ, cơ quan liên quan quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và công tác cổ phần hóa, liên doanh liên kết bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật; triển khai các phương án xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém và kiểm điểm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm trong quá trình thực hiện.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương tổng kết việc triển khai thực hiện các mô hình đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có hình thức Hợp đồng BOT và BT thời gian qua, đánh giá toàn diện những mặt được và những hạn chế, bất cập, đề xuất kiến nghị các giải pháp khắc phục hữu hiệu trong giai đoạn tới.