Huawei đã vướng vào một vụ tranh chấp phức tạp về bản quyền sở hữu trí tuệ với start-up chuyên cung cấp giải pháp phần mềm và linh kiện lưu trữ có trụ sở tại California, CNEX kể từ năm 2017.
Tuần trước, start-up Mỹ lại tiếp tục đệ trình hàng loạt yêu cầu mới lên Tòa án Liên bang Texas, cáo buộc Giáo sư Bo Mao (Đại học Hạ Môn) cố tình tiết lộ bí mật công nghệ của CNEX, khi yêu cầu một bảng mạch nằm trong một dự án nghiên cứu mật.
Mặc dù, Giáo sư Mao trước đó đã ký kết thỏa thuận “nghiêm ngặt về việc không tiết lộ công nghệ”. Tuy nhiên khi nhận được bảng mạch, Giáo sư Mao đã trao nó cho ban lãnh đạo Đại học Hạ Môn. Sau đó, trường đại học đã âm thầm gửi bảng mạch tới Huawei mà không thông báo cho CNEX.
CNEX cho rằng: “Huawei đã đánh cắp bí mật thương mại của CNEX và chia sẻ với nhân viên làm việc trong bộ phận phát triển ổ đĩa cứng, qua đó vi phạm điều khoản hạn chế chia sẻ thông tin kỹ thuật của CNEX”.
Thực tế, phần lớn sản phẩm của Huawei đã bị cấm cửa tại Mỹ từ năm 2012 do lo ngại về khả năng bảo mật và gián điệp. Ngược lại, phía Huawei phản hồi rằng lo ngại của Washington là hoàn toàn thiếu căn cứ.
Cuối năm ngoái, Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Châu (47 tuổi), con gái nhà sáng lập Nhậm Chính Phi đã bị Canada bắt theo yêu cầu của Mỹ tại sân bay Vancouver. Hiện nay, bà Châu đang được tại ngoại ở nhà riêng trong thời gian chờ dẫn đồ về Mỹ vì gian lận qua đường dây hữu tuyến và vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran.
Cùng trong năm 2017, Huawei đã kiện ngược lại CNEX với cáo buộc nhà sáng lập CNEX, Ronnie Huang phát minh sản phẩm dựa trên nghiên cứu của ông trong thời gian làm việc tại một công ty con của Huawei ở Texas. Được biết, ông Huang đã rời đi vào năm 2013 để thành lập CNEX.
Huawei cho rằng vì phát minh của CNEX có liên quan đến công việc của ông Huang tại Huawei nên công ty Trung Quốc có quyền đối với các sáng chế theo hợp đồng mà ông Huang đã ký. Phía CNEX phản bác và cho rằng Huawei đang cố tình truy cập sâu hơn vào công nghệ của start-up Mỹ thông qua vụ kiện nói trên.
Nguồn tin của Reuters cho biết Tòa án Liên bang Texas đã bác bỏ lập luận của Huawei về quyền sở hữu bản quyền sáng chế của CNEX. Cụ thể, bồi thẩm đoàn cho rằng hành động của ông Huang không vi phạm luật pháp bang California, cho phép người lao động tự do nghỉ việc và thành lập công ty mới.
Ngoài vụ kiện nói trên, CNEX cũng đang phải đối mặt với cáo buộc khác từ Huawei cho rằng ông Huang đã cố tình lôi kéo các đồng nghiệp cũ nghỉ việc ở Huawei để gia nhập CNEX.
Theo Reuters