Thanh toán viện phí không tiền mặt: Có nhất thiết phải qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nam miền Nam

Đã có khoảng 95% bệnh viện triển khai thanh toán viện phí không tiền mặt, nhưng việc thanh toán qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia gần như không triển khai được vì gặp nhiều vướng mắc.

Như VietTimes đã thông tin, hiện có khoảng 95% bệnh viện (BV) đã triển khai thanh toán không tiền mặt với tổng số thanh toán không tiền mặt chiếm 27%.

Tuy thế, vẫn có quy định bắt buộc phải thanh toán viện phí qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG), trong khi, các BV thí điểm thanh toán qua Cổng DVCQG đều không triển khai được, do quá nhiều khó khăn, vướng mắc.

VT_XanhPon.jpg
Thanh toán không tiền mặt ở BVĐK Xanh Pôn giúp cho thủ tục KCB giảm nhiều

100% đơn vị thí điểm không triển khai được

Sáu đơn vị được giao thí điểm thanh toán qua Cổng DVCQG, gồm 3 BV tuyến Trung ương là BV Đại học (ĐH) Y Hà Nội, BV ĐH Y Dược TP.HCM, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương và 3 đơn vị thuộc tỉnh Bình Định là BVĐK tỉnh Bình Định, BVĐK khu vực Bồng Sơn và Trung tâm y tế Quy Nhơn.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Bộ Y tế, đến nay, cả 6 đơn vị này đều không triển khai được vì gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Phó Giám đốc Sở Y tế Sở Y tế Bình Định - cho biết, Sở đã triển khai thí điểm ở 2 đơn vị là BVĐK khu vực Bồng Sơn và Trung tâm y tế Quy Nhơn, nhưng thực tế cho thấy nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo bà Nhung, quy trình thanh toán 5 bước qua Cổng DVCQG gây phiền hà cho bệnh nhân, chưa kể người già, người không có số tài khoản sẽ không thể thực hiện được.

Bên cạnh đó, BV khó theo dõi dòng tiền khi việc kiểm soát số tiền chuyển về tài khoản của BV hay tài khoản trên Cổng DVCQG còn vướng mắc.

Bệnh nhân thanh toán qua QR code hoặc smart banking, thì BV sẽ nhận được tiền ngay, trong khi thanh toán qua Cổng DVCQG phải qua nhiều bước, đòi hỏi phải có người hướng dẫn, nên nhiều người không sử dụng được.

BVĐK tỉnh Bình Định cũng là một đơn vị trong danh sách thí điểm thanh toán qua Cổng DVCQG.

BS Ngô Xuân Thế - Phó Giám đốc BVĐK Bình Định - nói rằng, việc này không tiện lợi mà còn phức tạp, khi bệnh nhân đến khám hầu hết là người lớn tuổi, ở các huyện nông thôn, nên việc thanh toán không tiền mặt qua Cổng, rất khó khăn.

Bên cạnh đó, dữ liệu chuyển nhiều lúc bị trục trặc nên không đảm bảo an toàn. Dữ liệu chuyển rồi nhưng BV không có căn cứ cho bệnh nhân về để chốt hồ sơ. Cổng DVCQG mà trục trặc thì không thể trả lại tiền cho bệnh nhân. Rồi các dịch vụ như phẫu thuật, cấp cứu đã làm nhưng không thu được từ các nguồn đó thì xử lý thế nào?

Theo BS Thế, việc báo cáo, đối chiếu số liệu với Cổng DVCQG sẽ làm tăng việc cho đơn vị.

VT_DU Giang.jpg
Thanh toán không dùng tiền mặt tại BV ĐK Đức Giang được triển khai hiệu quả từ khi có dịch Covid-19

Với kinh nghiệm thực tế, ThS. Nguyễn Ngãi - Trưởng phòng Tài chính BVĐK tỉnh Bình Định - phân tích rằng: Giao dịch giữa bệnh nhân và BV là giao dịch dân sự và khi hoàn tất giao dịch thì BV phải giám sát được và đảm bảo an toàn dòng tiền như hiện nay. Các địa phương đã có Kho bạc Nhà nước giám sát chi để thực hiện các giao dịch công, nên với góc độ quản lý tài chính thì việc thêm 1 bước qua Cổng DVCQG là không hiệu quả, nên BV không thể triển khai được.

Cũng theo ý kiến của đại diện BVĐK tỉnh Bình Định thì nếu thanh toán qua Cổng DVCQG, BV sẽ chậm đối chiếu tài chính với bệnh nhân hơn là hiện nay, khi BV đang triển khai thanh toán không tiền mặt qua kênh liên ngân hàng.

Vị đại diện BVĐK tỉnh Bình Định cũng lo ngại việc thanh toán qua Cổng DVCQG gây phiền hà cho bệnh nhân, khiến họ không hài lòng, trong khi hài lòng bệnh nhân là một tiêu chí để Bộ Y tế đánh giá về quản lý chất lượng BV.

Bệnh nhân có quyền lựa chọn

Cùng quan điểm với BVĐK Bình Định, đại diện BV ĐH Y Hà Nội cũng cho rằng bệnh nhân có quyền lựa chọn để tiện lợi cho họ, nên không thể yêu cầu họ phải sử dụng Cổng DVCQG, hay QR, hay POS, hay chuyển khoản, mà phụ thuộc vào phương thức họ đang sử dụng.

Vì thế, BV hiện sử dụng 3 phương thức thanh toán để phục vụ bệnh nhân: QR code, chuyển khoản và POS, chiếm 40 - 42% trong tổng thu của BV.

Nếu thanh toán qua Cổng DVCQG, sau khi có chỉ định, bệnh nhân phải dùng máy tính của BV để đăng nhập thanh toán, sẽ phiền hà.

Khó khăn lớn nhất khi làm việc với ngân hàng là khâu đối soát để báo cáo, nhất là những BV có đông bệnh nhân. Do đó, cần có quy trình, phương thức phù hợp với từng nơi, không nên cứng nhắc về phương thức thanh toán.

VT_k tien mac.jpg
Thanh toán viện phí không tiền mặt tại nhiều BV

Đại diện BV ĐH Y Hà Nội giải thích việc BV chưa tiến hành thanh toán qua Cổng DVCQG vì quy trình thanh toán không dùng tiền mặt ở BV hiện đã chặt chẽ và lại không giống với quy trình của Cổng DVCQG, do đó tích hợp sẽ khó khăn. Nếu thay đổi quy trình sẽ phải viết lại phần mềm và những tiện ích về tính kiểm soát của Phòng Tài chính kế toán sẽ không đảm bảo.

Chung khó khăn với các đơn vị trên, BV ĐH Y Dược TP.HCM cho biết: BV đã kết nối phần mềm của BV với các phần thanh toán trên Cổng DVCQG, thử nghiệm kết quả thành công nhưng khi triển khai cũng gặp rất nhiều vướng mắc:

Thứ nhất, người bệnh không đồng ý thanh toán qua Cổng DVCQG. Vì khi nhận phiếu chỉ định, họ phải dùng máy tính của BV, rồi lên trang web nhập mã tới 20 ký tự để thanh toán, mất rất nhiều thời gian, mà còn dễ sai.

Thứ hai, nếu thanh toán qua Cổng DVCQG, thì sẽ hoàn tiền thế nào? Sau khi đóng tiền, người bệnh không thực hiện dịch vụ nữa thì BV phải hoàn tiền nhưng lại chưa có quy trình, hướng dẫn, do đó sẽ rủi ro cho người bệnh.

Thứ ba, giả sử triển khai thành công, thì quy trình đối soát dòng tiền với BV như thế nào, để đối soát dữ liệu giữa trạng thái chuyển khoản thành công của người bệnh với ngân hàng và thực tế của BV vì chưa có quy trình cụ thể.

Thứ tư, trong quá trình thanh toán, có những trường hợp trục trặc, như khi thanh toán trên Cổng DVCQG, luồng đi sẽ qua nhiều cổng, như Cổng DVCQG, cổng thanh toán, chuyển về hệ thống của ngân hàng, người bệnh đã chuyển tiền thành công, nhưng trạng thái thành công chưa chuyển về BV. Khi đó, ai là người xử lý, xử lý như thế nào, thời gian xử lý bao lâu?

“Do chưa đủ độ tin tưởng với người bệnh và BV, nên BV ĐH Y Dược TP.HCM chưa triển khai thanh toán trên Cổng DVCQG. Do đó, cần lựa chọn phương thức thanh toán thuận lợi cho người bệnh” - đại diện BV ĐH Y dược TP.HCM nhấn mạnh.

Khuyến khích nhưng không bắt buộc thanh toán qua Cổng DVCQG

Chia sẻ thực tế của các BV, đại diện các cục, vụ chức năng của Bộ Y tế cũng đồng ý rằng thanh toán viện phí là hoạt động dân sự, không phải dịch vụ công, nên không nhất thiết phải qua Cổng DVCQG. Thực tế, 95% cơ sở y tế đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt mà không cần qua Cổng DVCQG, vẫn đảm bảo minh bạch, hiệu quả.

Trước tình hình này, Bộ Y tế cho biết sẽ kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh nhiệm vụ tiếp tục thúc đẩy thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, nhưng không nhất thiết phải qua Cổng DVCQG.

Trước đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng đề nghị Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về thanh toán viện phí không tiền mặt, đồng thời, tiếp tục triển khai thí điểm thanh toán trực tuyến chi phí khám, chữa bệnh trên Cổng DVCQG tại một số BV tuyến trung ương và BV trực thuộc các trường đại học lớn đã có kinh nghiệm triển khai bệnh án điện tử và điều kiện hạ tầng, kỹ thuật tốt.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng đề nghị đánh giá kết quả thí điểm, tính an toàn, bảo mật dữ liệu cá nhân và thông tin giao dịch của người bệnh, tránh các nguy cơ gây lộ thông tin cá nhân.

Trước thực trạng triển khai ở các BV, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề xuất xem xét chỉnh sửa nhiệm vụ “thực hiện thanh toán trực tuyến chi phí khám, chữa bệnh trên Cổng DVCQG” bằng nhiệm vụ “thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt dưới nhiều hình thức, khuyến khích nhưng không bắt buộc phải thực hiện trên Cổng DVCQG”.