Thị trường chứng khoán khởi động phiên giao dịch chào xuân Canh Tý trong không khí hoảng loạn trước những diễn biến ngày càng trở nên phức tạp về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV).
Trong hai ngày 30 và 31/1, chỉ số VN-Index trượt dốc và mất 49,75 điểm, từ mức 986,37 điểm (ngày 22/1) xuống còn 936,62 điểm (ngày 31/1).
Vốn hóa thị trường “bốc hơi” 9 tỷ USD
Với mức sụt giảm của VN-Index, ông Phạm Tuyến, Giám đốc Chi nhánh Bà Triệu - Công ty chứng khoán KIS Việt Nam cho biết vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã “bốc hơi” tương ứng 9 tỷ USD, sau những động thái tháo chạy của nhà đầu tư trên hàng loạt các dòng cổ phiếu lớn, nhỏ.
Cụ thể, ngày 30/1 thị trường chứng khoán mở cửa với diễn biến ban đầu tưởng chừng sẽ hứa hẹn phiên giao dịch “mở hàng” khởi sắc, tuy nhiên mọi “hy vọng” trong suốt kỳ nghỉ Tết đã nhanh chóng bị nhấn chìm khi mối lo ngại của nhà đầu tư về dịch cúm corona với những diễn biến ngày càng phức tạp. Trong phiên, VN-Index có thời điểm giảm đến 36 điểm - 37 điểm và sau đó đóng cửa thị trường tuột mất 31,88 điểm (tương đương giảm 3,22%). Như vậy, mối lo ngại về cúm corona đã “lấy đi” gần 5 tỷ USD vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Sang đến ngày 31/1, tâm lý lo sợ tiếp tục bao trùm thị trường khi áp lực bán gia tăng trên hầu hết các dòng cổ phiếu, trong đó phải kể đến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, SAB, GAS, BID, BVH… đã giảm giá khá sâu. Thị trường kết thúc, bảng điện tử ngập trong sắc đỏ và VN-Index mất 22,96 điểm (tương đương giảm 2,39%). Trong phiên này, vốn hóa thị trường cũng "ngót" hơn 4 tỷ USD.
Chỉ số VN-Index phá đáy 940 điểm
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích của Công ty chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội, “thị trường giảm điểm rất mạnh trong phiên hai phiên giao dịch đầu tiên của năm với việc các nhà đầu tư bán tháo do lo ngại trước những diễn biến tiêu cực của dịch corona tại Trung Quốc, Việt Nam cũng như các nước khác.”
Ông Thắng phân tích thanh khoản trong hai phiên này cho thấy sự dứt khoát trong áp lực bán của nhà đầu tư. VN-Index đánh mất ngưỡng 940 điểm (đáy tháng 6/2019) đã khiến cho thị trường trở nên xấu hơn trên khía cạnh phân tích kỹ thuật. Trong một kịch bản xấu với những diễn biến về dịch corana tiếp tục tiêu cực hơn, VN-Index có thể sẽ giảm tiếp nhằm tìm kiếm lực cầu giá thấp với vùng hỗ trợ gần nhất quanh mức 920 điểm (cạnh trên vùng tích lũy đầu 2019).
Ông Thắng dự báo trong tuần giao dịch tới (từ ngày 3 - 7/2), VN-Index có thể sẽ biến động giằng co và tích lũy lại với biên độ từ 920 điểm - 950 điểm (phía trên vùng tích lũy đầu năm và phía dưới vùng tích lũy cuối năm 2019) nhằm ổn định cung cầu.
Về tâm lý thị trường, ông Tuyến nhấn mạnh: “Việc bùng phát của dịch cúm corona đã tạo ra hệ lụy lớn đến thị trường chứng khoán Việt Nam do lo ngại về những tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và trong đó có cả Việt Nam. Nhưng phản ứng một cách tiêu cực như hai phiên vừa qua trên thị trường chứng khoán Việt Nam là hơi thái quá.”
Đồng tình với quan điểm trên, ông Thắng khuyến nghị các nhà đầu tư không nên quá lo lắng với tình hình hiện tại. Trong lịch sử, thị trường chứng khoán cũng đã trải qua những giai đoạn có dịch bệnh xảy ra và được kiểm soát. Sau đó, thị trường chứng khoán thường hồi phục khá tốt và vượt qua được mức điểm số mà trước khi dịch bệnh diễn ra.
“Do vậy, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư nên hạn chế bán tháo cổ phiếu trong vùng giá thấp này. Những nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh 900 điểm - 920 điểm (vùng tích lũy đầu 2019) sẽ là cơ hội mua tốt cho nhà đầu tư,” ông Thắng nói.
Dịch cúm corona tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam?
Trả lời phỏng vấn báo chí về việc dịch corona tác động tới nền kinh tế, hầu hết các thành viên trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đều rất thận trọng và cho rằng mức độ ảnh hưởng không thể đánh giá ngay được.
Theo tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, trường hợp bệnh dịch được dập sớm trong một, hai tháng thì ảnh hưởng không đáng kể, song dịch bệnh diễn ra lâu hơn và qua quý 1 của năm thì sẽ ảnh hưởng toàn diện và mức độ là nghiêm trọng.
Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết mặc dù chưa có số liệu chính thức nhưng các ngành du lịch và xuất, nhập khẩu chắc chắn đã thấy bị ảnh hưởng. Để giảm thiểu rủi ro, bên cạnh cách hoạt động phòng, chống dịch bệnh thì Việt Nam cần có một tầm nhìn xa hơn với các biện pháp lâu dài như thay đổi cơ cấu kinh tế, thị trường và chất lượng sản phẩm đầu ra.
Ông Thiên cũng nhấn mạnh thời điểm này giới phân tích cũng như truyền thông không nên “làm quá” vì như vậy sẽ gây tâm lý bi quan.
Đại diện ngành thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết sau khi WHO công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, dịch cúm corona tác động ngay đến ngành du lịch Việt Nam, không chỉ với khách Trung Quốc mà người dân các nước khác cũng sẽ đi lại ít hơn. Bên cạnh đó, khách nội địa cũng giảm mạnh do hạn chế lui tới những chỗ đông người, như sân bay, nhà ga, khách sạn… và các lễ hội.
Song, ông Lâm cũng khẳng định với các lĩnh vực kinh tế lớn sẽ không bị ảnh hưởng, các dự án đầu tư trung hạn, dài hạn đều có sự tính toán dự phòng. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế trong quý 1 có thể bị ảnh hưởng song với cả năm là vấn đề khác do Việt Nam không phụ thuộc quá lớn vào du lịch và xuất khẩu nông sản./.
Theo Vietnam+