Phần đất giao thông nội thị thuộc sở hữu nhà nước, tập đoàn này cũng lập chốt kiểm soát và rao bán như phần đất của mình.
Nhà của FLC nhưng đường của Nhà nước
Ngày 29.5.2015, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Lê Anh Tuấn ký Quyết định số 1956 giao đất cho Cty CP Tập đoàn FLC xây dựng khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn. Trích lục bản đồ địa chính số 1928/TLBĐ đi kèm quyết định này cho thấy tổng diện tích dự án là 206.484m2; trong đó đất các khu biệt thự là 85.971m2, đất các khu công viên cây xanh là 23.691m2, đất khu resort và dịch vụ công cộng là 48.694m2, diện tích đất giao thông là 48.128m2.
Trước đó, ngày 24.12.2014, UBND tỉnh Thanh Hoá ban hành QĐ số 4663 về việc giao đất có thu tiền và cho FLC thuê đất để thực hiện dự án khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn tại xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn. Tại khoản 2, Điều 1 quyết định này, UBND tỉnh Thanh Hoá cho FLC thuê 120.513m2đất để xây dựng khách sạn, resort, dịch vụ công cộng; hình thức thuê đất: Nhà nước cho thuê đất có trả tiền thuê đất hằng năm. Giá thuê là 881.378 đồng/m2. Vậy nhưng, ngày 29.1.2015, UBND tỉnh Thanh Hoá lại ban hành QĐ số 339 điều chỉnh khoản 2 Điều 1 QĐ 4663 nói trên. Cụ thể: “Cho CTCP Tập đoàn FLC thuê 72.385m2đất tại xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn” để “xây dựng khách sạn, resort, dịch vụ công cộng” còn “phần diện tích 48.128m2đất đường giao thông theo mặt bằng quy hoạch chi tiết được duyệt: Giao cho CTCP Tập đoàn FLC quản lý để xây dựng công trình theo quy hoạch được duyệt. Sau khi hoàn thành xây dựng công trình theo quy hoạch và dự án đầu tư, Cty CP Tập đoàn FLC có trách nhiệm bàn giao cho UBND xã Quảng Cư quản lý, sử dụng chung theo quy định của pháp luật”.
Trao đổi với báo Lao Động về vấn đề trên, ông Ngô Hoàng Kỳ - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hoá - khẳng định, theo tinh thần các quyết định trên, phần đất giao thông nội thị trong khu dự án của FLC thuộc quyền sở hữu nhà nước, do UBND xã Quảng Cư quản lý, Tập đoàn FLC không có quyền sở hữu riêng.
Lập chốt, rao bán đất thuộc sở hữu nhà nước
Trên thực tế, ngay từ đầu khu đất thuộc dự án, Tập đoàn FLC đã dựng cổng, lập chốt kiểm soát. Bên trong, mỗi con đường vào khu dân cư, tập đoàn này cũng dựng chốt kiểm tra. Trong vai người mua nhà, chúng tôi được trực tiếp nghe nhân viên kinh doanh của tập đoàn này rao bán đất của Nhà nước. Theo đó, nhân viên tập đoàn này khẳng định: “Tất cả phần đất từ cổng trở vào là của Tập đoàn FLC. Tập đoàn thu phí quản lý và không phải ai cũng có thể ra vào khu đô thị sinh thái này”. Một cách cụ thể, nhân viên kinh doanh của FLC còn khẳng định, đất nội thị là của FLC, do FLC đầu tư xây dựng chứ không phải của Nhà nước như khu đô thị Bình Minh (TP.Thanh Hoá).
Quyết định của UBND tỉnh Thanh Hoá đã rõ. Vậy nhưng Tập đoàn FLC vẫn lờ đi, quảng cáo, rao bán như phần đất của mình. Với thực tế này, FLC đã mập mờ, chỉ phải trả tiền thuê cho phần đất xây dựng các công trình của mình mà không phải trả tiền thuê cho chính đất giao thông phục vụ các công trình đó. Với cách này, FLC khỏi phải trả số tiền hàng chục tỉ đồng cho việc thuê đất. Cứ lấy 881.378 đồng/m2x 48.128m2sẽ ra con số không hề nhỏ.
Nếu theo quyết định giao cho UBND xã Quảng Cư quản lý đường nội bộ khu đô thị sinh thái này đồng nghĩa với việc đây là đất của Nhà nước, sở hữu toàn dân. Và như vậy, ngư dân có toàn quyền đi lại, chở ngư cụ, kéo lưới và có thể cả phơi cá hằng ngày. Tuy nhiên, không khách hàng, nhà đầu tư nào chấp nhận cho một khu đô thị du lịch như vậy. Nhưng nếu FLC áp dụng quy trình quản lý đô thị hạng sang với đầy đủ bảo vệ, kín cổng cao tường lại không thể được vì công trình làcủa tập đoàn nhưng đường là của Nhà nước, dân có quyền sử dụng, tập đoàn tư nhân FLC không được ngăn cản. Rồi ai sẽ chịu trách nhiệm đầu tư cơ sở hạ tầng khu đô thị du lịch này? Liệu Nhà nước có phải bỏ tiền đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho Tập đoàn FLC bán nhà thu lời?
Theo Lao động