Trải qua một năm 2019 rực rỡ, Việt Nam hướng tới năm mới Canh Tý với những tiềm năng và kỳ vọng lớn lao từ cả trong và ngoài nước. Tăng trưởng GDP đạt kỷ lục, dự trữ ngoại hồi dồi dào, lạm phát duy trì ở mức thấp, thế nên không phải ngẫu nhiên mà World Bank nhận định “Mặt trời đang tỏa sáng trên Việt Nam”.
Thế nhưng cơ hội tuy lớn nhưng không phải không có những thách thức. Thế giới đầy biến động từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đến bất ổn chính trị tại Trung Đông, tất cả đều rất khó lường. Vậy với những người làm đầu tư hoặc muốn đầu tư thì đâu là kênh sinh lời tiềm năng nhất trong năm Canh Tý tới đây?
Trước hết để đưa ra dự đoán cho từng kênh đầu tư, chúng ta cần hiểu rõ nguồn gốc gây ra những biến động về giá của chúng. Từ đó mới có thể đưa ra nhận định về xu thế giá trong cả 1 năm.
Đầu tiên là Vàng, đây được coi là kênh trú ẩn số một khi xảy ra chiến tranh hoặc suy thoái, thế nên nó chịu tác động lớn từ tình hình chính trị, hòa bình trên thế giới cũng như rủi ro về tình hình kinh tế toàn cầu. Ngay đầu năm 2020, tình hình căng thẳng tại Trung Đông giữa Mỹ và Iran đã khiến thị trường toàn cầu nghiêng ngả và giá vàng tăng vọt, có thời điểm lên đến trên 1600 USD/Oz.
Vậy năm 2020 có phải một năm rực rỡ cho thị trường Vàng?
Chúng ta cần chú ý đến một sự kiện rất đáng lưu tâm trong năm nay đó là bầu cử Tổng thổng Mỹ, trong đó một trong những ứng viên tiềm năng nhất là đương kim Tổng thổng Mỹ Donald Trump. Với việc muốn trúng nhiệm kỳ 2, chính quyền Tổng thống Trump sẽ không mạo hiểm phát động một cuộc chiến tranh mới hay leo thang những căng thẳng tại các điểm nóng như Trung Đông, Triều Tiên và Vennuezela.
Điều này có thể đem lại cho chúng ta suy đoán về một năm Canh Tý bình lặng về chính trị, từ đó đem đến một triển vọng không mấy tích cực về giá Vàng, sau khi đã liên tục leo dốc trong năm 2019.
Tiếp theo là Chứng khoán. Thị trường Chứng khoán tăng giảm dựa phần nhiều vào tình hình kinh tế và sự cung tiền từ các Ngân hàng trung ương. Hầu hết các dự báo kinh tế cả trong và ngoài nước đều dự đoán một năm Canh Tý tốt đẹp với Việt Nam, tăng trưởng GDP trên 6%, dòng vốn FDI tiếp tục duy trì ở mức cao, tình hình vĩ mô ổn định và dự trữ ngoại hối dồi dào. Cộng thêm việc Ngân hàng nhà nước liên tục tiến hành các biện pháp nhằm hạ lãi suất, một dòng tiền mới hoàn toàn có thể được đổ thêm vào thị trường chứng khoán.
Còn từ tình hình quốc tế, khi mà chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang có xu hướng hạ nhiệt vì bầu cử Mỹ đến gần, rủi ro về một cuộc khủng hoảng thì không hiện hữu, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng một năm bình yên cho kinh tế toàn cầu, và một năm Canh Tý rạng rỡ cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tiếp đến là thị trường bất động sản (BĐS), BĐS chịu tác động lớn từ các dự án đầu tư công, cơ sở hạ tầng của Chính phủ, cũng như nguồn cung tín dụng từ các ngân hàng.
Trong năm 2019, việc giải ngân đầu tư công đã diễn ra rất chậm chạp, khiến cho trong những tháng cuối năm Chính phủ đã phải tăng cường đốc thúc, tháo gỡ khó khăn để đẩy tăng tiến độ, thế nhưng đến hết năm cũng chỉ đạt được 88% kế hoạch đề ra. Điều này khiến chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng một năm Canh Tý tương tự với tiến độ giải ngân tiếp tục duy trì ở mức thấp, từ đó tạo ra ít động lực tăng trưởng cho thị trường BĐS.
Thêm vào đó, những rủi ro pháp lý từ đầu tư condotel, hay sự hạ nhiệt của thị trường đất nền, cũng như chính sách siết chặt tín dụng cho BĐS từ các ngân hàng là những rào cản lớn, mà từ đó chúng ta có thể nghĩ đến một năm Canh Tý không mấy sáng sủa cho thị trường BĐS Việt Nam.
Cuối cùng là Bitcoin, trong năm tới đây có một sự kiện rất lớn với thị trường tiền mật mã nói chung và Bitcoin nói riêng, đó là sự kiện “Bitcoin halving” (sự chia tách của Bitcoin).
Đây là sự kiện mà sau đó phần thưởng cho việc khai thác các khối mới giảm một nửa, có nghĩa là những người đào Bitcoin sẽ nhận được ít hơn 50% so với trước đây để xác minh các giao dịch. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng Bitcoin được tạo thêm ra sẽ giảm đi 50%, trong khi lực cầu có thể tạm coi là không suy giảm, hệ quả có thể dẫn đến một sự tăng trưởng về giá cho Bitcoin.
Trong tổng cộng 3 lần “Bitcoin halving” trước đó, ngoại trừ lần đầu khi Bitcoin vừa mới được ra đời thì hai lần sau (28/11/2012 và 09/07/2016) đều chứng kiến một sự biến động kinh hoàng về giá, cụ thể là ở lần “halving” vào cuối năm 2012 Bitcoin đã tăng giá từ 30USD lên đến 1200 USD (đạt đỉnh vào tháng 12 năm 2013), lần “halving” vào năm 2016 Bitcoin đã tăng giá từ 400USD lên đến 20000USD (đạt đỉnh vào tháng 12 năm 2017).
Vậy nên lần “halving” tới đây (khoảng tháng 5 năm 2020) cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra một cơn chấn động về giá như hai lần trước đó và chúng ta có thể nghĩ đến một năm Canh Tý “tưng bừng” với thị trường tiền mật mã nói chung và Bitcoin nói riêng./.
(*) Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư AlphaGrep (Singapore)