Tham vọng của Trung Quốc về phần cứng AI

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Trung Quốc đặt mục tiêu dẫn đầu thế giới về phần cứng AI và đang đạt được những thành công nhất định.

AI đang trở thành chiến trường công nghệ chiến lược của Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Mỹ đã cam kết tăng chi tiêu cho AI từ 1,2 đến 1,5 tỷ USD trong 2021. Tầm quan trọng của công nghệ này với Mỹ được thể hiện qua một tuyên bố của Michael Kratsios, cố vấn về chính sách công nghệ của Nhà trắng, rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thực hiện "hành động chưa từng có nhằm giúp Mỹ tiên phong về AI và lượng tử".

Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua về AI. Ảnh: The Verge.
Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua về AI. Ảnh: The Verge.

Các chuyên gia đánh giá quốc gia nào thắng trong cuộc đua AI sẽ giữ ưu thế về các lĩnh vực khác. Đó cũng là lý do tại sao cả Mỹ và Trung Quốc đều đang cạnh tranh một cách khốc liệt để giành quyền thống trị về AI và kiểm soát việc triển khai công nghệ này trong tương lai.

Để thực hiện, trước tiên họ cần phát triển phần cứng (chip xử lý, bộ nhớ, các hệ thống xử lý đồ họa...) cho AI và sở hữu càng nhiều bằng sáng chế về lĩnh vực này càng nhiều càng tốt. Về phía Mỹ, Nvidia - công ty tiên phong về phần cứng xử lý đồ họa (GPU) - đã phát triển không ít sản phẩm để tăng tốc độ xử lý của các ứng dụng AI. Nhưng trong ba năm qua, hãng phát triển chip AI dẫn đầu Trung Quốc, Cambricon Technologies, cũng nổi lên là ứng cử viên sáng giá cho nỗ lực dẫn đầu về trí thông minh nhân tạo. Thậm chí, từ góc độ bằng sáng chế, Cambricon Technologies đang thống trị với số lượng phát minh nhiều gấp bốn lần Nvidia.

Hiện nay, các công nghệ lõi chủ yếu vẫn do doanh nghiệp Mỹ hoặc liên quan đến Mỹ nắm giữ. Tuy nhiên, các trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp AI Trung Quốc ngày càng khẳng định mình thông qua những sản phẩm mang tính tiên phong. Chẳng hạn, hệ thống Face++ của công ty Megvii Technology tích hợp AI và phần mềm thị giác máy tính đã được công nhận là một trong những giải pháp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nhận dạng khuôn mặt thông minh.

Sự phát triển phần mềm được đánh giá là rất quan trọng đối với sự tiến bộ của các hệ thống AI. Tuy nhiên, hệ thống phần cứng cũng có vai trò không kém để đảm bảo rằng phần mềm có thể cung cấp kết quả kịp thời và toàn diện.

Trong giai đoạn 2010 - 2019, cuộc chạy đua về AI giữa Mỹ và Trung Quốc được đánh giá là gay cấn. Theo số liệu của Clarivate Analytics, Mỹ và Trung Quốc luôn so kè về số lượng bằng sáng chế được cấp cho lĩnh vực phát triển chip AI trong gần 10 năm qua. Năm 2019, lần đầu tiên Trung Quốc vượt Mỹ về số lượng sáng chế.

Số lượng sáng chế về phần cứng AI giữa Mỹ (màu xanh) và Trung Quốc (màu đỏ) giai đoạn 2010 - 2019. Nguồn: Clarivate Analytics.
Số lượng sáng chế về phần cứng AI giữa Mỹ (màu xanh) và Trung Quốc (màu đỏ) giai đoạn 2010 - 2019. Nguồn: Clarivate Analytics.

Tham vọng tự chủ phần cứng AI của Trung Quốc


Ngày 28/8, Bộ Thương mại Trung Quốc công bố bản sửa đổi của danh sách kiểm soát các công nghệ bị cấm hoặc hạn chế xuất khẩu, lần đầu tiên sau 12 năm. AI và các công nghệ liên quan đến "đề xuất nội dung cá nhân hóa dựa trên phân tích dữ liệu" bị giới hạn và phải được chính phủ thông qua trước khi trao đổi, mua bán.

Ngay cả trước khi có các hạn chế này, Trung Quốc đã coi việc phát triển các hệ thống AI là "sứ mệnh quốc gia". Mùa hè năm 2017, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã công bố một bản kế hoạch mang tính chiến lược, đề ra mục tiêu tạo nên "trung tâm đổi mới quan trọng về AI của thế giới" vào năm 2030. Kế hoạch bao gồm các mục tiêu đầy tham vọng về phát triển phần mềm cũng như tạo ra những chip AI được sử dụng trong các thiết bị di động.

Trong làn sóng tự chủ về AI, rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện tại Học viện Khoa học Trung Quốc. Trong đó, hai sinh viên tốt nghiệp trường này đang tạo ra làn sóng lớn nhất trên thị trường chip AI. Hai anh em Yunhi và Tianshi là "bộ não" đứng sau Cambricon Technologies. Với chuyên môn cung cấp phần cứng cho các tham vọng về AI của Trung Quốc, công ty này được định giá 2,5 tỷ USD và gần đây huy động được hơn 368 triệu USD trong đợt IPO của mình.

Dù là công ty non trẻ, các sản phẩm của Cambricon Technologies, trong đó có chip Cambricon-1H và Cambricon-1M, đã được sử dụng trong gần 100 triệu thiết bị di động và máy chủ tại Trung Quốc. Riêng chip Cambricon-1A được xem là bộ xử lý về deep learning đầu tiên sử dụng cho mục đích thương mại trên thế giới.

Nhiều chip của Cambricon Technologies có mặt trong máy chủ của Alibaba, cũng như trên smartphone của Huawei. Theo số liệu từ Clarivate Analytics, số lượng sáng chế về phần cứng AI của công ty này những năm gần đây đã vượt Nvidia - đại diện hàng đầu đến từ Mỹ.

Số lượng sáng chế phần cứng AI của Cambricon Technologies (bên trái) nộp tại Mỹ (màu xanh) và Trung Quốc (màu đỏ) đều cao hơn Nvidia. Nguồn: Clarivate Analytics.
Số lượng sáng chế phần cứng AI của Cambricon Technologies (bên trái) nộp tại Mỹ (màu xanh) và Trung Quốc (màu đỏ) đều cao hơn Nvidia. Nguồn: Clarivate Analytics.

Những năm qua, các công ty Trung Quốc thường bị nghi ngờ về tính sáng tạo. Thêm vào đó, việc chỉ nộp bằng sáng chế trong nước khiến không ít người nghi ngờ về giá trị của công nghệ. Tuy nhiên, Cambricon là một ngoại lệ, bởi một phần đáng kể trong danh mục bằng sáng chế AI của hãng này nộp tại Mỹ hoặc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới.

Phần cứng, trong đó có chip AI được đánh giá ngày càng quan trọng, là bộ não của bất kỳ hệ thống AI nào. Việc đào tạo và triển khai các hệ thống này đòi hỏi một lượng lớn dữ liệu và phần cứng có thể xử lý song song trong khi vẫn duy trì việc tiêu thụ điện năng thấp.

Trong quá khứ, việc triển khai AI đòi hỏi chip phải đi kèm bộ xử lý đồ họa (GPU) mạnh mẽ. Tuy nhiên, một số công ty Trung Quốc gần đây đã tự nghiên cứu phần cứng mới không phụ thuộc vào GPU, nhưng vẫn có thể vận hành trơn tru hệ thống AI.

Cho đến nay, các công ty Trung Quốc đã có thể tự hài lòng khi đạt được một số thành công nhất định về phần cứng AI, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, việc tiến ra những thị trường bên ngoài còn gặp nhiều khó khăn. Giới chuyên gia cho rằng, những hạn chế xuất khẩu mà Bắc Kinh vừa đưa ra hôm 28/8 sẽ khiến tham vọng vươn ra thế giới của những công ty như Cambricon Technologies càng thêm khó. Họ không chỉ phải đối mặt với sự cạnh tranh của các công ty cùng lĩnh vực, mà còn có nguy cơ gặp các rào cản từ phương Tây như Huawei đang mắc phải. "Các công ty Trung Quốc đang có những thuận lợi với kho bằng sáng chế đã tạo ra, nhưng vẫn còn phải xem liệu họ có thể biến điều đó thành lợi thế để thành công về mặt thương mại hay không", một chuyên gia nhận định.

Theo VnExpress