Sáng 9/10, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Khoa Xã hội học và Phát triển phối hợp Đại sứ quán Đức tại Việt Nam và Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm Khí hậu với chủ đề “Sự tham gia của thanh niên trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng ở Việt Nam”.
Tham gia tọa đàm có sự hiện diện của ông Simon Kreye - Đại biện lâm thời Đại sứ quán Đức tại Hà Nội; Ông Fabian Hartjes, Tham tán Khí hậu, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội; Bà Franziska Schmidtke Giám đốc dự án BĐKH và Năng lượng Châu Á, Viện FES; và lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cùng các sinh viên.
Tọa đàm Khí hậu là một chuỗi sự kiện do Đại sứ quán Đức tổ chức xoay quanh các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu nhằm cung cấp cơ sở để trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, cộng đồng khoa học và công chúng về vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.
Thông qua sự kiện, người dân đặc biệt là thanh niên sẽ có thêm kiến thức về giai đoạn chuyển đổi năng lượng hiện nay của Việt Nam, nâng cao nhận thức hành động vì khí hậu tại một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.
Tọa đàm cung cấp nền tảng giúp giới trẻ được góp phần hành động vì khí hậu của Việt Nam, thúc đẩy cam kết chung về phát triển bền vững và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Sự tương tác này sẽ tạo điều kiện cho cuộc đối thoại giữa thanh niên và các nhà hoạch định chính sách, bảo đảm tiếng nói của giới trẻ được lắng nghe và xem xét trong quá trình ra quyết định về khí hậu.
Trong phần thảo luận, các diễn giả tập trung chia sẻ, trao đổi ý kiến về vai trò của thanh niên trong việc tham gia các hành động vì khí hậu, các giải pháp nhằm phát huy vai trò của thanh niên trong việc tham gia bảo vệ môi trường và hành động vì khí hậu.
Việt Nam đang có những bước tiến đáng kể trong đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, hướng tới đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của nhiên liệu không hóa thạch là điều cần thiết để thúc đẩy sự đón nhận của xã hội và tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tại tọa đàm, các diễn giả cho rằng, một phần quan trọng của quá trình này là thu hút giới trẻ, chiếm gần 30% dân số Việt Nam. Thanh niên Việt Nam đóng góp vai trò quan trọng quá trình đưa ra quyết định liên quan đến chuyển đổi năng lượng công bằng.
Tại tọa đàm, các diễn giả nhấn mạnh vai trò của thanh niên vận dụng những hiểu biết, sự sáng tạo, nhiệt huyết để đạt được những bước tiến có ý nghĩa trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam.
Sau phần thảo luận, các đại biểu và các bạn sinh viên đã trải nghiệm hoạt động nghe-nhìn-chạm tại triển lãm trưng bày các kết quả, sáng kiến của thanh niên trong suốt hành trình 3 năm thanh niên đóng góp vào quá trình tạo ra sự thay đổi và sự bền bỉ thực hành để góp phần chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam.
Sinh viên Vũ Thị Hồng Hạnh (năm 4) cho biết: "Bản thân mình cảm thấy đây là buổi toạ đàm rất có ý nghĩa khi cung cấp cho mình thêm nhiều kiến thức liên quan đến biến đổi khí hậu cũng như những hành động mà thanh niên chúng mình có thể làm để giảm thiểu phát thải ròng bằng 0".
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu