Thứ trưởng Trần Duy Đông: Việt Nam cam kết đảm bảo điện năng cho sản xuất chip

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chia sẻ trên tờ Nikkei Asia, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nói rằng Việt Nam sẽ thu hút các công ty chip bán dẫn thông qua việc giảm thuế và đảm bảo nguồn cung điện năng không bị gián đoạn.

Thứ trưởng Trần Duy Đông: Việt Nam cam kết đảm bảo điện năng cho sản xuất chip

Việt Nam có kế hoạch đảm bảo nguồn cung cấp điện cho sản xuất chip, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định điều này với phóng viên của tờ Nikkei Asia.

Ông Đông cho biết Hà Nội có kế hoạch thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực chip bán dẫn thông qua việc giảm thuế, chi tiêu nghiên cứu và đầu tư vào cơ sở hạ tầng như sản xuất điện. Ông thừa nhận với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng, tình trạng thiếu điện là mối lo ngại hàng đầu của doanh nghiệp.

“Chúng tôi biết cơ hội không chờ đợi nước nào”, ông nói khi được hỏi về việc Việt Nam đang phải cạnh tranh với các nước châu Á khác. Ví dụ, Ấn Độ đã phê duyệt việc xây dựng nhà máy chế tạo chip đầu tiên của mình , trong khi Malaysia vừa thu hút đầu tư nước ngoài vừa cố gắng nuôi dưỡng các công ty địa phương.

Căng thẳng địa chính trị và sự gián đoạn chuỗi cung ứng thời Covid đã thúc đẩy các công ty đa dạng hóa hoạt động sản xuất ngoài Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng như công nghiệp bán dẫn. Điều này mang đến cơ hội ngàn năm có một cho các quốc gia khác phát triển ngành công nghiệp chip của riêng họ và tạo ra sự cạnh tranh ngày càng gay gắt về đầu tư và lao động.

Việt Nam hiện đang bước vào mùa khô, lượng điện sản xuất từ thủy điện suy giảm đe dọa khả năng cung cấp liên tục. Nếu không đảm bảo được nguồn điện, Việt Nam có thể phải mất nhiều năm mới thu hút được một công ty chế tạo chất bán dẫn, một ngành kinh doanh có độ chính xác cao vốn cực kỳ nhạy cảm với sự cố mất điện.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết Việt Nam đang triển khai nhiều dự án năng lượng, chẳng hạn như dự án 500 MW được ấn định vào cuối năm nay để cung cấp điện cho miền bắc Việt Nam, nơi tập trung đầu tư vào chip. Việt Nam cũng đang tăng cường nhập khẩu than dùng cho các nhà máy nhiệt điện

Hiện tại có hàng chục công ty thiết kế và đóng gói chip đang hiện diện tại mảnh đất hình chữ S này, trong đó có nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip lớn nhất của Intel. Ông Đông cho biết Việt Nam đã lập ngân sách để xây dựng bốn trung tâm nghiên cứu chip – hai ở Hà Nội và một ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng – để hợp tác với các công ty tư nhân. Ông cho biết chính phủ cũng đang hợp tác với 36 trường Đại học để đào tạo ít nhất 50.000 kỹ sư.

Chất bán dẫn được đề cập nhiều trong lịch trình gần đây của Thứ trưởng Trần Duy Đông, bao gồm các cuộc họp với các giám đốc điều hành, các học giả Đài Loan và các quan chức Hoa Kỳ để thảo luận về lĩnh vực này.

Thứ trưởng cho biết Việt Nam sẽ xem xét thêm về thuế và các ưu đãi khác ngoài những ưu đãi dành cho tất cả các nhà đầu tư công nghệ cao mà không nêu rõ chi tiết.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ điều chỉnh chính sách của mình. “Ngân sách nhà nước mà chúng tôi chi tiêu sẽ rất đáng kể”.