Cụ thể, tình hình kinh tế tháng 9 và 9 tháng năm 2016 đã thể hiện được tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế (xu thế dài hạn của tăng trưởng) tiếp tục duy trì được xu hướng tăng tích cực. Trong khi đó tăng trưởng ngắn hạn (chu kỳ kinh tế) sau giai đoạn suy giảm từ quý 3/2015 kéo dài đến quý 2/2016 đã có biểu hiện thoát đáy chu kỳ suy giảm từ cuối quý 3/2016.
Tuy nhiên, với tình hình tăng trưởng ba quý đầu năm thấp hơn khá nhiều so với dự kiến, cũng như biến động của các yếu tố chu kỳ kinh tế và suy giảm về tổng cung, cùng việc tăng trưởng của hai ngành nông nghiệp và khai khoáng khó đạt mức kế hoạch đề ra (nông nghiệp: 2,32%; khai khoáng: 3%), nên tăng trưởng GDP cả năm 2016 sẽ trong khoảng 6,3-6,4%.
Về lạm phát, UBGSTCQG dự báo lạm phát cả năm 2016 sẽ ở mức khoảng 4%.
Lý do được cơ quan này đưa ra là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2016 tăng 3,14% so với tháng 12/2015, chủ yếu do tăng giá dịch vụ công (dịch vụ y tế đóng góp 51% và dịch vụ giáo dục đóng góp 21% vào tổng mức tăng trên). Tuy nhiên, lạm phát cơ bản vẫn duy trì dưới 2% trong 9 tháng năm 2016 cho thấy sức ép từ tổng cầu đối với lạm phát không lớn.
Ngoài ra, thành phần lạm phát dài hạn vẫn duy trì ở mức thấp nhờ các yếu tố cơ bản như tổng cầu (lạm phát cầu kéo) và chi phí sản xuất (lạm phát chi phí đẩy) ổn định; trong khi thành phần lạm phát có tính chu kỳ tăng trong 9 tháng đầu năm tăng khá mạnh (ở mức tăng khoảng 3% so với cùng kỳ) do chịu tác động của điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục trong quý 1 và quý 3.
Cùng với đó, UBGSTCQG nhận định trong quý 4 giá lương thực, thực phẩm và năng lượng sẽ không có biến động lớn nên lạm phát trong quý 4 sẽ chủ yếu phụ thuộc vào chính sách giá dịch vụ y tế, giáo dục.