Thiên tài quân sự Stalin đã lừa cả tình báo Đức lẫn Liên Xô như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Stalin đã đánh lừa tình báo Đức, tỏ ra không tin tin tức tình báo Liên Xô, và vì thế ông mới là thiên tài quân sự, tiếc rằng cũng vì quá tự tin nên có những sai lầm trước khi Đức tấn công Liên Xô.
Ký kết văn bản về sự đầu hàng không điều kiện của phát xít Đức tại ngoại ô Berlin, ngày 8/5/1945. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Ký kết văn bản về sự đầu hàng không điều kiện của phát xít Đức tại ngoại ô Berlin, ngày 8/5/1945. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Logic sắt đá của Stalin

Nguyên nhân thất bại cơ bản của Hồng quân vào đầu Chiến tranh vệ quốc vĩ đại được cho là do tính toán sai lầm nghiêm trọng của ban lãnh đạo Liên Xô đối với thời hạn tấn công của Đức vào Liên xô. Tình báo đã cảnh báo Stalin về cuộc xâm lược sắp tới, nhưng ông vẫn bướng bỉnh cho rằng những tin tức đó không đáng tin cậy.

Quả thật, tình báo Xô Viết đã thường xuyên thông tin cho ban lãnh đạo cấp cao của đất nước về các kế hoạch của nước Đức Hitler. Đặc biệt hiệu quả trong đó là Richard Zorge. Trong suốt nhiều năm, Richard Sorge, hay Ramsay như người ta thường gọi ông trong các tài liệu nghiệp vụ, đã làm việc ở đại sứ quán Đức tại Tokyo, có tình bạn với đại sứ Đức ở Nhật Bản Eugen Ott.

Ông được tiếp xúc với thông tin mật và đã gửi chúng về Moscow. Bắt đầu từ mùa xuân 1941 Zorge đã thường xuyên thông tin cho Moscow về cuộc tấn công sắp tới của Đức vào Liên xô, thậm chí còn nêu thời hạn cụ thể. Tuy nhiên, thông tin của ông không được ban lãnh đạo Liên Xô tin cậy.

Nhưng, điều đó không có nghĩa là Stalin, về nguyên tắc, không tin vào những gì tình báo đã gửi cho ông. Ngược lại, Stalin hết sức nghiêm túc đối với một số thông báo của các ngành đặc biệt Liên Xô. Và vừa hay, việc phân tích thông tin này cho phép Stalin có kết luận hoàn toàn cụ thể: trong thời gian gần nhất Hitler chưa chắc đã cả gan phiêu lưu quân sự chống đất nước Xô Viết.

Lễ diễu binh chiến thắng đầu tiên trên Quảng trường Đỏ, ngày 24/6/1945. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Lễ diễu binh chiến thắng đầu tiên trên Quảng trường Đỏ, ngày 24/6/1945. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

"Bức vách có tai"

Tháng 4/1941 tại trung tâm Moscow, tại một toà nhà trong ngõ Khlebnyi đột nhiên lại tiến hành sửa đường ống nước. Dân ở đây không hề ngạc nhiên bởi toà nhà đã cũ và cần được tu bổ. Tuy nhiên việc thay đường ống không phải là lý do chính của việc sửa chữa này. Nguyên do là ở bên cạnh, số 28 ngõ Khlebnyi có căn biệt thự của tuỳ viên quân sự đại sứ quán Đức, tướng Ernst August Kostring.

Tổng cục phản gián Nội vụ dân uỷ Liên Xô đã chú ý đến biệt thự này từ lâu, tuy nhiên lọt được vào đó, nơi có lính gác bảo vệ suốt ngày đêm, không hề đơn giản. Và lúc ấy những người thợ lành nghề của phản gián, lấy cớ sửa đường ống nước, đã xuất hiện ở tầng hầm chung cư bên cạnh.

Từ đó họ đào đường hầm ngầm sang tầng hầm của biệt thự nhà Kostring. Họ đã lọt được vào phòng làm việc của ông ta, mở két sắt chụp lại các tài liệu quan trọng và nhân thể gắn máy nghe trộm khắp nơi.

Joseph Stalin

Joseph Stalin

Bằng cách đó, nội dung tất cả các cuộc trò chuyện của tướng Kostring với cấp dưới của mình, cũng như với các nhà ngoại giao của các nước khác, được các ngành đặc biệt của Liên Xô nắm rõ từng lời. Các bản tốc ký về các cuộc trò chuyện này hàng ngày được đặt lên bàn của dân uỷ an ninh quốc gia Liên Xô Vsevolod Merkulov, và ông có trách nhiệm thông tin cho Stalin và ban lãnh đạo cấp cao Liên Xô về điều đó.

Việc phân tích các thông tin này cho phép đi đến kết luận: người Đức chưa sẵn sàng cho cuộc chiến tranh nghiêm túc với Liên Xô. Họ không có khái niệm nào về tiềm năng quân sự và kinh tế thực sự của Liên Xô. Họ không hiểu được tâm lý người Nga của Liên Xô. Nhìn chung, họ không hiểu đối thủ mà họ sẽ phải chiến đấu với nó.

Việc đầu tiên – máy bay

Mùa xuân năm 1941 các nhà ngoại giao Đức đi thăm hàng loạt nhà máy chế tạo máy bay của Moscow. Họ được tiếp đón chu đáo, được đưa tới các công xưởng và cho xem máy bay. Sau chuyến thăm, những người Đức mãn nguyện quay về biệt thự của Kostring để chia sẻ cảm tưởng về những gì họ đã thấy ở các nhà máy đó.

Hans Krebs (trái) và Ernst August Kostring năm 1941- Ảnh: Wikipedia

Hans Krebs (trái) và Ernst August Kostring năm 1941- Ảnh: Wikipedia

Thoạt đầu họ nói về sự hiếu khách truyền thống của người Nga, về việc người Đức được tiếp đón nồng hậu, sau đó câu chuyện quay về thực chất vấn đề. Tuỳ viên quân sự hải quân Baumbakh đặt câu hỏi cho trợ lý đề tuỳ viên quân sự không quân Đức Vunderlikh và người này trả lời.

“Baumbakh: Ông có hài lòng với cuộc tham quan này không?

Vunderlikh: Rất hài lòng. Người Nga rất chu đáo, thân thiện. Chúng tôi bây giờ đã có khái niệm chính xác về hàng không của Nga, về các kỹ sư và các kỹ thuật viên của họ. Ở Đức hiện nay đã có bức tranh thực tế về hàng không Nga.

Baumbakh: Họ làm việc hiệu quả chứ?

Vunderlikh: Vâng. Các công xưởng của họ sạch sẽ và gây ấn tượng rất tốt. Công nhân làm việc nghiêm túc, tập trung.

Baumbakh: Thử nói xem, nếu họ có 10 năm để làm việc như hiện nay, họ có thể đuổi kịp chúng ta không?

Vunderlikh: Tôi nghĩ rằng họ cần hơn 10 năm.

Baumbakh: Có thể xem động cơ của Nga có chất lượng tốt chứ?

Vunderlikh: Động cơ của Nga rất nặng.

Baumbakh: Nhìn chung, chất lượng của họ không tốt như của chúng ta chứ? Mười năm nữa có đủ để họ đạt được chất lượng như chúng ta không?

Vunderlikh: Mười năm – không. Họ sẽ phải cần hơn 10 năm để còn xây dựng nhà máy”.

Thật thú vị! Làm sao có thể hình dung chính xác về ngành hàng không của một đất nước rộng lớn như nước Nga, khi chỉ mới đi thăm có đôi ba nhà máy? Rõ ràng chỉ có người Đức thiên tài mới có thể làm được điều này – không phải ngẫu nhiên mà họ tự cho mình là chủng tộc thượng đẳng.

Thậm chí họ chẳng còn nghĩ được rằng: người Nga đâu có ngốc đến nỗi cho bất kỳ ai xem những sáng chế mới nhất của mình. Người Đức hoàn toàn nghiêm túc cho rằng, những gì họ nhìn thấy ở các nhà máy chế tạo máy bay – đấy là trình độ thực tế của ngành hàng không Xô Viết.

Đồng thời chính người Đức hết sức sốt sắng đối với việc giữ bí mật quân sự của mình. Chẳng hạn, trong năm 1940 đoàn đại biểu chính thức của Liên Xô, thành phần gồm có các phi công, công trình sư hàng không và đại diện bộ tư lệnh không quân, thăm nước Đức để làm quen với kỹ thuật tiên tiến của họ. Người Đức đón khách chu đáo, dẫn khách đi thăm các công xưởng chế tạo máy bay và cho xem các máy bay của họ.

Máy bay Bf 109. Đây chính là chiếc tiêm kích hiệu quả và thành công nhất của Đức trong thế chiến thứ 2, trở thành biểu tượng của lực lượng không quân Đức Quốc Xã.
Máy bay Bf 109. Đây chính là chiếc tiêm kích hiệu quả và thành công nhất của Đức trong thế chiến thứ 2, trở thành biểu tượng của lực lượng không quân Đức Quốc Xã.

Khách mời từ Liên Xô được gặp gỡ với Willy Messershmitt, Ernst Heinkel, Kurt Tank và những bậc cự phách khác của ngành chế tạo máy bay Đức. Tuy nhiên, dù người Đức có cố tỏ ra nhiệt tình và cởi mở, nhiều thành viên của đoàn Liên Xô vẫn nhận ra: dưới hình thức những sáng chế mới nhất, họ cho xem toàn các máy bay đã cũ hoặc, ngược lại, là những máy bay nguyên liệu, chưa được hoàn thành. Sau này được biết, người Đức thực sự ranh mãnh, cố giấu tiềm năng thực sự của ngành công nghiệp hàng không quân sự của mình trước các chuyên gia Liên Xô.

Và điều đó hoàn toàn tự nhiên: đất nước chuẩn mực nào cũng cố gắng giữ bí mật các công nghệ tiên tiến của mình. Còn bí mật của người Nga, tất nhiên là có rồi. Và rất nhanh chóng ngay mùa hè năm 1941 người Đức đã rất ngạc nhiên một cách khó chịu, khi đụng độ trên chiến trường với các máy bay kết cấu mới nhất mà họ thậm chí nằm mơ cũng không thấy.

Chẳng hạn, với các máy bay cường kích hoặc tiêm kích tốc độ lớn IaK-3. Tất cả các máy bay tuyệt vời này mùa xuân năm 1941 đã được đưa vào sản xuất hàng loạt. Đó là điều hoàn toàn bất ngờ đối với người Đức.

Yak-3 là một trong những mẫu tiêm kích đỉnh nhất trong thế chiến thứ 2 (Ảnh Tư liệu)
Yak-3 là một trong những mẫu tiêm kích đỉnh nhất trong thế chiến thứ 2 (Ảnh Tư liệu)

Với kỹ thuật tăng thiết giáp cũng vậy. Người Đức thậm chí không thể tưởng tượng rằng người Nga có các xe tăng siêu hiện đại ở thời điểm đó như tăng hạng nặng KV hay hạng trung T-34 được thừa nhận là tăng tốt nhất của Thế chiến thứ hai về tổng thể các đặc tính.

Nhiều sĩ quan và binh lính Đức sau này thừa nhận rằng họ đã bị sốc thực sự khi nhìn thấy trên chiến trường kỹ thuật hiện đại của Liên Xô. Họ cho rằng sẽ nhìn thấy cái gì hoàn toàn khác, giống như trên phim ảnh tăng hạng nhẹ BT xếp thành hàng vuông vắn chạy qua Hồng trường trong lúc duyệt binh.

Xe tăng T-34 huyền thoại

Xe tăng T-34 huyền thoại

Người Nga xây dựng nhà máy nhanh như thế nào, Vunderlikh và các đồng nghiệp của anh ta có thể bị thuyết phục sau một năm nữa. Khi mà ngành công nghiệp Liên Xô, trong những điều kiện sơ tán phức tạp đã bắt đầu sản xuất hàng loạt sản phẩm quân sự xuất sắc, trong đó có các máy bay có khả năng cạnh tranh với máy bay nước ngoài khác nhau.

Còn vào thời điểm mùa xuân năm 1941 người Đức đang phấn khích: người Nga có 10 năm cũng không đủ để đạt được trình độ của họ. Các nhà ngoại giao Đức đã làm việc lâu năm ở Nga và có thể chính mắt mình quan sát xem: ở đây mới chỉ qua 2 kế hoạch 5 năm đã xây dựng được hàng nghìn nhà máy và công xưởng mới. Rõ ràng người Đức không nhận thấy kết quả của quá trình công nghiệp hoá Liên Xô của những năm 1930.

“Chúng ta sẽ huỷ hoại nước Nga”

Ngày 25/4/1941, sau khi người Đức chiếm đóng Nam Tư, ở biệt thự của tướng Kostring ở ngõ Khlebnyi, Moscow, đã diễn ra cuộc trò chuyện đáng chú ý giữa phó tuỳ viên quân sự Đức Krebs và trợ lý tuỳ viên quân sự Shubut. Dưới đây là trích đoạn cuộc trò chuyện này.

“Krebs: Trong cuộc làm quen sắp tới với Hồng quân, có thể ai đó sẽ ngạc nhiên đấy! Chúng ta đã có ý định nghiền nát công việc ở hai sư đoàn, nhưng ở đó không có gì. Việc không thành…

Shubut: Ở đây cần hoạt động hết sức cẩn thận. Nhưng họ cũng có điểm yếu: mạng lưới đường sắt không lớn và giao thông vận tải hoạt động kém. Chính vì thế họ có thể tự bảo vệ yếu hơn.

Krebs: Anh nói đúng.

Shubut: Trong thời gian chuyến đi bằng tàu hoả, tôi gặp 60 quân nhân mặc quần áo dân sự. Chúng ta cần quan sát nghiêm ngặt việc di chuyển của các lực lượng phòng thủ.

Dù bất luận trường hợp nào cũng phải để mắt đến việc đó. Đấy, với Hy Lạp hiện chúng ta đã làm được. Sắp tới cuộc sống mới sẽ bắt đầu- đó là Liên Xô. Chúng ta đã lên kế hoạch triệu tập toàn bộ đội quân tự do rồi chứ?

Krebs:Vâng

Shubut: Nhưng bọn họ còn chưa nhận ra rằng chúng ta đang chuẩn bị cho chiến tranh. Còn anh có biết những đơn vị nào sẽ tham gia duyệt binh không?

Krebs: Các đơn vị Nội vụ dân uỷ, các sư đoàn, đơn vị không quân và các đơn vị khác.

Shubut: Còn vũ khí?

Krebs: Cũng thế.

Toàn cảnh cuộc diễu binh trên Quảng trường Đỏ ngày 7-11-1941. Ảnh: PRAVOSLAVIE.RU
Toàn cảnh cuộc diễu binh trên Quảng trường Đỏ ngày 7-11-1941. Ảnh: PRAVOSLAVIE.RU

Shubut: Để tính toán chúng ta có thể sử dụng cuộc duyệt binh một cách thành công. Họ sẽ không trình làng 2 sư đoàn giống nhau, bởi như thế sẽ không gây ấn tượng. Được, chúng ta sẽ đến dự lễ duyệt binh và cố ghi chép tất cả.

Ngoài những lời nhận xét của Krebs về việc công tác phản gián trong Hồng quân được thực hiện rất tốt và ở đó “không thể khoan được gì”, những gì còn lại là kết quả của trí tưởng tượng của các nhà ngoại giao Đức.

Thứ nhất, bàn về giao thông vận tải của Liên Xô. Dựa vào đâu mà Krebs và Shubut cho rằng ở Liên Xô đường sắt hoạt động kém? Vào những năm thời Stalin các chuyến tàu ở Liên Xô chạy nghiêm ngặt theo đúng thời gian biểu, còn lưới đường ở phần châu Âu của đất nước tương đối phát triển, trong đó phần lớn đường được xây dựng từ trước cách mạng. Chẳng lẽ người Đức không biết điều này hay sao?

Thứ hai, thật ngạc nhiên vì cuộc thảo luận của các nhà ngoại giao Đức về quân số của Hồng quân và trang bị của các sư đoàn Liên Xô. Hoá ra, Krebs và các đồng nghiệp của ông ta xét đoán về tiềm năng quân sự của Hồng quân chỉ độc qua các cuộc duyệt binh ở Moscow mà họ thường xuyên được mời dự.

Và ở đó họ thu thập thông tin về đối thủ tiềm năng của mình! Thiết nghĩ, chẳng cần giải thích: người ta không bắt đầu thu thập thông tin tình báo của các cuộc chiến nghiêm túc với quan điểm như thế.

Vào giữa tháng 5 người Đức công khai thảo luận về các kế hoạch quân sự của mình. Trong một bản tốc ký cuộc trò chuyện giữa Kostring, Baumbakh và Shubut chúng ta sẽ thấy:

“Shubut: Chúng ta cần nhanh chóng đến chỗ Narva. Nhưng việc này cần Berlin quyết định. Đối với chúng ta điều quan trọng là người Nga không thường xuyên thay đổi vị trí đóng quân của mình. Họ ở tại một chỗ đến 2-3 năm. Vì thế có thể nói, chúng ta sẽ huỷ hoại nước Nga.

Kostring: Tấn công – đó là việc làm đúng duy nhất. Tất nhiên, người Nga chống lại chiến tranh. Tôi nghĩ rằng, dù sao họ đang lo sợ.

Baumbakh: Tôi có cảm giác rằng người Nga hiện vẫn bình tĩnh.

Kostring: Vấn đề chúng ta đang nói cần giữ bí mật tuyệt đối. Tài sản thiên nhiên! Đó sẽ là những thành quả tự nhiên của chúng ta, được chúng ta tuyên bố công khai trong phạm vi quốc tế.

Baumbakh: Dù sao tôi muốn nói rằng họ mạnh về chính trị.

Kostring: Điều đó chẳng nghĩa lý gì. Chúng ta đang thoả thuận với người Anh và Mỹ, cũng như sử dụng người Pháp, người Nauy. Tôi tin rằng trong việc này chúng ta sẽ là người chiến thắng – sẽ dạo khắp Liên bang này. Chúng ta sẽ tiến hành chiến tranh cho đến khi, ít nhất, chiếm được Ucraina”.

Biểu tượng- hình ảnh chiến sỹ Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Biểu tượng- hình ảnh chiến sỹ Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Logic sắt đá của Stalin

Bây giờ thử hình dung Stalin sẽ nghĩ gì khi trên bàn làm việc của ông có các bản tốc ký các cuộc trò chuyện của các nhà ngoại giao quân sự Đức.

Chắc rằng Stalin sẽ không ngừng ngạc nhiên: chẳng lẽ những nhà ngoại giao quân sự có kinh nghiệm, không phải mới sống ngày đầu ở Moscow, lại thảo luận điều này?

Từ đâu mà họ có niềm tin mù quáng vào chiến thắng nhanh chóng của mình? Và chẳng lẽ, kinh nghiệm đáng buồn của Charles XII và Napoleon Bonapart không dạy cho người Đức hình mẫu của năm 1941 hay sao? “Chúng ta sẽ đi dạo khắp Liên bang Xô Viết này” – tóm lại họ muốn gây sự gì: chiến tranh với đối thủ thông minh và nghiêm túc hay là cuộc dạo chơi du lịch?

Còn về Anh với Mỹ. Làm sao người Đức dám nói rằng mình đã đạt được thoả thuận với họ? Cuối chiến tranh quả thực họ có ý đồ ký hiệp ước hoà bình riêng rẽ với Anh và Mỹ, nhưng trong năm 1941 chỉ có Stalin làm được việc đó chứ không phải người Đức.

Người Đức nói rằng họ sẽ tiếp tục chiến tranh cho đến khi chiếm được Ucraina sao? Họ đã làm được rồi. Nhưng rồi sao? Chiếm được Ucraina thì chiến tranh sẽ kết thúc? Hay người Đức cho rằng ngoài Ucraina, người Nga chẳng có gì để bảo vệ?

Thật kỳ lạ: chuẩn bị chiến tranh với người Nga, người Đức không động tay làm việc gì dù chỉ để biết chút gì đó về đất nước này. Từ các cuộc trò chuyện của Kostring và Baumbakh có thể thấy rằng các nhà ngoại giao Đức tương đối tự do có mặt khắp nước Nga Xô Viết.

Chính Kostring 3 năm trước đã du lịch bằng ô tô khắp phần châu Âu của Liên Xô. Trong thời gian đó ông ta đã thăm rất nhiều thành phố, gặp nhiều người khác nhau, có thể tận mắt nhìn thấy cuộc sống ở đất nước này.

Tất cả điều đó Stalin đều biết rõ. Là người thông minh, tư duy tỉnh táo, ông cũng coi người Đức là người thông minh, mẫn tiệp như mình. Nhưng người thông minh, khi chuẩn bị một việc nghiêm trọng như chiến tranh với Nga, trước hết phải thu thập và phân tích thông tin cẩn thận về đối thủ sắp tới của mình.

Người Đức ngay trước chiến tranh đã không làm điều gì tương tự. Nếu như thế trong thời gian gần nhất chiến tranh với Liên Xô không nằm trong kế hoạch của ban lãnh đạo nước Đức.

Logic sắt đá của Stalin là như vậy. Từ đó là thái độ hoài nghi của ông đối với các báo cáo của tình báo về cuộc tấn công quân sự của người Đức vào Liên xô. Tiếc rằng, sai lầm của Stalin là ở chỗ ông không đánh giá đúng khả năng trí tuệ của Hitler và lũ tay sai của ông ta.