Ảnh: QQ
Ảnh: QQ

E-magazine Thợ đào Bitcoin của Trung Quốc sẽ đi đâu khi bị chính phủ "xua đuổi"?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các thợ đào Bitcoin ở Trung Quốc phải đóng cửa và tìm địa điểm mới khi chính phủ Trung Quốc mạnh tay quét sạch các cơ sở khai thác. 

Ánh sáng phát ra từ các hàng máy khai thác Bitcoin đã tắt. Vào tối ngày 19/6, một đoạn video quay lại cảnh các máy đào Bitcoin ở Tứ Xuyên ngừng hoạt động đã lan truyền trên mạng xã hội của những người trong giới khai thác tiền mã hóa, đóng lại ngành khai thác trị giá tỉ USD tại đất nước tỉ dân.

Mới đây, chi nhánh của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) tại Tứ Xuyên và Tổng cục Năng lượng Tứ Xuyên ban hành lệnh "triệt phá và quét sạch" các hoạt động khai thác tiền mã hóa ở tỉnh này.

Các mỏ đào Bitcoin tại Tứ Xuyên liên tiếp đóng cửa, theo sau là sự sụt giảm liên tục của "tỷ lệ băm" (hashrate) Bitcoin trên toàn mạng. Đây là thuật ngữ mô tả sức mạnh vi tính của mọi cơ sở đào trong mạng lưới Bitcoin.

Tính đến 0:00 ngày 21/6, dữ liệu OKLink cho thấy tỉ lệ băm của Bitcoin là 124 EH/s (nghìn tỷ băm mỗi giây), giảm hơn 30% so với mức đỉnh lịch sử là 181 EH/s vào ngày 13/5 năm nay.

Theo Reuters, các mỏ đào Bitcoin ở Trung Quốc chiếm khoảng 70% quy mô toàn cầu. Phần lớn các xưởng đào tập trung ở Nội Mông vì địa bàn thuận tiện, gần các mỏ khai thác than, thuỷ điện, dễ dàng cung cấp năng lượng giá rẻ để các xưởng đào tiền số hoạt động.

Tuy nhiên, khi Trung Quốc siết chặt hoạt động khai thác Bitcoin, cuộc di tản các mỏ đào Bitcoin khổng lồ khỏi quốc gia đông dân nhất hành tinh đã bắt đầu. Vào tháng 4 năm nay, dữ liệu nghiên cứu cho thấy các thợ đào Trung Quốc chiếm hơn 75% tỉ lệ băm của Bitcoin. Từ ngày 20/6, tỷ lệ này đang giảm xuống vô thời hạn.

Ngày nay, "di cư ra nước ngoài" là một lựa chọn bắt buộc cho những người thợ đào Bitcoin Trung Quốc. Vậy, quê hương mới và điểm xuất phát mới của họ sẽ ở đâu?

Texas có thể trở thành mục tiêu lớn nhất

Hơn 70% cơ sở khai thác tiền mã hóa đang đặt tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.
Hơn 70% cơ sở khai thác tiền mã hóa đang đặt tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Washington Post đưa tin về cuộc khủng hoảng khai thác Bitcoin ở Trung Quốc và tiết lộ "gã khổng lồ Bitcoin của Trung Quốc" - Jiang Zhuoer định gửi máy khai thác đến Texas và Tennessee. Hiện tại, một chủ khai thác có cùng ý tưởng với Jiang Zhuoer đang chuẩn bị một container vận chuyển, lên kế hoạch lắp đặt máy khai thác trên một mỏ dầu ở phía tây Texas.

Texas dường như là một địa điểm mới cho các thợ đào Trung Quốc. Các công ty như Bitmain, Blockcap, Argo Blockchain và Great American Mining trước đây cũng đã xây dựng các cơ sở khai thác tại bang này. Giới đào Bitcoin tập trung ở Texas một phần vì giá điện rẻ và chính sách khuyến khích công nghệ.

Giá điện rẻ ở Texas dựa trên cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo dồi dào. 20% sản lượng điện địa phương đến từ năng lượng gió và việc phân phối điện theo hướng thị trường và người dùng có thể tự do lựa chọn nhà cung cấp điện. Ngoài ra, có những chính trị gia địa phương ủng hộ tiền mã hóa. Thống đốc Greg Abbott từng tuyên bố bang Texas cần "dẫn đầu ngành tiền ảo như thời đào vàng".

Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất được đặt ra là độ tin cậy của lưới điện Texas. Đầu năm nay, một cơn bão đã gây mất điện tại nhiều vùng của bang này. Một loạt nguyên nhân được cho là dẫn tới sự cố mất điện trên, trong đó có sự cũ kỹ của cơ sở hạ tầng. Hay gần đây nhất, ERCOT, tổ chức vận hành lưới điện của Texas, đã yêu cầu người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh một đợt nắng nóng sắp tới.

Ngoài Texas, Kentucky cũng đang thu hút các thợ đào Bitcoin thông qua chính sách hấp dẫn. Vào tháng 3 năm nay, khu vực giàu than đá này đã thông qua luật cung cấp ưu đãi thuế cho các công ty khai thác Bitcoin đầu tư 1 triệu USD vào các máy móc mới trong bang.

Các khu vực có nguồn năng lượng dồi dào và chính sách cởi mở ở Mỹ thực sự là một lựa chọn tốt cho các thợ mỏ Trung Quốc muốn chuyển địa điểm. Nhưng Mỹ cũng quan tâm đến tác động môi trường từ việc tiêu thụ năng lượng khủng của hoạt động khai thác Bitcoin, đặc biệt là không thiếu những nhà bảo vệ môi trường.

Năm nay, các nhà hoạt động ở khu vực Finger Lakes của New York đã có tranh chấp với một công ty cổ phần tư nhân ở Connecticut, vì công ty này đã chuyển đổi một nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí đốt tự nhiên cũ thành một mỏ khai thác Bitcoin. Do đó, cơ quan lập pháp bang New York đang xem xét một dự luật đề xuất tạm hoãn mọi hoạt động khai thác trong 3 năm để xem xét lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do việc đào Bitcoin tạo ra.

Alex de Vries, một nhà kinh tế tài chính từ lâu đã chỉ trích việc tiêu thụ năng lượng của Bitcoin, dự đoán rằng sự di cư của những người khai thác Bitcoin ở Trung Quốc sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực. "Quy mô nhu cầu năng lượng của Bitcoin có thể tương đương với một quốc gia phương Tây. Việc tìm một ngôi nhà mới cho tất cả những người thợ mỏ này là một vấn đề lớn."

Các công ty khai thác của Trung Quốc đã thành lập các trạm ở Kazakhstan

Các cơ sở đào Bitcoin Trung Quốc đang hướng đến các nước láng giềng.
Các cơ sở đào Bitcoin Trung Quốc đang hướng đến các nước láng giềng.

Ngoài một số khu vực ở Mỹ, Kazakhstan, quốc gia gần với Trung Quốc, cũng trở thành một trong những lựa chọn của các thợ mỏ. Từ ngày 24/5, một công ty khai thác Bitcoin có trụ sở chính tại Thâm Quyến đã tung ra tin tức và chọn di cư đến "các nước láng giềng".

Một tháng trước, BIT Mining và kế hoạch xây dựng hoạt động khai thác Bitcoin ở Kazakhstan đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. BIT Mining có kế hoạch đầu tư hơn 9 triệu USD để xây dựng một trung tâm dữ liệu 100 MW. Dự án được thực hiện với sự hợp tác của hai công ty địa phương Kazakhstan, trong đó BIT Mining nắm giữ 80%. Theo báo cáo, hợp tác liên quan của dự án sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7/2021.

Điều đáng chú ý là tin tức đưa ra chỉ ba ngày sau khi Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính Trung Quốc khẳng định sẽ "đàn áp hành vi khai thác và kinh doanh Bitcoin". Kể từ ngày này trở đi, Nội Mông, Tân Cương và Tứ Xuyên đã liên tiếp thực hiện các chính sách và bắt đầu thanh lọc các công ty khai thác Bitcoin.

Có vẻ như BIT Mining cực kỳ nhạy cảm với các chính sách và họ không còn ảo tưởng về việc tiếp tục tham gia vào hoạt động khai thác ở Trung Quốc vào thời điểm đó. Vào tháng 5, công ty cũng đã công bố khoản đầu tư 25 triệu USD để xây dựng một trung tâm dữ liệu mới ở Texas, Mỹ.

Kazakhstan, quốc gia được ưa chuộng bởi BIT Mining, đã dần trở thành một thế lực mới trong sự trỗi dậy của tỉ lệ băm Bitcoin trong hai năm qua. Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi khai thác Bitcoin của Đại học Cambridge, tỉ lệ băm của Kazakhstan đã có lúc vượt quá 6%, đứng thứ tư trên thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc (65%), Mỹ (7,2 %) và Nga (6,9%).

Các mỏ than của đất nước này cung cấp nguồn cung cấp năng lượng dồi dào và rẻ. Ngoài ra, nơi đây có chính sách khá dễ chịu trong lĩnh vực xây dựng, cho phép các công trình khai thác được hoàn thành trong một khoảng thời gian ngắn.

Tháng 6 năm ngoái, Kazakhstan đã thông qua một sửa đổi pháp lý làm rõ quy định và thuế khai thác tiền mã hóa. Nước này sẽ áp thuế cố định 15% đối với hoạt động khai thác nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang chịu tác động của đại dịch.

Bộ trưởng Bộ Phát triển Kỹ thuật số - Baghdad Musin, tuyên bố rằng họ đang đàm phán để thu hút khoản đầu tư trị giá 714 triệu USD vào lĩnh vực tiền mã hóa. Ông tiết lộ rằng đã có 13 mỏ đang hoạt động trong nước và 4 mỏ khác đang được xây dựng. "Ngành công nghiệp này đã được đầu tư hơn 190 triệu USD".

Ảnh: Sina

Ảnh: Sina

Từ quan điểm của vị trí di cư, Kazakhstan, giáp với miền tây Trung Quốc, dường như là một lựa chọn thuận tiện hơn. Từ góc độ cung cấp năng lượng sạch bền vững trong dài hạn, chính sách hỗ trợ và điều kiện năng lượng của Texas ở Hoa Kỳ hấp dẫn hơn.

Trong khi đó, nước láng giềng khác của Trung Quốc là Nga cũng có thể được coi là quốc gia có tỉ lệ băm lớn. Trang trại khai thác nổi tiếng BitRiver của nước này nằm ở vùng Irkutsk, chỉ cách vài bước chân từ trạm thủy điện Bratsk với công suất 4515 MW. Đây là một trong những nơi sản xuất điện với chi phí rẻ nhất thế giới.

Tuy nhiên, ông Jiang Zhuoer đã bày tỏ mối quan ngại của mình về môi trường kinh doanh ở Nga trong một cuộc phỏng vấn với Washington Post. Ông nói rằng máy khai thác của một số đồng hương Trung Quốc đã bị cảnh sát tịch thu không lý do.

Đối với các thợ mỏ Trung Quốc muốn tiếp tục trong ngành khai thác Bitcoin, việc di cư ra nước ngoài đã trở thành điều tất yếu. Tuy nhiên, một vấn đề thực tế hơn là trước khi dịch bệnh toàn cầu dưới tầm kiểm soát, dù là máy khai thác hay người ra nước ngoài đều phải đối mặt với những thủ tục rườm rà. Ở giai đoạn hiện tại, đó là một khoản lỗ đối với các thợ đào; đối với Bitcoin, đó là thời kỳ suy giảm sức mạnh tính toán; đối với thị trường, đó là một đợt giảm giá thấp nữa.

Sau ngày 20/6/2021, mùa mưa ở Tứ Xuyên sẽ vẫn còn, nhưng kể từ đó, sẽ không còn Bitcoin được sản xuất ở Trung Quốc.

Theo Tencent Technology