Bác sĩ bắt bệnh người đàn ông hào phóng tặng hết 2 xe tải mì tôm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Người đàn ông 28 tuổi hào phóng tặng hết 2 xe tải mì tôm và nói rằng mình có khả năng cứu giúp mọi người, giải quyết các cuộc chiến trên thế giới. Tuy nhiên, các bác sĩ xác định, anh mắc bệnh rối loạn hưng cảm và loạn thần.

Tự đề cao mình có khả năng phi thường

Theo bác sĩ chuyên khoa (BSCK) II Nguyễn Thị Ái Vân (Phòng Rối loạn cảm xúc Viện Sức khoẻ tâm thần (SKTT), rối loạn cảm xúc là có lúc hưng cảm, có lúc lại trầm cảm. Căn bệnh này chiếm 1,5% - 2,5% dân số. Trong đó, các giai đoạn hưng cảm gặp nhiều ở nam giới, còn trầm cảm gặp nhiều ở nữ.

VT_ Khiem.JPG
Bác sĩ nội trú (BSNT) Ngô Tuấn Khiêm kiểm tra sức khoẻ của bệnh nhân

Tại hội thảo “Rối loạn hưng cảm giai đoạn lưỡng cực” do Viện Sức khoẻ tâm thần (SKTT), Bệnh viện Bạch Mai tổ chức, BSNT Ngô Tuấn Khiêm (Phòng Rối loạn cảm xúc) cho biết bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc mà anh đang điều trị là N.T.A, 19 tuổi. Cô là con đầu trong 1 gia đình bố mẹ vui vẻ, hạnh phúc, kinh tế đủ ăn.

Theo mẹ A., cô ngoan ngoãn, hiền lành, học khá và ít bạn bè. Tốt nghiệp THPT, A. đi bán quần áo thuê.

Hai năm trước, A. bỗng luôn vui vẻ quá mức, hay cười nói, bắt chuyện với mọi người, làm việc không mệt mỏi và thích giúp đỡ mọi người - điều trước đây cô không bao giờ làm. Cô ngủ ít nhưng vẫn thấy rất khỏe và thích mua sắm quần áo, giày dép, vượt quá khả năng chi trả của mình.

Các triệu chứng trên kéo dài 3 tháng rồi giảm dần. Một năm sau, A. lại thấy buồn chán, kém ăn kém ngủ và sút cân, không hứng thú với những sở thích trước nữa. Có đêm cô thức trắng và nhiều lần muốn tự tử. Hai 2 tháng sau, những triệu chứng trên tự đỡ.

Ba tuần gần đây, A. lại thấy vui vẻ quá mức, nói nhiều, làm việc không biết mệt mỏi. A. còn cho rằng mình có khả năng kinh doanh siêu phàm, nên dự định mở mấy công ty buôn bán xuyên quốc gia. Đặc biệt, A. tăng ham muốn tình dục đến mức quan hệ bừa bãi với nhiều người.

Khi những triệu chứng ngày càng nặng, ảnh hưởng đến công việc của A. thì gia đình đưa cô đến Viện SKTT để khám. Các bác sĩ xác định cô bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực, ở giai đoạn hưng cảm và có triệu chứng loạn thần. Sau 15 ngày điều trị thuốc và tâm lý, các triệu chứng thuyên giảm.

Một người đàn ông 28 tuổi cũng được BS Ngô Tuấn Khiêm điều trị sau khi anh này hứng khởi cho mọi người hết 2 xe tải mì tôm và nói rằng mình có khả năng cứu giúp mọi người, giải quyết các cuộc chiến trên thế giới. Lúc này, bệnh nhân đã bị loạn thần.

VT_ tư van.JPG
BSNT Ngô Tuấn Khiêm tư vấn cho bệnh nhân hưng cảm

Dấu hiệu để nhận ra người bị rối loạn cảm xúc

BSCKII Nguyễn Thị Ái Vân cho hay: Tuổi khởi phát rối loạn hưng cảm giai đoạn lưỡng cực từ 20-30, thường bằng giai đoạn trầm cảm (chiếm 60%). Nhưng có tới 50% bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm là trầm cảm đơn cực và hơn 90% các trường hợp tái phát sau giai đoạn đầu.

Cũng theo BS Vân, bệnh có nguyên nhân từ di truyền, bên cạnh đó là các yếu tố tâm lý xã hội, như mất người thân, ly hôn, mất việc, thiếu ngủ.

BS Vân chỉ ra các dấu hiệu nhận biết bệnh rối loạn hưng cảm là sự phấn khích, vui sướng quá mức, kéo dài cả ngày, mất khả năng tự phê phán trong quan hệ với mọi người, trong quan hệ tình dục.

Bệnh nhân vui vẻ quá mức với bất kỳ sự vật, hiện tượng nào xảy ra xung quanh, hân hoan, ca hát, diễn kịch say sưa, di chuyển đồ đạc trong phòng, gây phiền toái cho người xung quanh, nhưng nếu bị phản đối, họ sẽ nhanh chóng chuyển sang nổi cáu và gây sự.

Người bị rối loạn cảm xúc ít ngủ, có thể thức vài ngày mà không thấy mệt mỏi. Họ nói nhanh, nói nhiều, ngôn ngữ điển hình là đùa cợt, chơi chữ và xấc láo để mua vui. Họ luôn làm phiền người khác như quấy rầy hàng xóm, người quen biết, thậm chí gọi điện cho người lạ bất cứ giờ nào trong đêm.

VT_Van.JPG
BSCKII Nguyễn Thị Ái Vân

Bệnh nhân mua sắm rất nhiều, vượt xa khả năng chi trả, địa bàn, luôn nghĩ về tình dục và luôn mong muốn quan hệ tình dục, nên có thể dễ dàng nhận lời quan hệ tình dục với những người không quen biết. Bệnh nhân có thể tham gia kinh doanh, mặc dù không có kinh nghiệm, gây tổn thất tài chính cho bản thân, gia đình và cơ quan.

Một dấu hiệu nữa là bệnh nhân đề cao mình đến độ hoang tưởng, nên dù không có khả năng đặc biệt nào họ vẫn viết tiểu thuyết, viết giao hưởng hay công bố một công trình bất khả thi; cho rằng mình có mối liên hệ với một số nhân vật chính trị nổi tiếng, các lãnh tụ tôn giáo hoặc các nghệ sĩ lớn.

Để xác định bệnh nhân bị rối loạn hưng cảm, theo bác sĩ Vân: Nhận biết qua khí sắc bệnh nhân tăng dai dẳng, kéo dài 4 -7 ngày và có ít nhất 3 triệu chứng sau: Tăng hoạt động hoặc đứng ngồi không yên; Nói nhiều; Ít ngủ; Tiêu pha nhiều, hoặc có hành vi liều lĩnh, vô trách nhiệm; Quá suồng sã; Tự cao hoặc ý tưởng khuếch đại; Hành vi ngông cuồng hoặc liều lĩnh đầu tư bừa bãi, lái xe liều lĩnh; Tăng hoạt động tình dục hoặc phô trương tình dục.

Hậu quả nặng nề

Trao đổi với VietTimes về hậu quả của bệnh bệnh rối loạn hưng cảm giai đoạn lưỡng cực, TS Tâm lý Trịnh Thanh Hương (Phòng Tâm lý lâm sàng) kể về một bệnh nhân mà chị điều trị đã 15 năm: Do rối loạn xúc cảm, người đàn ông 43 tuổi liên tục “nhảy việc”.

Sau khi ly hôn vợ, nam bệnh nhân lấy vợ 2, có con, nhưng giai đoạn hưng cảm, anh này tăng ham muốn tình dục, tới 9-10 lần/ngày, khiến vợ không chịu nổi và cho phép anh quan hệ ngoài luồng để “giải thoát”.

VT_ Hương.jpg
TS Tâm lý Trịnh Thanh Hương

Do được điều trị nên anh nhận biết được căn bệnh và lo lắng hậu quả mà nó để lại cho hôn nhân, cho cuộc sống với mẹ và con cái.

Bác sĩ Vân cũng chỉ rõ hậu quả của căn bệnh: Người mắc rối loạn lưỡng cực có tỉ lệ ly dị cao gấp 2-3 lần so với người không mắc; chất lượng cuộc sống kém hơn nhiều; dễ lạm dụng rượu và chất, làm nặng thêm tình trạng bệnh. Đi kèm theo đó là béo phì, thừa cân, tuyến giáp, tăng cholesterol máu, bệnh tim, tăng huyết áp...

Chính vì thế, cần quan tâm để phát hiện sớm bệnh rối loạn lưỡng cực và có chiến lược điều trị hiệu quả, để giảm hậu quả xấu cho bệnh nhân, gia đình, các mối quan hệ xã hội của họ…