Cấy ghép "ký ức giả"
Mới đây, một giáo sư của Trường Đại học Nam California (USC) đã phát triển một thiết bị có tên gọi là "ký ức giả" để cải thiện trí nhớ con người. Thiết bị này có ứng dụng vô cùng to lớn trong việc điều trị Alzheimer - một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất ở Mỹ.
Nghiên cứu này đã được PGS Dong Song, nhà nghiên cứu về kỹ thuật y sinh của USC, trình bày tại cuộc họp của Hội Khoa học Thần kinh vừa diễn ra ở Washington DC, Mỹ. Đây được cho thiết bị đầu tiên trên thế giới có thể cải thiện trí nhớ của con người một cách hiệu quả.
Để thử nghiệm thiết bị của mình, nhóm nghiên cứu của ông Song đã mời 20 tình nguyện viên tham gia thí nghiệm. Não của họ được gắn các điện cực dùng để điều trị chứng động kinh. Sau khi thiết bị được gắn trên người tình nguyện viên, chúng có thể thu thập dữ liệu về hoạt động của bộ não trong suốt bài kiểm tra. Dụng cụ được thiết kế để kích thích cả bộ nhớ ngắn hạn lẫn bộ nhớ làm việc của con người.
Sau đó, các nhà nghiên cứu xác định những mô hình mà liên kết với hiệu suất làm việc tối ưu của bộ não. Dựa vào kết quả đó, họ sử dụng những điện cực của thiết bị để kích thích bộ não theo các mô hình được tìm thấy ở trên - trong suốt những bài kiểm tra sau này. Thí nghiệm cho thấy, những kích thích như vậy cải thiện bộ nhớ ngắn hạn khoảng 15%, tỉ lệ này ở bộ nhớ làm việc là khoảng 25%. Nhưng khi các nhà nghiên cứu kích thích não một cách ngẫu nhiên, không theo các mô hình nghiên cứu trước, hiệu suất của bộ nhớ lại giảm đi.
Nhà nghiên cứu Song tự hào nói với tờ New Scientist: “Chúng tôi đang viết các mã thần kinh để tăng cường chức năng của bộ nhớ. Chưa có ai từng làm công việc này trước đây”.
Giải quyết vấn đề
Sở hữu một bộ nhớ hiệu quả có thể cực kì hữu ích cho những học sinh phải học hành vất vả để làm bài kiểm tra, hay những người gặp rắc rối khi nhớ tên người khác. Nó cũng có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống của những người bị chứng sa sút trí tuệ hay bệnh Alzheimer.
Nhận rõ tầm quan trọng của khả năng ghi nhớ, tỉ phú Bill Gates mới đây cũng đã có kế hoạch đầu tư 100 triệu đô la Mỹ để nghiên cứu về hai chứng bệnh liên quan đến sự suy giảm trí nhớ này. Các căn bệnh thuộc về khả năng ghi nhớ của não bộ là một vấn đề cực kì phức tạp và đang có chiều hướng ngày càng tệ đi.
Theo Hiệp hội Bệnh Alzheimer, tuổi tác là nhân tố nguy hiểm nhất khiến người ta mắc bệnh Alzheimer, phần lớn những người mắc phải triệu chứng này đều ở độ tuổi trên 65.
Với những tiến bộ liên tục trong y học và chăm sóc sức khoẻ, con người ngày càng sống thọ hơn, điều đó đồng nghĩa với số lượng người già cũng tăng lên đáng kể. Đến năm 2030, 20% dân số Mỹ được sẽ bước vào độ tuổi 65. Do đó, những người mắc chứng sa sút trí tuệ sẽ nhiều hơn, và xã hội sẽ phải tổn thất một phần lớn chi phí và cả tình cảm để chăm nom họ.
Năm 2016, tổng chi phí chăm sóc sức khoẻ và chăm sóc dài hạn cho những người mắc chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer ước tính khoảng 236 tỷ đô la. Cũng theo Hiệp hội Bệnh Alzheimer, sự suy giảm nhận thức của những bệnh nhân này càng nghiêm trọng thì tỉ lệ trầm cảm của những người chăm sóc họ trong gia đình càng cao.
Chúng ta có quyền hy vọng thiết bị mới của ông Song sẽ giải quyết được phần lớn những vấn đề này. Tất nhiên, cần phải tiến hành nhiều kiểm tra trước khi áp dụng phương pháp mới vào điều trị. Tuy nhiên, việc giúp bệnh nhân lấy lại được một phần chức năng bộ nhớ bị mất không chỉ có ảnh hưởng tích cực lên người bệnh, mà còn cả gia đình họ và nền kinh tế nói chung.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu