Khách hàng có cơ hội tự định giá
Ra đời từ tháng 6/2016, tuy nhiên phải tới tháng 3/2017, ứng dụng phần mềm gọi xe của người Việt mang tên Vivu (Vivu Car, Vivu Motor, Vivu Taxi) mới chính thức đưa vào sử dụng dưới dạng thử nghiệm miễn phí cho tất cả các tài xế tại TP.HCM, Cà Mau và Cần Thơ. Ông Trần Thanh Nam, CEO Công ty CP Phát triển ứng dụng Vivu - cha đẻ của phần mềm chia sẻ: Ngoài tính năng chính là đặt xe theo yêu cầu, Vivu còn phát triển thêm các tính năng mà dựa vào đó khách hàng có thể so sánh, đánh giá sự khác biệt với Uber, Grab.
"Chúng tôi cũng đã từng gặp một số hãng taxi nhưng rất khó để thuyết phục bởi đa phần họ đều muốn tự làm phần mềm. Tới nay, có gần 30 hãng taxi có App riêng, song họ không hiểu được phần mềm riêng không có tính cạnh tranh nếu chỉ để gọi xe mà không quản lý được tài xế. Về phía khách hàng, chẳng lẽ khi ra Hà Nội lại cài App của Thăng Long, Vic; vào Sài Gòn cài App Mai Linh, Vinasun hay đi Đà Nẵng lại cài App Tiên Sa? Nếu cứ giữ cung cách làm ăn này, không chịu thay đổi, thì taxi chính thống chắc chắn sẽ chết”.
Ông Trần Thanh Nam
CEO Công ty Cổ phần Phát triển ứng dụng VIVU
“Để sử dụng, hành khách chỉ cần tải ứng dụng Vivu tại CH Play hoặc App Store về điện thoại và cài đặt thông tin cá nhân. Sau đó, chọn điểm đi, đến, loại xe, giá và đặt xe theo nhu cầu. Nếu các ứng dụng khác để quyền quyết định giá trong tay nhà cung cấp dịch vụ, thì Vivu đưa quyền đó cho người đặt xe thông qua tính năng đề nghị giá. Theo đó, khách hàng dễ dàng đề nghị giá phù hợp cho từng lộ trình và giờ cao điểm. Ngoài ra, ứng dụng cũng cho phép khách hàng tìm xe một chiều, khứ hồi với chi phí tiết kiệm đến 40% so với cách đặt xe thông thường. Vivu còn giúp tiết kiệm chi phí cho khách hàng bằng lựa chọn đi nhờ xe hay đi ghép...”, ông Nam cho biết.
Đối với hãng vận tải, Vivu là ứng dụng mở cho phép các doanh nghiệp vận tải và các hãng taxi quản lí, điều xe qua định vị thay thế cho bộ đàm, đồng hồ điện tử truyền thống nhằm đảm bảo tiết kiệm tối đa về chi phí vận hành. Ngoài tiền mặt, Vivu còn hỗ trợ thanh toán qua các cổng thanh toán như: Zalo Pay, VTC Pay, OnePay...
“Làm thế nào để phần mềm Vivu ưu việt hơn cả Uber, Grab?”. Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông, ông Nam cho biết: “Những tính năng ưu việt của Vivu chỉ có thể tối ưu hóa khi có sự hợp tác từ các hãng xe taxi chính thống. Theo đó, càng nhiều hãng taxi dùng chung phần mềm Vivu thì số đầu xe phục vụ khách sẽ càng gia tăng. Bất kỳ thời điểm nào, mưa hay nắng cũng không lo thiếu xe phục vụ. Bằng cách này, tại Nhật, mấy chục hãng taxi đoàn kết tập hợp lại dùng chung phần mềm, nên Uber đã không “có cửa” để hoạt động”.
Taxi sử dụng App Vivu tại Cà Mau |
Ứng dụng Vivu: doanh thu tăng 20%?
Kể từ tháng 8 vừa qua, Vivu đã quyết định thu phí phần mềm. Nếu với Uber, tài xế đang phải trả 25% doanh thu cước, thì Vivu chỉ thu 15%, riêng tại Hà Nội và Sài Gòn, dự định sẽ thu 12%. Trong đó, 10% số tiền thu về sẽ được trả lại cho hãng taxi, số còn lại một phần chi trả cho đại lý tại các tỉnh là 2% và một phần cho Vivu. “Lợi nhuận không phải mục đích chính của chúng tôi. Vivu là một sản phẩm start-up của người Việt, hướng tới lợi ích cho người dùng, tăng sự cạnh tranh của các hãng taxi chính thống đối với Uber, Grab”, ông Nam khẳng định.
Tính tới thời điểm này, Vivu mới thử nghiệm thu phí chính thức với một đơn vị HTX taxi Thành Công Cà Mau. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Công Vững, Chủ nhiệm HTX cho biết: “Chúng tôi rất mong Vivu ký hợp đồng chính thức bởi ứng dụng phần mềm rất khả quan, giảm thiểu chi phí, tăng lượng khách gọi xe. Tới nay, khách về Cà Mau hay Cần thơ đều biết và đặt Vivu nên lượng doanh thu cũng tăng khoảng 20%”. Cũng theo ông Vững, với ứng dụng Vivu, không còn tình trạng một khách gọi mà 5, 6 xe của hãng chạy tới. “Tín hiệu khách chỉ được phát tới tài xế nơi gần nhất, đảm bảo tiết kiệm, công bằng với tất cả”, ông Vững nói.
“Nhất quyết không dùng chung”?
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, nhiều đơn vị vận tải, taxi đến nay vẫn nghi ngại ý tưởng dùng chung ứng dụng gọi xe Việt. Ông Nguyễn Khương Duy, Giám đốc điều hành taxi Thành Công cho hay, từng có nhiều ý tưởng tương tự song chưa triển khai thành công. Theo ông Duy, viết phần mềm gọi xe khá đơn giản, tự các hãng cũng làm được nhưng để khả thi, sát với nhu cầu thiết thực và thông minh như Uber, Grab thì vẫn thua kém rất nhiều. Ông Duy nhận định: “Muốn phần mềm được thông dụng, thời gian đầu phải có kinh phí cho khách hàng trải nghiệm, dần thành quen. Bên cạnh đó, cũng phải trả lời câu hỏi có đảm bảo cung cấp đủ lượng khách cho tài xế khi họ cài App hay không? Do vậy, cần có phương án đủ sức thuyết phục với cách thức điều hành hiệu quả, phân chia theo phân khúc, chất lượng và giá cả dịch vụ hợp lý thì mới khả thi”.
Trong khi đó, ông Lương Quốc Vy, Giám đốc Công ty CP Thanh Nga khẳng định: Nếu có phần mềm gọi xe Việt thông minh như Uber, doanh nghiệp sẽ mua ngay để cài cho riêng Thanh Nga chứ nhất định không dùng chung. Vì mỗi hãng taxi đều có một thương hiệu, thị phần riêng nên rất khó nhóm chung, dễ bị đánh đồng giữa đơn vị uy tín với taxi dù.
“Chúng tôi muốn giữ bản sắc thương hiệu riêng của mình. Phần mềm chỉ giải quyết việc thuận tiện, chứ không phải “câu” được nhiều khách hơn. Uy tín và giá cả mới quyết định… Giấc mơ làm phần mềm cho tất cả hãng taxi là không tưởng”, ông Vy chốt lại.
Tương tự, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, Đỗ Quốc Bình cho hay: Nhiều hãng taxi hiện đang áp dụng App riêng nên Hiệp hội Taxi Hà Nội đang xây dựng phần mềm chung cho các hãng taxi. “Với phần mềm này, khách hàng sẽ tự lựa chọn đi theo km lăn bánh hoặc lộ trình định sẵn; khi có khiếu nại, hệ thống sẽ chuyển nhanh về hãng và hãng phải đứng ra giải quyết chứ không được từ chối”, ông Bình cho biết.
Tuy nhiên, vị Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng nhấn mạnh vấn đề tiền đâu để duy trì? “Giá là yếu tố số 1 quyết định thành bại trong cạnh tranh. Trong cuộc chiến giành giật khách hàng, thành công không phải nhờ vào App mà là có đủ tiền đổ vào duy trì dịch vụ, hạ giá cước, bù tiền cho khách và tài xế... Grab vừa tuyên bố lỗ 500 tỷ đồng/năm để quảng bá App. Vậy, các DN Việt có dám bỏ tiền không? Đáng nói nữa là không ai biết trước sẽ phải bỏ tiền trong bao lâu?”, ông Bình đặt vấn đề.