Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Giàu như ACV
Thông tin trên bảng cân đối kế toán cho biết, tính đến cuối năm 2015, giá trị Đầu tư tài chính ngắn hạn của ACV là 12.682,9 tỷ đồng, chiếm 61,7% tài sản ngắn hạn và 29,3% tổng tài sản.
Đặc biệt, giá trị Đầu tư tài chính ngắn hạn của ACV chưa từng giảm qua các năm, ít nhất là từ khi ACV bắt bầu thực hiện công bố BCTC đến nay: 4.726,5 tỷ đồng (cuối năm 2011); 8.452,9 tỷ đồng (cuối năm 2012); 9.848,4 tỷ đồng (cuối năm 2013); 10.523,4 tỷ đồng (cuối năm 2014); 12.682,9 tỷ đồng (cuối năm 2015).
Vì ACV không thuyết minh khoản mục Đầu tư tài chính ngắn hạn trong báo cáo năm nay nên chưa thể khẳng định về danh mục đầu tư ngắn hạn được công ty này lựa chọn.
Song căn cứ vào thuyết minh trong các báo cáo tài chính trước đó, có lý do để tin rằng, phần lớn (nếu không muốn nói là tất cả) các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của ACV sẽ là tiền gửi tiết kiệm với kỳ hạn từ 03 tháng đến 01 năm tại các ngân hàng thương mại.
Gần nhất, theo BCTC công ty mẹ bán niên 2015, 100% các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của ACV đều là tiền gửi có kỳ hạn, với tổng giá trị tại ngày 30/06/2015 là 10.732,9 tỷ đồng. Thuyết minh báo cáo tài chính các năm trước đó của công ty này cũng đem đến những thông tin tương tự.
Song, chi tiết thông tin cũng chỉ dừng lại ở mức đấy. Các thuyết minh BCTC của ACV không khi nào đề cập đến những phần tố liên quan như nhà băng nhận tiền, lãi suất gửi tiền hay kỳ hạn tiền gửi.
Bên cạnh yếu tố “truyền thống”, một dữ liệu quan trọng khác trong báo cáo tài chính cũng góp phần củng cố nhận định “đầu tư ngắn hạn – gửi tiền ngân hàng” ở ACV. Đó là thống kê doanh thu hoạt động tài chính, phần tiểu khoản liên quan đến lãi tiền gửi, tiền cho vay.
Theo đó, trong năm 2015, ACV đã thu về đến 758,8 tỷ đồng lãi tiền gửi và tiền cho vay – áp đảo tuyệt đối so với các cấu phần kiến tạo doanh thu hoạt động tài chính còn lại (vượt xa giá trị cổ tức, lợi nhuận được chia: 17,5 tỷ đồng; lãi chênh lệch tỷ giá đã thực hiện: 93,5 tỷ đồng; thu nhập từ việc thoái vốn tại CTCP: 26,1 tỷ đồng).
Vậy nguồn lãi tiền gửi, tiền cho vay này từ đâu mà có?
Ngoài 12.682,9 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, được biết, ACV còn luôn duy trì một lượng tiền gửi không kỳ hạn (tiền gửi thanh toán) khá lớn tại các ngân hàng. Cập nhật tại thời điểm 31/12/2015 là 3.873,4 tỷ đồng (cuối năm 2014: 3.200,6 tỷ đồng).
Nhưng vì là tiền gửi không kỳ hạn, lãi suất rất thấp (hiện khoảng 0,3%/năm), nên thu nhập lãi từ khoản tiền gửi thanh toán này sẽ là rất hạn chế. Trong khi đó, ACV lại hầu như không phát sinh hoạt động gửi tiết kiệm dài hạn hay cho vay dài hạn. Do vậy, có thể suy luận, gần 800 tỷ đồng lãi tiền gửi và tiền cho vay của ACV trong năm 2015 sẽ phát sinh chủ yếu từ khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn, mà khả năng cao là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn.
Các tính toán về lãi suất cũng cho thấy sự phù hợp. Cụ thể, theo tính toán của VietTimes, lãi suất trung bình cho các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của ACV trong năm 2015 sẽ rơi vào khoảng trên 6%/năm – tương đối khớp với diễn biến của thị trường lãi suất ngân hàng năm vừa qua.
Nhưng có gì đáng bàn về câu chuyện gửi tiết kiệm ngân hàng của ACV – một tổng công ty ăn nên làm ra với lợi nhuận ròng nghìn tỷ đồng mỗi năm?
Năm 2015, ACV báo lãi 2.027 tỷ đồng trước thuế; Lãi tiền gửi và tiền cho vay công ty thu về trong năm là 758,8 tỷ đồng, tức là đóng góp đến 37,9% cơ cấu lợi nhuận (?!).
Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là trọng tâm câu chuyện…
“Lát cắt” ODA
Theo BTCT, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam tuyệt đối không có quan hệ tín dụng vay vốn với các ngân hàng trong nước.
Tất cả cả khoản vay của tổng công ty này đều có nguồn gốc từ vốn ODA do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, theo 04 hiệp định, với tổng giá trị đến cuối năm 2015 là 70.626 tỷ Yên Nhật (JPY), tương đương với 13.256 tỷ đồng (không chênh lệch quá nhiều với tổng số tiền mà ACV đang gửi tiết kiệm NH hưởng lãi (?!)).
Các khoản vay này đều được hưởng rất nhiều ưu đãi như thời hạn cho vay và trả nợ lớn (40 năm), thời gian ân hạn kéo dài (10 năm), và đặc biệt là lãi suất lại rất thấp.
Có thể kể đến như các khoản vay tín dụng cho Dự án xây dựng nhà ga Quốc tế Nội Bài T2 theo 03 Hiệp định vay vốn ODA ký vào các năm 2010, 2012, 2013 giữa Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam.
Tổng giá trị khoản vay theo cam kết của 03 hiệp định này là hơn 59 tỷ JPY (Số dư nợ vay tính đến 31/12/2015 là 51,62 tỷ JPY), lãi suất cho vay tối đa là 0,4%/năm áp dụng cho chi phí xây dựng và 0,21%/năm cho chi phí tư vấn (phí cho vay lại là 0,2%/năm trên số dư nợ được trích trong lãi suất cho vay).
Khoản vay tín dụng còn lại liên quan đến Dự án xây dựng nhà ga hành khách Quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất theo Hiệp định vay vốn ODA số VNIX-2 ngày 29 tháng 3 năm 2002 giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) với số dư nợ vay tính đến cuối năm 2015 là 19 tỷ JPY.
Khoản vay ngày được thực hiện thông qua Chi nhánh VDB TP. HCM theo Hợp đồng tín dụng vay vốn ODA số 038/TDNN-TDTW1 ngày 15 tháng 08 năm 2002 và Hợp đồng ủy quyền cho vay lại vốn JBIC số 06/2002/UQ/BTC-TCĐN ngày 17/07/2001 giữa Quỹ hỗ trợ phát triển và Bộ Tài chính. Lãi suất cho vay là 1,6%/năm tính trên số dư nợ vay (phí cho vay lại là 0,2%/năm trên số dư nợ được trích trong lãi suất cho vay).
Trong họat động vay vốn của ACV, vì đồng tiền vay vốn là ngoại tệ (JPY), nên cần nhận thức rằng, ACV sẽ phải chịu những rủi ro từ biến động tỷ giá JPY/VND. Do đó, lãi suất trong hợp đồng tín dụng sẽ không phản ánh hết chi phí kế toán (hạch toán bằng VND) mà ACV sẽ phải chi trả cho đối tác (Trên thực tế, tỷ giá giữa đồng JPY và VND trong thời gian qua lại thường diễn biến theo hướng có lợi cho ACV).
Báo cáo tài chính cho hay, tổng chi phí lãi vay của ACV trong năm 2015 chỉ là 88 tỷ đồng. Trong khi ở hướng ngược lại, công ty thu về tới 759 tỷ đồng lãi tiền gửi và tiền cho vay. Đáng nói, tổng giá trị tiền đi vay và tiền cho vay của ACV lại chẳng mấy chênh lệch.
Đến đây, nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi, rằng có khi nào ACV đi vay vốn ODA (lãi suất thấp) để rồi sau đó, đem gửi ngân hàng hưởng lãi suất cao?
Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, về mặt hình thức, rất khó có thể làm được điều này, bởi bên cho vay (Nhật Bản) sẽ luôn duy trì một cơ chế giám sát giải ngân của riêng họ.
Nhưng lại có những câu hỏi khác, là tại sao ACV không dùng chính nguồn vốn tự có của mình (gửi tiết kiệm ngân hàng) để đầu tư dự án? Và tại sao Bộ Tài chính lại không phân bổ nguồn vốn ODA giá rẻ này cho các dự án khác, đối tượng khác - khó khăn hơn, khát vốn hơn?...
Trong bối cảnh căng thẳng ngân sách, áp lực nợ công tăng cao như hiện nay, đó là một câu chuyện đáng bàn./.
(Còn nữa)
Ninh Giang – Hoàng Nguyên