Trong Hội nghị Sơ kết đánh giá thi hành Luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện sáng ngày 18/3 tại Hà Nội, Phó Giám đốc Lê Quốc Cường khẳng định thời gian qua Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM đã tích cực kiểm tra việc chấp hành thi hành pháp luật về đăng ký thuê bao di động trả trước và xử lý tin nhắn rác.
Theo đó, từ năm 2011 đến nay Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM đã thu gần 4.000 SIM, yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ của 90.516 thuê bao, phạt gần 500 triệu đồng đối với các vi phạm trong đăng ký thông tin thuê bao trả trước.
Nhờ đó trong năm 2015, số lượng tin nhắn rác được thực hiện qua đầu số 1900 đã giảm rõ rệt và các doanh nghiệp thống nhất cài đặt bộ quản lý không tính cước trong 10 giây khi khách hàng gọi đến tổng đài 1900.
Về tổng thể, thị trường viễn thông cả nước và TP. HCM nói riêng đang phát triển mạnh mẽ. Như ông Lê Quốc Cường cho biết thì với dân số khoảng 9 triệu người, TP. HCM đã có khoảng 3-4 triệu thuê bao di động, trong đó 42% là thuê bao trả trước, 47% là thuê bao sử dụng dịch vụ Internet qua mạng 3G.
Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng thuê bao trả trước nhanh kéo theo nhiều vấn đề, sự phát triển so với quyền lợi của người dân cũng như so với an ninh chính trị chưa được cân xứng. Để mở rộng thị trường, các nhà mạng mở rộng kênh bán hàng, chạy theo chỉ tiêu, doanh số và lợi nhuận, phát triển thuê bao trả trước một cách ồ ạt mà chưa tuân thủ đầy đủ theo các quy định về đăng ký và lưu trữ thông tin khách hàng, thiếu việc kiểm tra giám sát thông tin, dẫn đến hậu quả là không quản lý tốt thuê bao trả trước và tràn lan tin nhắn rác nhiều năm trở lại đây.
Mới hơn 1 năm trước ICTnews đã ghi nhận được phản ánh của nhiều người về việc điện thoại di động của họ liên tục nhận được các tin nhắn có nội dung kiểu như: "Bạn tên H muốn làm quen với bạn rất lâu rồi. Hôm nay bạn ấy nhờ 1900xxxx tặng bạn 1 bài hát và lời nhắn "mình yêu nhau đi". Gọi 1900xxxx để nghe và tâm sự cùng bạn ấy". Những tin nhắn có nội dung tương tự xuất phát từ các thuê bao di động khác nhau và đề nghị gọi lại vào các đầu số 1900 để nghe bài hát được tặng.
Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông có thời điểm đã xử lý hàng chục đầu số 1900xxxx vì liên quan đến hành vi nháy máy tạo cuộc gọi lỡ, rồi khi người dùng gọi lại thì được kết nối tới hộp thư thoại trả lời tự động tiếp tục hướng dẫn họ gọi đến hệ thống các số dịch vụ giá trị gia tăng như 1900xxxx có giá cước từ 1.000 đến 15.000 đồng/phút, block tính theo phút, tức là khách hàng chỉ cần bấm điện thoại kết nối đến đầu số nói trên 1 giây là đã bị trừ tiền bằng cuộc gọi 1 phút, nếu khách hàng gọi 1 phút 1 giây thì sẽ được tính cuộc gọi là 2 phút. Những kẻ lừa đảo còn dùng chiêu thức gửi tin nhắn có nhúng phần mềm ẩn danh như quảng cáo tải game, tải clip hot, clip sex..., chỉ cần người dùng click vào tin nhắn là các phần mềm này tự động kết nối vào các đầu số và bị trừ tiền mà không biết.
Dù vậy mặt tích cực là thời gian gần đây việc ngăn chặn tin nhắn rác đã được các cơ quan quản lý và các nhà mạng chú trọng hơn. Mới đây Viettel báo cáo đã triển khai giải pháp mới giúp giảm hơn 90% lượng tin nhắn rác, giải pháp mới này được triển khai hoàn toàn miễn phí cho khách hàng Viettel.
Với những kêt quả tích cực trong giảm tin nhắn rác của TP. HCM trong năm 2015, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông vẫn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện đầy đủ quy định về tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin và xử lý các tin nhắn rác vi phạm, đảm bảo an toàn thông tin cá nhân của người dẫn, tránh những thông tin cá nhân bị khai thác trái với pháp luật.
Ngoài ra để quản lý tin nhắn quảng cáo ở địa phương hiệu quả hơn, Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM cũng nêu đề nghị Bộ yêu cầu các doanh nghiệp ban hành hướng dẫn dịch vụ nhắn tin, xác định các dịch vụ có nhu cầu quảng cáo nhiều lần để có các chính sách, biện pháp kỹ thuật quản lý dịch vụ tin nhắn rác.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM nhận định thêm rằng thực tế các doanh nghiệp thực hiện không thu cước 10 giây đầu với đầu số 1900 nhưng việc thông báo giá cước với đầu số này thì chưa được thực hiện nghiêm túc nên đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chấn chỉnh.
Theo ICT News