Temu không như lời đồn, người tiêu dùng Việt bắt đầu nghi ngại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(VietTimes) – Ngoài vấn đề giá cả, chất lượng, người dùng cũng phản ánh về dịch vụ vận chuyển và đổi trả của Temu, cho rằng thời gian giao hàng chậm, quy trình đổi trả phức tạp.

Temu không như lời đồn, người tiêu dùng Việt bắt đầu nghi ngại

Vài ngày gần đây, mạng xã hội xôn xao về sàn thương mại điện tử (TMĐT) Temu tuy vừa hoạt động tại thị trường Việt Nam nhưng đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ nhờ quảng cáo khuyến mãi đậm, thời gian nhận hoàn trả kéo dài tới 90 ngày, miễn phí vận chuyển,...

Temu trở thành một đề tài được thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội. Mặc dù tạo được tiếng vang lớn ban đầu, những trải nghiệm đầu tiên của người tiêu dùng đa phần không tích cực cho Temu.

Giá sản phẩm trên Temu không rẻ như lời đồn

Chị Phương Minh Châu (Ba Đình, TP. Hà Nội) chia sẻ với VietTimes về thói quen mua sắm các mặt hàng thiết yếu cho bản thân và gia đình. Đã gần 3 năm nay, chị có thường ưu tiên mua sắm qua các sàn TMĐT như Shopee, TikTok, Lazada do tiện lợi, giá thấp hơn so với mua trực tiếp tại cửa hàng. Trước “bão” thông tin về Temu từ mạng xã hội, chị cho biết đã tò mò tìm hiểu và cài đặt ứng dụng của sàn TMĐT mới này theo link bạn bè gửi.

Chị đã thử so sánh với giá bán một số sản phẩm trên vài sàn TMĐT hoạt động ở Việt Nam, đang thu hút lượng người dùng lớn để xem hàng của Temu có rẻ như quảng cáo.

Khi mở ứng dụng Temu, chị Minh Châu thất vọng. Khác với lời truyền tai, nhiều mặt hàng trên Temu giá cao hơn so với các sàn TMĐT đã quen thuộc với người Việt.

Ngón tay vuốt trên smartphone chuyển liên tục giữa ứng dụng Temu và S., chị Minh Châu cho biết: Đối với đa phần các sản phẩm chị tìm kiếm, nhà bán hàng trên 2 sàn dùng chung 1 ảnh giới thiệu sản phẩm, nhưng giá trên Temu cao hơn so với sàn S..

Cụ thể, với cùng một kiểu dáng, chiếc áo len sọc của nam giới giá trên Temu cao hơn trên sàn TMĐT nổi tiếng khác gần 50.000 đồng; giá chiếc áo hoa Chiffon trên sàn Temu cao hơn gần 30.000 đồng. Chiếc váy nỉ 2 lớp trẻ em cũng vậy, giá vênh khoảng 20.000 đồng.

Temu 2.png
temu ao.png
Giá của nhiều sản phẩm trên sàn Temu cao hơn so với sản phẩm được quảng cáo tương tự trên các sàn khác.

“Sàn Temu không chiếm ưu thế về giá. Tuy nhiên, Temu có điểm được đánh giá cao hơn các sàn TMĐT khác là mẫu mã cực kỳ phong phú, nhiều sàn khác không có. Người mua trực tuyến quen rồi mà nhìn vào sản phẩm trên Temu còn bị ngợp”, chị Châu bày tỏ.

Chị cũng cho biết, thời gian qua, trên mạng truyền đi nhiều thông tin về sàn Temu, rằng giá rẻ, có cơ chế chia sẻ lợi nhuận. Vì thế, chị cài đặt ứng dụng với mong muốn săn sale, mua được sản phẩm tốt, giá rẻ, góp phần làm giảm áp lực chi tiêu của gia đình. Tuy vậy, chị không ngờ giá lại cao hơn nhiều so với các sàn khác, mặc dù đã áp mã giảm giá. Hơn thế nữa, cơ chế đổi trả, bảo hành của sàn Temu cũng chưa rõ ràng. Chị Châu bày tỏ băn khoăn “nếu hàng chất lượng kém, bị hư hỏng thì người mua không biết phải kêu ai”.

Cùng nhận định với chị Châu, nhiều người dùng chung ý kiến rằng giá cả trên Temu không rẻ, thậm chí còn cao hơn sàn S.. Theo thống kê mới đây của YouNet Media, số người thất vọng về giá cả trên Temu chiếm hơn 10% lượng thảo luận. Nhiều ý kiến thẳng thắn nêu: “Soi giá thì thấy cũng chưa rẻ” “Đắt quá mà kêu rẻ, sàn S. vẫn rẻ nhất”, “Vào mua còn đắt hơn gấp 10 lần so với sàn S.”,...

Cùng với đó, chất lượng sản phẩm kinh doanh trên Temu cũng bị nhiều người dùng tỏ ý nghi ngờ (chiếm 5% lượng thảo luận).

Ngoài vấn đề chất lượng, người dùng cũng phản ánh về dịch vụ vận chuyển và đổi trả của Temu, cho rằng thời gian giao hàng chậm, quy trình đổi trả phức tạp. Chính sách không hỗ trợ thanh toán khi nhận hàng cũng là điểm trừ, khi gần 5% thảo luận bày tỏ lo ngại về rủi ro bảo mật tài khoản khi cung cấp thông tin thẻ tín dụng.

Cơ hội từ Temu không “dễ ăn”

Trao đổi với VietTimes, YouNet Media cho biết từ ngày 25/9 đến 25/10, đề tài thảo luận về nền tảng Temu đã thu hút hơn 410 nghìn lượt tương tác từ hơn 7,1 nghìn bài đăng và 36,85 nghìn thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam.

Temu 2.png
Theo thống kê của YouNet Media.

Đặc biệt, vào ngày 22/10/2024, Temu gây chú ý khi tung ra chương trình tiếp thị liên kết (Affiliate) cho người dùng tại Việt Nam, mở ra cơ hội mới cho các nhà sáng tạo nội dung và người bán hàng kiếm thêm thu nhập. Sự kiện này đã khiến số lượng thảo luận về Temu tăng vọt hơn 400%, ghi nhận mức trung bình 51,3 nghìn tương tác và 4,5 nghìn thảo luận mỗi ngày trong ba ngày từ 22 đến 24/10.

“Affiliate” là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất trên MXH về Temu. YouNet Media ghi nhận cứ 10 thảo luận liên quan đến Temu từ 25/9 đến 25/10 thì có 2 thảo luận liên quan đến chương trình tiếp thị liên kết (affiliate marketing). Nhiều người dùng MXH xem đây là một trong những làn sóng kiếm tiền mới. Đặc biệt thu hút tương tác là những bài đăng khoe số tiền kiếm được trên Temu lên đến hàng trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, không ít người dùng lên tiếng “cảnh tỉnh” rằng cơ hội này không “dễ ăn” khi người được giới thiệu phải mua hàng thì người giới thiệu mới được rút tiền. Số khác lo ngại về việc sàn hoạt động không chính thức và kêu gọi kiểm tra tính hợp pháp.

15% số thảo luận của người dùng MXH về Temu là bày tỏ quan ngại về việc Temu chưa đăng ký kinh doanh tại Việt Nam. Tiêu biểu một số bình luận được tương tác nhiều như: “Temu theo kiểu đa cấp", "Giới thiệu người lại ăn phần trăm người sau”, “Rút được tiền hay không thì Temu không hề nói”,...

Theo số liệu mới nhất từ YouNet ECI, người tiêu dùng Việt Nam đã chi 87.370 tỉ đồng để mua sắm trên bốn sàn thương mại điện tử chính trong quý II/2024. Trong đó, Shopee hầu như thống lĩnh thị trường với 71,4%, tiếp theo là TikTok Shop với 22%, Lazada với 5,9%.