Theo đó, dẫn nguồn dữ liệu từ Bloomberg, BVSC cho hay: Tuần vừa qua, NHNN đã bơm mới 22.375 tỷ đồng qua kênh OMO (nghiệp vụ thị trường mở) trong khi đó lượng vốn đáo hạn trong tuần đạt 10.542 tỷ đồng. Do vậy, 11.833 tỷ đồng đã được NHNN bơm ròng qua kênh này.
Trong khi đó, NHNN không phát hành tín phiếu đối với tất cả các loại kỳ hạn, mặc dù lượng vốn đáo hạn qua kênh này đạt 4.000 tỷ đồng. Như vậy, NHNN đã bơm ròng 4.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.
Tổng hợp cả hai kênh OMO và tín phiếu, nhà điều hành đã bơm ròng tổng cộng 15.833 tỷ đồng vào thị trường.
“Diễn biến này cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng có dấu hiệu eo hẹp hơn so với tuần trước đó”, các chuyên gia của BVSC đánh giá.
Nhấn mạnh rằng, tại Bản tin trái phiếu tuần số 8 phát hành trước đó một tuần, đội ngũ phân tích của công ty chứng khoán này cũng đưa ra nhận định trương tự, đồng thời dự báo: “Diễn biến này cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng có dấu hiệu eo hẹp hơn so với tuần trước đó. Tuy nhiên chúng tôi dự báo diễn biến dư thừa thanh khoản hệ thống ngân hàng có thể sẽ quay trở lại trong 2-3 tuần tới”.
Khi đó, tại bản tin, BVSC cho biết, trong tuần từ 6 – 10/03/2017, nhà điều hành đã bơm ròng tổng cộng 10.782 tỷ đồng vào thị trường.
Như vậy, trong hai tuần giao dịch nửa đầu tháng 3 (từ ngày 6 đến ngày 17/3), NHNN đã liên tiếp bơm ròng tới 26.615 tỷ đồng vào thị trường thông qua hai kênh OMO và tín phiếu.
Đây là một diễn biến đáng chú ý trong hoạt động điều hành chính sách tiền tệ ngắn hạn, đánh dấu sự bơm ròng trở lại của NHNN sau khi đã thực hiện hút ròng 3.955 tỷ đồng trong tuần số 7 (27/02 – 03/03/2017).
Theo thống kê, sau 9 tuần kể từ đầu năm 2017, NHNN đã thực hiện bơm ròng 6 tuần và hút ròng 3 tuần. Hai tuần hút ròng khác, diễn ra trước tuần số 7, là tuần số 5 (hút ròng 36.541 tỷ đồng) và tuần số 4 (hút ròng 161.613 tỷ đồng).
Không bất ngờ khi lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng trong tuần vừa qua (từ 13 – 17/03/2017).
Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng tuần qua có xu hướng tăng nhẹ với biên độ từ 0,15% - 0,28% đối với tất cả các loại kỳ hạn.
Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 0,15%, lên mức 4,7%/năm; kỳ hạn 1 tuần tăng 0,18%, lên mức 4,75%/năm; kỳ hạn 2 tuần tăng 0,28% đạt mức 4,77%/năm.
“Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục neo ở mức cao cùng động thái bơm ròng vốn của NHNN cho thấy thanh khoản hệ thống tuần qua không còn ở trạng thái dồi dào”, BVSC đánh giá.
Được biết, trong tuần trước đó (từ 6 – 10/03/2017), lãi suất liên ngân hàng cũng tăng khá mạnh, với biên độ từ 0,45% - 0,81% đối với tất cả các loại kỳ hạn, “cho thấy trạng thái eo hẹp thanh khoản bắt đầu quay trở lại” – như nhận định của các chuyên gia phân tích BVSC.
Nóng bỏng cuộc đua huy động vốn
Ít tuần qua, biểu lãi suất huy động ở nhiều tổ chức tín dụng đã liên tục được cập nhật cao thêm. Có nơi lên tới 9,2%/năm – một kỷ lục mới sau nhiều năm trầm lắng và dư thừa thanh khoản của thị trường.
Theo đó, chưa đầy 2 tháng sau khi áp dụng biểu lãi suất khá hấp dẫn cao hơn khoảng 10 điểm phần trăm so với bảng lãi suất trước đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank đã công bố biểu lãi suất mới với lãi suất huy động tăng vọt, thêm vài chục cho tới cả trăm điểm phần trăm.
Thay vì lãi suất 7,5-7,9%/năm áp dụng từ ngày 11/1, từ ngày 9/3 VPBank đã tung ra một mức lãi suất cao chưa từng có trong mấy năm qua: 9,2%/năm áp dụng cho khách hàng cá nhân lĩnh lãi cuối kỳ, kỳ hạn 60 tháng với số tiền trên 5 tỷ đồng. Các lãi suất khác cũng ở mức từ 7,5%-9,1%/năm.
Tương tự, hàng loạt các NHTMCP trong 2 tuần qua cũng đã tăng mạnh lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn, nhất là các kỳ hạn dài ngày. Sacombank tung ra chương trình huy động lãi suất 8,88%/năm với chứng chỉ tiền gửi 7 năm và 8,48% đối với kỳ hạn 5 năm một ngày.
NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng tính huy động cả ngàn tỷ đồng cho nhiều kỳ hạn với với lãi suất lên tới 8,8%/năm. Gần đây, Eximbank cũng huy động tiền gửi lãi suất kỳ hạn 24-36 tháng với lãi suất cuối kỳ 8%/năm. NHTMCP Quốc dân (NCB) áp dụng lãi suất ở mức tương tự.
Hầu hết các chứng chỉ tiền gửi đều có kỳ hạn dài vài năm nhưng cũng có ngân hàng như Việt Á Bank áp dụng kỳ hạn 6 - 18 tháng với lãi suất lên tới 8,2%/năm. Không chỉ thời hạn được kéo ngắn xuống, mệnh giá chứng chỉ cũng được kéo xuống cơ nơi chỉ còn từ 1 triệu đồng/chứng chỉ.
Tất nhiên, cần nhận thức mạch lạc rằng, mức lãi suất huy động hơn 9% hoặc cao hơn, vốn chỉ được các nhà băng áp dụng cho các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi - một loại sản phẩm huy động được NHNN cho phép các tổ chức tín dụng phát hành dùng để huy động vốn ngắn hạn hoặc trung dài hạn.
Hiện các ngân hang vẫn đang triển khai việc huy động bằng chứng chỉ tiền gửi để huy động vốn trung dài hạn 18 - 60 tháng. Việc phát hành chứng chỉ tiền gửi sẽ theo hạn mức và theo đợt trong 1 thời gian nhất định được các NH quyết định trong từng thời kỳ và báo cáo NHNN.
Khi đầu tư vào loại hình chứng chỉ tiền gửi, cả ngân hàng lẫn khách hàng đều phải cân nhắc kỹ lưỡng tới các rủi ro và những vấn đề có thể phát sinh trong trung dài hạn. Do đó, mức lãi suất trên 9%/năm cho các chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn dài – có khi tới 5 năm – chưa hẳn đã là cao.
Biểu hiện căng thẳng trên thị trường lãi suất, theo lý giải của nhiều chuyên gia, phần lớn đến từ tác động tâm lý sau diễn biến điều chỉnh lãi suất đồng USD tăng thêm 0,25% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Theo đó, trong vòng 3 tháng trở lại đây, FED đã tăng lãi suất 2 lần, thêm tổng cộng 0,5%, lên đạt mức 0,75-1%.
Về mặt lý thuyết, khi lãi suất tiền gửi của Mỹ tăng lên thì sẽ kích thích một nguồn tiền gửi lớn từ các nước khác, trong đó Việt Nam trở về các ngân hàng Mỹ để hưởng lãi suất./.