Khảo sát của VietTimes cho thấy Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đang muốn trở thành trung tâm bán dẫn của Việt Nam. Ngoài ra, nhiều tỉnh thành khác đã có sự hiện diện của các công ty bán dẫn, hoặc đang có kế hoạch thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp này, như Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai, Hải Phòng, Quảng Nam…
Các tỉnh thành này đều có những đặc điểm và lợi thế riêng để thu hút sự đầu tư của các công ty trong lĩnh vực bán dẫn, hoặc đào tạo nguồn nhân lực kỹ sư chất lượng cao.
Theo quy hoạch Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Hà Nội sẽ trở thành trung tâm hàng đầu cả nước về công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học. Thành phố sẽ chú trọng phát triển hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là tiền đề quan trọng để bứt phá trong thời kỳ tới.
Mục tiêu này có tính khả thi cao bởi Hà Nội là địa điểm đặt trụ sở của nhiều công ty công nghệ lớn của Việt Nam như FPT, Viettel, VNPT, VinGroup… cũng như các khu công nghiệp, học viện, viện nghiên cứu, các trường đại học, các trung tâm dữ liệu lớn. Đây là một ưu thế không nhỏ về nguồn nhân lực công nghệ cao cũng như hạ tầng công nghệ của Hà Nội so với các tỉnh thành khác.
Theo ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, thủ đô liên tục dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nhiều năm trở lại đây. Năm 2023, tổng số vốn FDI vào Hà Nội là 2,6 tỉ USD, trong đó có những nguồn vốn đến từ doanh nghiệp vi mạch bán dẫn.
Vào trung tuần tháng 9/2023, Hà Nội đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Inventec Appliances (Đài Loan, Trung Quốc) tại Khu công nghiệp hỗ trợ nam Hà Nội (Hansip). Dự án đầu tư giai đoạn một của công ty trị giá 125 triệu USD cho sản xuất vật liệu bán dẫn, dự kiến đi vào hoạt động từ quý IV/2024.
Ông Yeh Li-Cheng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Inventec Appliances nhận xét Khu công nghiệp Hansip nằm ở điểm cuối phía nam của đồng bằng sông Hồng, là đầu mối huyết mạch giao thông Bắc - Nam, xung quanh là đồng bằng rộng lớn, khí hậu tốt. Các công trình hạ tầng, phụ trợ trong khu công nghiệp đang dần hoàn thiện và sẽ trở thành vùng trọng điểm phát triển chiến lược của thủ đô.
Không chỉ có Khu công nghiệp Hansip, Hà Nội hiện còn có 11 khu công nghiệp đã hoàn thành xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động với tổng diện tích 2.930 ha. Ngoài ra, 14 dự án khu công nghiệp khác đang trong quá trình triển khai cũng như đưa vào quy hoạch phát triển vào giai đoạn tới.
Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp Đài Loan hồi cuối tháng 9/2023, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nói rằng ngành công nghiệp bán dẫn rất phù hợp với tiềm năng, lợi thế của thủ đô. “Hàng nghìn hecta đất của Hà Nội đã sẵn sàng. Chúng tôi cũng sẽ chuẩn bị đầy đủ những điều kiện tốt nhất để thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực này đến với Hà Nội”.
Cũng trong năm ngoái, Chính phủ đã bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho UBND TP Hà Nội quản lý. Khu công nghiệp này có đầy đủ điều kiện về hạ tầng và vị trí địa lý để thu hút các doanh nghiệp công nghệ, trong đó có công nghệ vi mạch bán dẫn.
Đáng chú ý, cuối tháng 10/2023, Trung tâm Đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn NIC Hòa Lạc được khánh thành. Trung tâm này là sự hợp tác giữa các đối tác công nghệ lớn Mỹ như Synopsys, Đại học Arizona, Keysight và các đối tác trong nước như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ; với mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được hơn 50.000 kỹ sư về thiết kế vi mạch theo chuẩn quốc tế.
Đào tạo nhân lực công nghệ cao cũng có thể coi là một lợi thế của Hà Nội. Hiện trên cả nước có 30 cơ sở đào tạo về STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), thì riêng Hà Nội đã chiếm 73% số sinh viên theo học lĩnh vực này. Đại học Bách khoa Hà Nội là ngôi trường nằm trong top 300 thế giới về đào tạo STEM.
Trong khi Hà Nội có rất nhiều lợi thế về các khu công nghiệp cũng như đào tạo nhân lực thì Đà Nẵng - một địa điểm du lịch nổi tiếng của cả nước - cũng đang tìm cách đa dạng hóa các ngành nghề. Đà Nẵng muốn thoát khỏi quan niệm chỉ là một địa điểm dành cho du lịch.
Chia sẻ với VietTimes, ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo thiết kế vi mạch và Trí tuệ nhân tạo, cho biết Đà Nẵng đã xác định công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo là 2 trong 5 nhóm ngành đột phá, tạo xung lực phát triển kinh tế cho thành phố.
Việc phát triển công nghiệp bán dẫn, Đà Nẵng dựa trên “kiềng ba chân” gồm cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ chế chính sách.
Về cơ sở hạ tầng, thành phố hiện có 1 khu công nghệ cao, 6 khu công nghiệp và chế xuất và 3 khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm đang hoạt động.
Khu Công viên phần mềm số 2 cũng đã được thành phố đầu tư xây dựng, hiện đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đưa vào vận hành, khai thác trong quý III/2024. Đây là địa điểm được lựa chọn là hạ tầng đặc biệt phục vụ cho lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.
Ngoài ra, Đà Nẵng đang tiếp tục mở rộng Khu CNTT tập trung giai đoạn 2, thu hút đầu tư Khu không gian sáng tạo Hòa Xuân, hỗ trợ triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng Tòa nhà công nghệ cao Viettel, Khu CNTT Đà Nẵng Bay.
Về cơ chế chính sách, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đang xây dựng Đề án phát triển vi mạch bán dẫn và dự thảo 2 Nghị quyết của HĐND thành phố về chính sách thu hút các trí thức Việt kiều, chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn về chuyển giao tri thức.
Về nhân lực, Đà Nẵng đang tập trung thu hút các sinh viên theo học ngành vi mạch bán dẫn, cũng như khuyến khích các kỹ sư đã tốt nghiệp nhóm ngành CNTT đăng ký tham gia các khóa đào tạo về chip bán dẫn. Ngày 26/1 vừa qua, thành phố đã thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng.
Ông Lê Hoàng Phúc cho biết thế mạnh của Đà Nẵng là khâu đào tạo nguồn nhân lực, môi trường sống và vị trí địa lý thuận lợi để thu hút chuyên gia, Việt kiều về nước làm việc, cũng như đón nhận làn sóng đầu tư của doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài.
Chia sẻ với VietTimes bên lề một cuộc hội thảo về bán dẫn, ông Lê Hải Anh, Giám đốc Dolphin Technology Vietnam - một công ty hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch – cũng cho rằng ưu điểm của Đà Nẵng chính là “thành phố đáng sống”.
“Rất nhiều lập trình viên và tài năng công nghệ có quê ở các tỉnh miền trung sau nhiều năm tu nghiệp tại TP.HCM hoặc nước ngoài đã trở về và lựa chọn Đà Nẵng là nơi phát triển sự nghiệp. Những công ty nào mở văn phòng đại diện tại Đà Nẵng chắc chắn sẽ thu hút được người giỏi. Ngày một nhiều công ty đang có xu hướng mở thêm văn phòng tại đây”, ông Lê Hải Anh cho biết.
“Sống và làm việc tại Đà Nẵng sẽ có chi phí rẻ hơn, môi trường tốt hơn so với Hà Nội hay TP.HCM, vì thế khi công ty mở chi nhánh Đà Nẵng, nhiều nhân viên sẵn sàng chuyển tới đây”, ông Hải Anh giải thích thêm về tính cạnh tranh của Đà Nẵng so với 2 thành phố lớn của đất nước.
Là đầu tàu kinh tế của cả nước, chính quyền TP.HCM coi công nghiệp bán dẫn là một trong những trọng điểm để thúc đẩy phát triển kinh tế trong tương lai.
Theo Nghị quyết 98/2023 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM, lĩnh vực chip bán dẫn được chính quyền thành phố xác định là ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, phát triển thành trung tâm công nghệ bán dẫn của Việt Nam hướng đến toàn cầu.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, ngay từ năm 2021, TP.HCM đã có sự chuẩn bị cho việc phát triển công nghiệp bán dẫn. Thành phố đã thực hiện nhiều hoạt động như thành lập Trung tâm điện tử Vi mạch bán dẫn, liên kết với các trường - viện đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhà đầu tư vào ngành vi mạch bán dẫn...
Khu công nghệ cao TP.HCM đang là địa điểm đặt nhà máy của một số công ty bán dẫn lớn trên thế giới trong đó có Intel. Nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất của Intel tại Khu công nghệ cao TP.HCM hiện chiếm hơn 50% tổng sản lượng của Intel trên toàn cầu. Năm 2021, Intel đã tăng vốn đầu tư dự án này lên gần 1,5 tỷ USD và đang có kế hoạch đầu tư thêm để mở rộng nhà máy tại Việt Nam.
Tháng 11/2023, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đã trao chứng đầu tư vào lĩnh vực vi mạch bán dẫn cho BE Semiconductor Industries N.V của Hà Lan, tổng vốn hơn 115 tỷ đồng (tương đương 4,9 triệu USD), dự kiến hoạt động trong quý I/2025.
Hồi tháng 8/2022, Khu công nghệ cao TP.HCM đã hợp tác với đối tác thành lập Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch (SCDC). Đến tháng 9/2023 tiếp tục hình thành Trung tâm Đào tạo điện tử quốc tế (IETC). Vừa qua, 2 trung tâm này đã được sáp nhập thành Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn (ESC). Theo kế hoạch, ESC đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ góp phần giúp cả nước đào tạo được 50.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn.
Tháng 12/2023, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn với công ty Ansys (Hoa Kỳ).
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, hiện nay trường đang đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công nghệ bán dẫn. Trong giai đoạn 2023-2030, trường đặt ra mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo phân tích của công ty Roland Berger, những ưu thế giúp TP.HCM có thể trở thành một trung tâm bán dẫn của cả nước là: vị trí địa lý chiến lược thuận lợi cho thương mại quốc tế, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, lực lượng lao động trẻ, có kỹ năng (85% kỹ sư thiết kế chip tại Việt Nam tập trung ở TP.HCM). Vì thế, thành phố có thể phát huy lợi thế về chi phí lao động so với các quốc gia khác trong khu vực vốn cũng đang có nhu cầu phát triển công nghiệp bán dẫn.
Ngoài ra, Việt Nam có nguồn tài nguyên dồi dào với trữ lượng silic và đất hiếm dùng cho sản xuất chip lớn thứ hai thế giới. Điều này mang lại lợi thế lớn cho TP.HCM trong việc phát triển một chuỗi cung ứng tích hợp và hoàn thiện hơn trong tương lai.
Ngoài 3 thành phố lớn nêu trên thì tại một số tỉnh, thành khác cũng đã có sự hiện diện của các công ty bán dẫn như Amkor tại Bắc Ninh, Hana Micron Vina tại Bắc Giang, On Semiconductor tại Đồng Nai, Global Unichip ở Hải Phòng…
Vấn đề đặt ra ở đây là nên để các tỉnh, thành phố tự thu hút đầu tư cho ngành công nghiệp bán dẫn theo “sở trường” của mình, hay nên tập trung dưới sự chỉ đạo của một đầu mối. Nếu để các tỉnh tự làm thì lợi hại ra sao?
Trong bài viết sau, các chuyên gia sẽ chia vẻ với VietTimes về việc nên để các địa phương tự thu hút nhà đầu tư bằng lợi thế của mình, hay phát triển có trọng tâm, trọng điểm để đảm bảo hiệu quả ngân sách đầu tư công, không bị thất bại như một số "phong trào" từng triển khai trước đây.