Hãng bay chi phí thấp, giá vé rẻ thứ 6 ở xứ Hàn đã sẵn sàng tung cánh. Đó là Air Seoul, một hãng vé rẻ (LCC) trực thuộc hãng hàng không tư nhân lớn nhất Hàn Quốc là Asiana Airlines. Ngay sau khi được Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông vận hải Hàn Quốc cấp phép, Air Seoul cho biết sẽ lần đầu bay thương mại vào ngày 11.7 tới đây. Tuyến bay khai trương sẽ từ sân bay Gimpo ở thủ đô Seoul đến đảo du lịch Jeju.
Hãng này cho biết sau ba tháng bay ở tuyến bay này với tần suất 4 chuyến/ngày, Air Seoul sẽ tiếp nối với những đường bay nước ngoài đến Trung Quốc, Nhật, Campuchia, Việt Nam và Malaysia. Bước đầu Air Seoul khai thác 3 chiếc A321-200 của Asiana Airlines giao cho.
Việc Asiana Airlines quyết định đầu tư lập hãng vé rẻ Air Seoul được giới chuyên ngành nhận định là dấu hiệu khả quan chứng tỏ thị trường hàng không Hàn Quốc đang tăng tốc phát triển rất mạnh. Nhờ vậy mà năm 2015 qua, cùng với thực tế giá nhiên liệu giảm khoảng 25% so với trước mà cả 5 hãng vé rẻ ở Hàn Quốc đều có lãi. Giá vé rẻ cũng khiến nhiều người Hàn Quốc bay nước ngoài hơn - khoảng 29 triệu hành khách trong 5 tháng đầu năm 2016, trong đó có 17,9% là bay với các hãng vé rẻ.
Năm hãng LCC đàn chị của Air Seoul gồm có Air Busan, Eastar Jet, Jeju Air, Jin Air và T’Way Air. Thành lập hồi tháng 6.2006, Jeju Air chính là “chị cả” của làng LCC Hàn Quốc. Hãng này hiện có mạng lưới đường bay tỏa đến trên 20 thành phố ở châu Á, trong đó có Hà Nội. Năm 2015, hãng đã vận chuyển 7,19 triệu lượt hành khách (năm 2006 mới chỉ 250.000 lượt hành khách). Hơn hai năm sau, vào tháng 7.2008, Korean Air, hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc (và giữ vai trò Hãng hàng không quốc gia) lập ra hãng vé rẻ Jin Air. Rồi đến lượt Air Busan (có cổ đông là Asiana Airlines) bay lần đầu vào tháng 10.2008.
Máy bay của Jeju Air, hãng vé rẻ có đường bay đến Hà Nội và Đà Nẵng - Ảnh: Jeju Air |
Đáng kể là tuy chính phủ Hàn Quốc cho phép một hãng hàng không (hoặc đối tác) nước ngoài được nắm giữ đến 50% vốn của một hãng hàng không Hàn Quốc, nhưng cho đến nay cả 7 hãng bay của Hàn Quốc vẫn 100% vốn nội địa. Có thể đến cuối năm 2017 sẽ có thêm một LCC thứ 7 tại Hàn Quốc. Đó là Nambu Air với vốn góp từ các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một dự án của chính quyền tỉnh Gyeongsangnam-do.
Như ở các thị trường khác, những LCC Hàn Quốc cũng đe dọa đến kết quả kinh doanh và tăng trưởng của các hãng hàng không truyền thống. Jeju Air nay chiếm 15% thị trường vận chuyển hàng không nội địa Hàn Quốc, xếp hạng ba; Asiana Airlines chiếm 18,8%, hạng nhì và Korean Air với 26.6%, ở hạng nhất.
Air Busan thực hiện các chuyến bay thuê bao đến Đà Nẵng; Jeju Air có đường bay đến Hà Nội và Đà Nẵng; Jin Air cũng khai thác hai đường bay này. Hãng T’Way Air vừa khai trương đường bay từ Seoul đến Đà Nẵng sau khi đã có đường bay đến TP.HCM.
Theo Báo tin tức