Sẽ có những "đặc khu công nghệ"
Tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI, diễn ra sáng 15/1, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra định hướng thu hút nhân tài đóng góp cho lĩnh vực công nghệ.
Nhắc tới Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh yếu tố nhân tài. Ông khẳng định có rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã thành danh về công nghệ và kêu gọi đã đến lúc họ về Việt Nam hoặc kết nối với Việt Nam để xây lên những doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
“Nhân tài có đặc tính toàn cầu. Việt Nam chúng ta sẽ tạo ra tiền đề để nhân tài toàn cầu hội tụ về đây, cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới, với cách tiếp cận Sandbox, chấp nhận rủi ro: Cái gì chưa biết quản lý thế nào thì sẽ không cấm mà cho phép thử nghiệm có kiểm soát”.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ sẽ có những "đặc khu công nghệ", "đặc khu đổi mới sáng tạo" với nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho doanh nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo.
Công nghệ Việt Nam giải bài toán toàn cầu
Tại diễn đàn Công nghệ số, Bộ trưởng Hùng nhắc tới trăn trở của đất nước trong việc tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững, khát vọng về một Việt Nam hùng cường thịnh vượng. Bộ trưởng cho rằng câu trả lời chung cho những trăn trở đó là công nghệ.
“Công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam một cách hiệu quả. Việt Nam, với những vấn đề của mình, chính là thị trường để sinh ra và phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Việt Nam cũng là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ từ Việt Nam đi ra toàn cầu, giải những bài toán toàn cầu”, ông Hùng nói.
Make in Viet Nam là sáng tạo, thiết kế, sản xuất tại Việt Nam và bởi các doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ là khẩu hiệu, Make in Viet Nam nay đã là tinh thần tự cường, làm chủ ứng dụng và làm chủ công nghệ.
Khái niệm “Make in Viet Nam” lần đầu được đưa ra tại Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ nhất năm 2019 với chủ trương: “Nghiên cứu tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam”.
Make in Viet Nam đã trở thành nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Sau 5 năm, khái niệm này đã trở thành khẩu hiệu quốc gia, định hướng phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số nước nhà.
Theo Bộ trưởng, Make in Viet Nam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hoà bình lâu dài, vì nó góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh hùng mạnh.
“Chiếc nỏ thần bảo vệ Việt Nam sẽ chỉ có thể do người Việt Nam làm ra”, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nói.
Nhắc tới phong trào Make in Viet Nam vừa tròn 5 năm triển khai, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết phần giá trị đóng góp của các sản phẩm Make in Viet Nam trong công nghiệp công nghệ số đã tăng từ 20% (năm 2019) lên 32% (năm 2025).
Năm 2024, giá trị Việt Nam trong 158 tỷ USD của ngành công nghiệp công nghệ số là 32%. Mục tiêu giá trị Việt Nam sẽ trên 50% vào năm 2030. Đây là mục tiêu rất cao nhằm đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy gia công, thoát bẫy thu nhập trung bình.
Trong những năm qua, Make in Viet Nam đã được cộng đồng doanh nghiệp không chỉ trong lĩnh vực công nghệ số hưởng ứng mà đã tạo hiệu ứng tích cực trong tất cả các ngành, lĩnh vực khác; cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã thay đổi tư duy, định hướng sáng tạo, sản xuất các sản phẩm chất lượng của người Việt cho thị trường trong nước và định hướng toàn cầu. Các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam đã được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận và đi ra thị trường nước ngoài.
Hiện nay, doanh nghiệp công nghệ số ngày càng đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế. Năm 2024, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt 158 tỷ USD, Tổng số nhân lực đạt 1,67 triệu người. Toàn ngành có 73.788 doanh nghiệp đang hoạt động.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu