Bị tố bán chui, Temu tức tốc xin gia nhập thị trường thương mại điện tử Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nam miền Nam

Temu vừa có văn bản xin giấy phép hoạt động gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) chỉ sau 1 ngày bị tố chưa tuân thủ pháp luật về thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường.

Temu tham gia vào thị trường Việt Nam gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Temu tham gia vào thị trường Việt Nam gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Ngày 24/10, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết Temu vừa có văn bản về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam khi gia nhập thị trường.

Trước đó chỉ một ngày, ngày 23/10, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thông tin cho biết theo quy định, các sàn thương mại điện tử nước ngoài muốn hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký theo Nghị định 52 và Nghị định 85 sửa đổi về TMĐT.

Tuy nhiên, Temu chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Temu là sàn TMĐT xuyên biên giới, được thành lập bởi một doanh nghiệp Trung Quốc vốn là nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay. Gần đây, Temu mở tính năng bán hàng tại Việt Nam và chạy quảng cáo rầm rộ đến người tiêu dùng.

Trước thực tế trên, Bộ Công thương cho biết sẽ có phương án giải quyết về trường hợp của Temu, trong đó trường hợp xấu nhất là yêu cầu sàn TMĐT này dừng hoạt động tại Việt Nam.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là Tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, cơ quan quản lý thừa nhận thực tế, vẫn có nền tảng chưa tuân thủ quy định này.

Liên quan đến việc Temu tham gia vào thị trường Việt Nam gây xôn xao thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thông tin Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử trung bình 25%/năm, thuộc top đầu so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á.

Thị trường bán lẻ thương mại điện tử ước đạt 20,5 tỉ USD năm 2023, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến hiện đang vượt ngưỡng 61 triệu người và giá trị mua sắm trực tuyến của một người vào khoảng 336 USD.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng như Tổng cục Quản lý thị trường, Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, kiểm soát các hàng hoá, sản phẩm từ các nền tảng xuyên biên giới; Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng, có những biện pháp tuyên truyền kịp thời đến người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về những rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới.