Thứ hạng các CEO công nghệ trong mắt nhân viên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong khi CEO Google trở lại Top 3 CEO được yêu thích nhất, Mark Zuckerberg đã tụt xuống vị trí 40, ông chủ Amazon còn không xuất hiện trong danh sách.

Chuyên trang nghề nghiệp và đánh giá môi trường làm việc tại Mỹ, Comparably, gần đây đã công bố danh sách 100 CEO được yêu thích nhất chia ra 2 bảng xếp hạng: 50 CEO từ các doanh nghiệp lớn (sở hữu trên 500 nhân viên) và 50 CEO doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Từ 1/12/2019 tới 1/12/2020, trang Comparably đã thu thập dữ liệu đánh giá ẩn danh của nhân viên về CEO của mình ở hơn 60.000 doanh nghiệp khắp nước Mỹ. Khảo sát yêu cầu nhân viên đánh giá các CEO về hiệu quả tổng thể và phong cách quản lý của họ, cũng như văn hóa nơi làm việc của công ty.

Đáng chú ý, trong Top 50 lãnh đạo được nhân viên đánh giá cao, có 29 cái tên nằm trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, không phải ai cũng giữ được tầm ảnh hưởng như năm ngoái.

Eric Yuan , vị trí thứ 1

Vị trí số 1 trong bảng xếp hạng CEO năm nay thuộc về CEO của công ty giải pháp hội nghị trực tuyến Zoom. Ông Eric Yuan nhận được nhiều lời khen từ các nhân viên khi điều hành công ty tăng trưởng mạnh mẽ trong khủng hoảng Covid-19.

Tên đầy đủ của ông là Eric Subrah Yuan, một doanh nhân người Mỹ sinh ra tại Trung Quốc. Ông sáng lập Zoom năm 2011. Đến năm 2019, Zoom trở thành công ty toàn cầu. Tài sản của ông tăng lên đột biến vào năm 2020 khi Covid-19 hoành hành và Zoom trở thành nền tảng học, họp, gặp gỡ trực tuyến miễn phí phổ biến nhất.

Sundar Pichai , vị trí thứ 3

"Sếp" của Google năm nay tăng được 10 bậc so với năm ngoái, lên vị trí thứ 3, trong danh sách bình chọn CEO được yêu thích nhất. Theo Comparably, Sundar Pichai nhận được 3.416 lượt đánh giá từ nhân viên. Khi nhìn vào cụ thể số điểm của Sundar Pichai theo các yếu tố, như phòng ban, giới tính hay sắc tộc, có thể thấy nhân viên nam tại Google đánh giá Sundar Pichai cao hơn mức điểm trung bình.

Trước khi được bổ nhiệm làm CEO của Google tháng 8/2015, Pichai đã là một nhà lãnh đạo quyền lực tại công ty này với tư cách là giám đốc sản phẩm. Năm 2008, Pichai từng quản lý dự án phát triển Chrome . Những thành công ban đầu này đã giúp ông trở thành một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất tại Google và toàn ngành công nghệ. Pichai cũng nổi tiếng với phương pháp hoàn thành công việc thông qua quan hệ đối tác và không gây thù chuốc oán.

Satya Nadella, vị trí thứ 4

Satya Nadella, CEO của Microsoft. Ảnh: Reuters.

Satya Nadella, CEO của Microsoft. Ảnh: Reuters.

CEO của Microsoft được 2.111 lượt nhân viên bình chọn. Nadella được đánh giá cao bởi bộ phận Bán hàng, Nhân sự và nhóm nhân viên thuộc cộng đồng LGBT. Tuy nhiên, bộ phận Vận hành, Pháp lý và các nhân viên người Mỹ bản địa lại có cái nhìn không mấy hài lòng về vị giám đốc người Ấn Độ và tin rằng vẫn còn nhiều điều cần cải thiện.

Một trong những điều nổi bật mà Nadella đã làm được là cải tổ "hệ tư tưởng" ở môi trường làm việc. Gỡ bỏ sự cạnh tranh tiêu cực và tâm lý thỏa mãn về cái bóng quá lớn ở quá khứ. Nadella mong muốn truyền tải "tư duy tăng trưởng" ở nhân viên mình với sự học hỏi và sáng tạo không ngừng. Ông tuyên bố sẽ dành 150 triệu USD để cải thiện môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập, tăng số lượng nhân viên da màu ở các vị trí lãnh đạo trong công ty.

Nhìn chung, CEO Microsoft vẫn ổn định ở trị trí thứ 4 trong hai năm gần đây.

Tim Cook, vị trí thứ 8

Có một sự bất ngờ với bảng xếp hạng của Comparably năm nay. CEO Tim Cook được 1.009 nhân viên Apple đánh giá và đứng vị trí thứ 8. Trong khi đó, trong bảng xếp hạng năm ngoái, CEO Apple đứng gần cuối bảng, ở vị trí 47.

Kể từ khi lên giữ chức CEO Apple vào năm 2011, Tim Cook đã chèo lái con thuyền Apple thành công với nhiều kết quả tài chính ấn tượng. Giá trị vốn hóa thị trường của Apple đã tăng gấp 5 lần, từ 348 tỷ USD lên 1,9 nghìn tỷ USD.

Sau khi công khai là người đồng tính năm 2014, Cook cũng đã hết sức ủng hộ các chính sách của công ty về quyền riêng tư, tính bền vững và nhân quyền. Tuy nhiên, ông cũng là người bị chỉ trích nhiều nhất tại Apple vì nghiêm khắc. Các kỹ sư và nhà thiết kế tại Apple thường phải chịu áp lực lớn, họ phải làm thêm giờ để giúp Apple duy trì được vị thế trong cuộc chạy đua phần cứng và công nghệ mới.

Mark Zuckerberg , vị trí thứ 40

CEO của Facebook năm nay nhận được số điểm đánh giá thấp từ 2007 nhân viên của công ty, xếp thứ 40 ngay sau CEO Ryan Roslansky của mạng xã hội LinkedIn .

Mark Zuckerberg được đánh giá cao nhất bởi bộ phận Quản trị, những nhân viên có kinh nghiệm từ 3 đến 6 năm và nhóm nhân viên đã làm việc tại công ty từ 5 đến 10 năm.

Bảng xếp hạng CEO có nhiều xáo trộn năm nay. Ảnh: NYT

Bảng xếp hạng CEO có nhiều xáo trộn năm nay. Ảnh: NYT

Trước năm 2018, "cha đẻ" Facebook luôn giữ một vị trí trong top 10. Tuy nhiên, sau thảm họa lộ dữ liệu của Cambridge Analytica tháng 3/2018, cũng như hàng loạt bê bối liên quan đến kiểm soát nội dung trên nền tảng, niềm tin của các nhân viên Facebook vào lãnh đạo ngày càng sụt giảm. Tháng 6 năm nay, phản ứng trước động thái chậm trễ xử lý các bài đăng không phù hợp của Facebook, nhiều nhân viên đã không làm việc và tổ chức biểu tình phản đối CEO này.

Jeff Bezos

Với số lượt đánh giá lớn nhất trong số các CEO công nghệ, 4.411 lượt, CEO của Amazon lại chỉ nhận được số điểm trung bình, thậm chí các nhân viên nữ cho ông số điểm rất thấp. Số điểm cao nhất dành cho ông đến từ phòng Tài chính của Amazon.

Tỷ phú giàu nhất thế giới nổi tiếng là vị lãnh đạo có lối quản lý, điều hành độc đáo. Điều tạo nên phong cách lãnh đạo của Bezos đến từ những kinh nghiệm ông đã trải qua, mang đến cho ông những trải nghiệm hoàn toàn không giống nhau. Từ đó, ông hiểu và tìm phương pháp để điều chỉnh cách làm việc của nhân sự tại mỗi bộ phận trong doanh nghiệp mình.

Dù giàu có nhất thế giới, Bezos vẫn bị chỉ trích vì chính sách đãi ngộ với nhân viên tại Amazon và hoạt động từ thiện có phần khiêm tốn so với các tỷ phú hàng đầu khác. Một báo cáo của Vice gần đây tiết lộ những hành động giám sát diện rộng của Amazon đối với các lao động tham gia công đoàn.

Theo VnExpress