Theo báo cáo tài chính riêng lẻ Quý 1/2021, Vietcombank là ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sau thuế cao nhất với gần 6.646 tỉ đồng, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đứng thứ 2 là VietinBank với lợi nhuận sau thuế riêng ngân hàng đạt 6.228 tỉ đồng, tăng 173% so với cùng kỳ năm 2020.
Mặc dù xếp ở vị trí thứ 3 song lợi nhuận sau thuế riêng lẻ Quý 1/2021 của Techcombank chỉ bằng 56% lợi nhuận sau thuế của Vietcombank, đạt 3.742 tỉ đồng và tăng 81,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, với mức tăng trưởng 108,9% so với cùng kỳ năm trước, MBBank đã vươn lên vị trí thứ 4 với lợi nhuận sau thuế riêng ngân hàng Quý 1/2021 đạt 3,294 tỉ đồng.
Lợi nhuận sau thuế riêng lẻ 3 tháng đầu năm của một số ngân hàng lớn khác có thể kể đến như: VPBank đạt 2.574,6 tỉ đồng, tăng 55,2% so với cùng kỳ năm 2020; BIDV đạt 2.471,3 tỉ đồng, tăng 87,9%; ACB đạt 2.397,3 tỉ đồng, tăng 55,2%; HDBank đạt 1.337,8 tỉ đồng, tăng 87,8%; VIB đạt 1.443 tỉ đồng, tăng 67,9%; TPBank đạt 1.138 tỉ đồng, tăng 40,6%; SHB đạt 1.114,4 tỉ đồng, tăng 80,3%.
Riêng MSB, kết Quý 1/2021, nhà băng này ghi nhận lợi nhuận sau thuế riêng lẻ đạt 885 tỉ đồng, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, dù góp mặt trong rổ VN30 song Sacombank chỉ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế gần 0,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 721,8 tỉ đồng.
Về thu nhập nhân viên các ngân hàng hiện nay, đứng đầu là Techcombank với tiền lương bình quân trong 3 tháng đầu năm 2021 của bán bộ nhân viên là 34 triệu đồng/người/tháng, tăng 2 triệu đồng/người/tháng so với cùng kỳ năm ngoái. Mức thu nhập bình quân tháng của cán bộ nhân viên Techcombank cũng tăng thêm 4 triệu đồng/người, lên mức 42 triệu đồng/người/tháng.
Xếp vị trí thứ 2 là MBBank với thu nhập bình quân tháng của cán bộ công nhân viên trong 3 tháng đầu năm đạt mức 36,41 triệu đồng/người, cao hơn khoảng 7,33 triệu đồng/tháng so với cùng kỳ năm 2020.
Ở chiều hướng ngược lại, VPBank lại thể hiện rõ mức sụt giảm thu nhập của nhân viên khi tiền lương bình quân tháng trong Quý 1/2021 là 26,54 triệu đồng/người, thu nhập bình quân tháng là 27,62 triệu đồng/người, đều giảm tới hơn 7 triệu đồng/tháng so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại ngày 31/3/2201, tổng dư nợ cho vay khách hàng của 9 ngân hàng niêm yết thuộc rổ VN30 (HOSE) bao gồm BIDV, VietinBank, HDBank, MBBank, Sacombank, Techcombank, TPBank, Vietcombank và VPBank đạt hơn 4,54 triệu tỉ đồng, tăng 3,06% so với đầu năm.
Trong đó, BIDV là ngân hàng có tổng dư nợ cho vay khách hàng dẫn đầu với gần 1,2 triệu tỉ đồng, tăng 1,7% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên cho vay khách hàng riêng lẻ tăng nhẹ từ 1,66% lên mức 1,67%.
Xếp thứ 2 là Vietinbank với dư nợ cho vay khách hàng riêng lẻ tại ngày 31/3/2021 đạt hơn 1 triệu tỉ đồng, tăng 0,2% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay riêng ngân hàng giảm từ 0,93% xuống mức 0,87%.
Trong khi đó, đứng đầu về tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng với mức tăng 8,8% so với đầu năm là MBBank, đạt 308.937,8 tỉ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của MBBank cũng tăng từ 0,92% lên mức 1,14%.
Ngân hàng đứng đầu về giá trị nợ xấu gia tăng là Vietcombank với số nợ xấu tăng thêm sau 3 tháng đầu năm là hơn 2.472,6 tỉ đồng. Tổng dư nợ cho vay khách hàng riêng lẻ của Vietcombank tại ngày 31/3/2021 đạt 864.535 tỉ đồng, tăng 3,8% so với đầu năm.
Mặc dù tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho khách hàng của VPBank giảm mạnh từ 2,52% vào cuối năm 2020 xuống còn 2,17% vào cuối Quý 1/2021 song đây vẫn là tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong nhóm các ngân hàng niêm yết thuộc rổ VN30. Dư nợ cho vay khách hàng tại ngày 31/3/2021 của VPBank đạt 231.382 tỉ đồng, tăng 4,7% so với đầu năm.
Ngoài ra, mức tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng riêng lẻ sau 3 tháng đầu năm 2021 của 3 ngân hàng gồm Sacombank, HDBank và TPBank đạt lần lượt 5%, 5,1% và 3,7%.
Dư nợ cho vay khách hàng riêng lẻ của Techcombank tại ngày 31/3/2021 là 290.474 tỉ đồng, tăng 6,2% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 0,47% xuống còn 0,39%./.