Cựu Thứ trưởng Bộ CNTT&TT Philippines: “Việt Nam có 70.000 tháp viễn thông, chúng tôi chỉ có 20.000”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nói về sự sẵn sàng chuyển đổi số của Philippines, ông Eliseo M.Rio nói rằng cơ sở hạ tầng về viễn thông và công nghệ của nước này còn kém xa so với các nước láng giềng.
Thủ đô Manila của Philippines (ảnh: Asia Business Law Journal)
Thủ đô Manila của Philippines (ảnh: Asia Business Law Journal)

Trong báo cáo Global Connectivity Index 2020 (Chỉ số Kết nối Toàn cầu) của Huawei, Philippines được xếp hạng thứ 59 trên tổng số 79 quốc gia được đánh giá. Điều này cho thấy Philippines mới đi qua vạch xuất phát của "chuyến tàu" chuyển đổi số.

Điểm số trung bình của Philippines là 38/120. Điểm số này được đánh giá thông qua 4 chỉ số là: Mức độ cung cấp các dịch vụ Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT và TT); Nhu cầu kết nối; Kinh nghiệm kết nối; Tiềm năng phát triển trong tương lai của nền kinh tế số.

Thứ hạng 59 của Philippines trong năm 2020 đã không thay đổi so với năm 2019 dù điểm số đạt được cao hơn một chút.

Trong báo cáo đánh giá của Huawei, các quốc gia xếp hạng từ 58-79 được coi là mới bắt đầu tiến hành chuyển đổi số, các quốc gia từ 21-57 là đã đạt được một số thành tựu về chuyển đổi số, còn các quốc gia từ 1-20 là những nước chuyển đổi số hàng đầu.

Philippines (thứ 59) và Indonesia (thứ 58) là những quốc gia Đông Nam Á duy nhất nằm trong danh sách chuyển đổi số ở mức khởi đầu, với điểm số tương ứng là 38 và 39. Ethiopia là nước có điểm số kém nhất, chỉ 23 điểm.

Việt Nam đứng thứ 55 với điểm số là 41, xếp sau Malaysia (thứ 34), Thái Lan (46).

Singapore với 81 điểm xếp thứ 2 chỉ sau Hoa Kỳ (87 điểm).

Báo cáo của Huawei nói rằng “Chuyển đổi số trong các ngành kinh tế sẽ giúp tăng năng suất, tăng nhu cầu, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế và tăng khả năng cạnh tranh trong tương lai”.

Giải thích về điểm số thấp của Philippines, cựu Thứ trưởng Bộ CNTT và TT Eliseo M. Rio Jr nói rằng nước này “thiếu cơ sở hạ tầng viễn thông”.

“Chúng tôi thua xa các nước láng giềng về cơ sở hạ tầng viễn thông. Ví dụ, Việt Nam có 70.000 tháp viễn thông, trong khi chúng tôi chỉ có 20.000”.

Ông cho biết các dịch vụ kỹ thuật số của đất nước sẽ chỉ được cải thiện nếu có đủ cơ sở hạ tầng cho các khu vực kém tiếp cận và chưa được tiếp cận (với các dịch vụ viễn thông).

“Việc triển khai tích cực (tháp viễn thông) chắc chắn sẽ cải thiện thứ hạng tiếp theo của chúng tôi, đặc biệt là khi công ty viễn thông thứ ba bắt đầu hoạt động thương mại vào tháng 3 năm nay. Tập đoàn viễn thông Dito đã đóng góp thêm khoảng 3.000 tháp viễn thông. Nhưng ngay cả với tốc độ này, sẽ mất khoảng 7 năm nữa nếu chính phủ không coi cơ sở hạ tầng viễn thông quan trọng như các dự án xây dựng”, ông Eliseo nói.

ông Eliseo Rio (ảnh: ABS-CBN News)

ông Eliseo Rio (ảnh: ABS-CBN News)

Còn ông Terry L. Ridon, chuyên gia của Infrawatch PH, cho biết con đường hướng tới chuyển đổi số đầy đủ vẫn còn “xa và dài”.

Ông Ridon lưu ý rằng một số dịch vụ chính phủ điện tử “chưa được tích hợp đầy đủ cũng như không trực quan” đối với nhu cầu công cộng. Ông lấy ví dụ cơ sở dữ liệu về giấy phép lái xe không được tích hợp đầy đủ với thông tin xe và các cơ sở dữ liệu khác.

Philippines dự kiến tiếp tục là quốc gia ở vạch khởi đầu trong trung hạn, vì vẫn còn hạn chế trong đầu tư vào AI và IoT.

Ông Ridon nói để khuyến khích tăng trưởng và nâng cao mức đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực CNTT-TT, chính phủ nên loại bỏ các rào cản quan liêu.

Chính phủ nên “cho phép lĩnh vực này được đổi mới ở quy mô rộng”, ông Ridon nói và lưu ý rằng các tổ chức tài chính của chính phủ “thậm chí có thể dành nguồn vốn đầu tư để hỗ trợ các sáng kiến ​​công nghệ non trẻ trong nước, miễn là có bằng chứng rõ ràng về khả năng tăng trưởng”.