Nơi nhận đào tạo phi công cho Vietnam Airlines
“Đúng ra, chúng ta cũng có thể gọi đây là Airbus Singapore Airlines Training Center (Trung tâm huấn luyện Airbus - Hàng không Singapore) vì thực ra cơ sở này là một liên doanh giữa Airbus và Singapore Airlines,” ông Fabrice Brégier, Chủ tịch Tổng giám đốc Airbus, phát biểu tại lễ khánh thành trước nhiều quan khách gồm ông Goh Choon Phong, TGĐ Hãng Hàng không quốc gia Singapore và Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore S Iswaran.
Hai đối tác đã quyết định thành lập liên doanh chuyên về huấn luyện đào tạo phi công tại sự kiện Singapore Airshow 2014. Liên doanh Airbus Asia Training Center (AATC) có vốn đầu tư 100 triệu USD, phía Airbus góp 55%, Singapore Airlines góp 45%. Và kết quả đầu tiên là một cơ sở hiện đại tọa lạc trên lô đất rộng hơn 9.200 m2 với không gian đủ để đặt tổng cộng 10 dàn mô phỏng buồng lái máy bay (Full flight simulators - FFS) đã chính thức đi vào hoạt động.
Đáng kể hơn nữa là dù mới ở bước đầu hoạt động nhưng liên doanh Airbus-Singapore Airlines này đã nhận được hợp đồng huấn luyện phi công từ 17 hãng khách hàng, từ Singapore Airlines; Japan Airlines; China Airlines; Royal Brunei Airlines, Philippine Airlines... đến Vietnam Airlines, Virgin Australia; Kuwait Airways; Qantas; Qatar Airways.
Trong số các hãng đã ký hợp đồng với AATC còn có những hãng vé rẻ như Bangkok Airways; Cebu Pacific; Lion Air; Tiger Airways; Philippine Airlines Express...
Dàn cố định mô phỏng lái máy bay - Ảnh: P.Ng.Dũng |
Các nhà điều hành AACT tin tưởng sẽ còn nhận được thêm nhiều khách hàng vì cơ sở huấn luyện đặt tại Singapore mà tự thân nó đã là một trục hàng không quốc tế lớn. Việc gửi học viên đến Singapore còn giúp các hãng hàng không châu Á giảm đáng kể chi phí huấn luyện phi công (đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí) so với việc gửi đi huấn luyện tại Pháp hay tại Mỹ.
Dạy lái các loại máy bay Airbus, cả siêu máy bay A350
Hơn thế nữa, AACT là cơ sở đầu tiên ở châu Á-Thái Bình Dương nhận huấn luyện phi công lái dòng máy bay mới nhất của Airbus là A350-XWB. Mà các hãng châu Á đặt mua sản phẩm này thì khá nhiều, gồm Vietnam Airlines (đang khai thác 4 chiếc A350-900 XWB); Singapore Airlines (đã nhận về 1 chiếc và còn nhận thêm 66 chiếc); Asiana Airlines (30 chiếc); AirAsia X (10 chiếc); Cathay Pacific (sắp nhận chiếc đầu tiên trong đơn hàng 46 chiếc); China Airlines (14 chiếc); Hong Kong Airlines (15 chiếc); Japan Airlines (31 chiếc); Thai Airways (4 chiếc); Sri Lankan Airlines (4 chiếc). Philippine Airlines thì đã ký biên bản ghi nhớ sẽ mua 6 chiếc A350-900.
Theo Airbus, đến năm 2019, trong AATC có đủ 8 dàn mô phỏng buồng lái, gồm hai mô phỏng buống lái A320; 2 mô phỏng buồng lái A330; 1 mô phỏng buồng lái A380 và 3 mô phỏng buồng lái A350. Còn hai buồng mô phỏng khác nữa sẽ được đặt vào hai vị trí còn trống khi có nhu cầu.
Ngoài các FFS ra, trong trung tâm còn có 6 dàn mô phỏng cố định để học viên làm quen với việc điều khiển từng dòng máy bay Airbus. Như vậy, AACT là trung tâm đào tạo phi công lớn nhất của Airbus trên thế giới.
Mô phỏng buồng lái máy bay A320 mới nhất - Ảnh: P.Nguyễn Dũng |
Bên trong mô phỏng buồng lái A320 - Ảnh: P.Nguyễn Dũng |
Hiện nay nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới này còn có một trung tâm huấn luyện phi công tại Toulouse, miền Nam nước Pháp (với 6 mô phỏng buồng lái các dòng A300/A310; A320; A330; A350 XWB và A380); một tại Miami, Florida (7 mô phỏng buồng lái các dòng máy bay A320; A330 và A350-XWB) và một tại Bắc Kinh, Trung Quốc (3 dàn mô phỏng buồng lái A320 và 1 mô phỏng buồng lái A330/A340)).
Mỗi năm AACT có khả năng cung cấp các khóa học khác nhau cho 10.000 học viên.
Sở dĩ AATC có quy mô lớn hơn vì dự báo của Airbus, châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh (ở mức 5,6% mỗi năm) trong thời gian 20 năm tới, trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới vào năm 2034 nên sẽ cần thêm rất nhiều máy bay mới trong những năm tới nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển của người dân. Thêm nhiều máy bay cũng có nghĩa là thêm rất nhiều phi công (nếu tính trung bình nhu cầu sử dụng 12 phi công cho mỗi chiếc máy bay).
Trong tổng số trên 5.000 chiếc máy bay Airbus các loại đang hoạt động tại nhiều hãng khắp thế giới có 31% là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Và trong số trên 2.200 máy bay mà Airbus còn phải lắp ráp hoàn chỉnh để giao cho các khách hàng có 34% là các hãng thuộc châu Á.
Chương trình huấn luyện do AATC cung cấp đã nhận được sự xét duyệt, chuẩn thuận từ Cơ quan quản trị hàng không châu Âu (EASA) và Cục Hàng không dân dụng Singapore (CAAS).
Mô phỏng buồng lái máy bay A350 XWB - Ảnh: P.Nguyễn Dũng |
Cần hiểu rõ rằng AATC không là trung tâm đào tạo phi công lái máy bay thương mại mà là cơ sở huấn luyện phi công lái các dòng máy bay Airbus (từ loại nhỏ như A320 qua loại lớn A330, loại lớn thân rất rộng A350 và loại khổng lồ A380); chuyển đổi từ dòng máy bay Airbus này sang dòng máy bay Airbus khác cũng như chuyển đổi từ lái máy bay của nhà sản xuất khác sang lái máy bay Airbus.
Ngoài ra AATC cũng nhận cung cấp những khóa học nâng cấp cho phi công đã có kinh nghiệm điều khiên máy bay thương mại và nhận đào tạo những phi công đã có nhiều kinh nghiệm lái máy bay trở thành những chuyên gia huấn luyện/đào tạo phi công.
Trong 20 năm tới, thị trường hàng không châu Á-Thái Bình Dương sẽ như sau:
- Từ khoảng 5.600 máy bay thương mại hiện nay tăng thành 14.000 chiếc,
- Cần thêm 8.330 máy bay thân hẹp, một lối đi (toàn thế giới cần 23.000 chiếc)
- Cần thêm 4.480 máy bay thân rộng, hai lối đi (toàn thế giới cần 8.100 chiếc)
- Trong số 4.480 chiếc kể trên có 720 chiếc khổng lồ (toàn thế giới cần 1.550 chiếc)
- Số phi công còn tuổi bay từ trên 65.000 hiện nay sẽ tăng lên gần 170.000
Theo Thanh Niên