Thành phố nổi nhân tạo, tại sao không?

VietTimes -- Hôm thứ Ba vừa qua, các nhà nghiên cứu Hà Lan đã công bố một mô hình mà rất có thể trong vòng vài thập kỷ tới sẽ là một hòn đảo nổi lớn, được sử dụng như một giải pháp sáng tạo để có nhà ở, cảng biển, trang trại hoặc công viên.
Mô hình một hòn đảo nổi nhân tạo lớn, được sử dụng như một giải pháp sáng tạo để có nhà ở, cảng biển, trang trại hoặc công viên
Mô hình một hòn đảo nổi nhân tạo lớn, được sử dụng như một giải pháp sáng tạo để có nhà ở, cảng biển, trang trại hoặc công viên

Được ghép lại từ 87 khung nổi làm bằng bê tông hoặc thép hình tam giác có kích cỡ khác nhau, một hòn đảo rất lớn, không cố định có độ dài khoảng 2km, rộng chừng 1,5km, diện tích tổng cộng sẽ là 3 km vuông.

Vì bị dồn nến trong một quốc gia diện tích nhỏ ở Bắc Âu, "một số thành phố Hà Lan đang bắt đầu tính đến giải pháp có thêm diện tích nổi, ví dụ như một công viên nổi trên sông chẳng hạn, vì họ muốn có một khu vực vui chơi giải trí gần trung tâm thành phố", ông Olaf Waals  - Viện Nghiên cứu Biển Hà Lan (MARIN) nói với AFP.

Nếu kế hoạch cho các hòn đảo nổi được triển khai trong thời gian tới, đó sẽ là một bước ngoặt trong lịch sử của quốc gia có phần lớn diện tích thấp hơn mặt nước biển này. Đó là phần diện tích được lấn từ biển trong nhiều thế kỷ và được bảo vệ bởi một hệ thống đe kè và kênh rạch phức tạp.

Ông Waals nói: "Trong hoàn cảnh mực nước biển dâng, các thành phố trở nên quá tải và các hoạt động trên biển ngày càng sôi động thì việc xây dựng đê và bơm cát có lẽ không phải là giải pháp hiệu quả nhất".

"Các cảng và thành phố là một giải pháp sáng tạo phản ánh truyền thống lấn biển của Hà Lan".

Tại lễ công bố, các nhà đầu tư tiềm năng được làm quen với mô hình thành phố nổi. Mô hình này có kích thước là 6 x 8 mét, được làm bằng gỗ và polystyrene và đặt vào một bể nước lớn để mô phỏng gió, sóng và bão.

Theo giám đốc MARIN Bas Buchner, các cuộc thảo luận đang được tiến hành với chính quyền địa phương của vùng Haarlemmermeer và khu vực sân bay Lelystad đông đúc, cả hai đều gần thủ đô của Amsterdam, nhật báo Telegraaf hàng ngày đưa tin.

Tuy nhiên, dự án vẫn còn chỉ ở giai đoạn đầu, viện MARIN cho biết.

Các hòn đảo sẽ được neo vào đáy biển và cũng được cột vào bờ. Tuy nhiên, vẫn cần tiến hành thêm nhiều cuộc thử nghiệm để tính toán xem khả năng chúng chống chọi được các điều kiện thời tiết, với thủy triều như thế nào và làm thế nào để những hòn đảo đó thể tự cung cấp năng lượng và nguồn lực, cũng như những ảnh hưởng đến môi trường biển và chi phí.

Dự án "Không gian ở Biển" được thực hiện với sự phối hợp với một số nước khác đã giành được khoảng 1,6 triệu euro (7,88 triệu RM) trong các khoản trợ cấp của Châu Âu để thực hiện nghiên cứu trong ba năm nhằm tìm hiểu về cách thức sử dụng khác nhau cho các hòn đảo như vậy - từ trồng rong biển, lập các trang trại cá đến tạo ra cả những  thành phố và cảng nổi .

"Về mặt kỹ thuật, trong 10 đến 20 năm tới điều đó là khả thi, ông Waals nói.

Theo MARIN, các giải pháp trên là một phần của "tương lai xanh" nhằm tìm cách sử dụng bền vững các đại dương và biển vốn chiếm 70% bề mặt trái đất.

Dưới áp lực ngày càng tăng về không gian bị giới hạn, "Hà Lan sẽ phải chuyển hướng về phía biển", Buchner nói với Telegraaf. "Và chúng tôi luôn là những người tiên phong trong cuộc chiến này."

Theo thestar.com.my