Điều kiện cần và đủ để có chip “Make in Vietnam”
Gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Thiết kế vi mạch, ông Nguyễn Thanh Yên, thành viên Ban Quản trị Cộng đồng Vi mạch Việt Nam, hiểu khá rõ những “điểm sáng” cũng như những “gam màu xám” của ngành chip Việt Nam.
“Tôi đã trải qua gần 20 năm làm nghề, bắt đầu với một công ty khởi nghiệp, rồi ra nước ngoài làm cho một công ty nằm trong danh sách những công ty bán dẫn lớn nhất thế giới. Sau đó tôi lại về Việt Nam với khát vọng trở thành công ty nội địa đầu tiên có thể tự kiếm tiền bằng nghề, và hiện tại đang xây dựng một đội ngũ kỹ sư người Việt tham gia dự án tầm cỡ thế giới sử dụng tiến trình công nghệ tiên tiến nhất - 5nm. Ở mỗi nơi, tôi đều có những kỷ niệm thú vị, nhưng kỷ niệm thú vị nhất tôi muốn chia sẻ với bạn là con chip đầu tiên trong đời của tôi”, ông Yên mở đầu câu chuyện với phóng viên VietNamNet.
Năm 2004, đang là sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa Hà Nội, Nguyễn Thanh Yên trúng tuyển vào một công ty mới khởi nghiệp, chuyên về sản phẩm chip quản lý nguồn, được sáng lập bởi một doanh nhân người Mỹ có thời thơ ấu sống ở Việt Nam.
Sau khoảng thời gian đào tạo, Nguyễn Thanh Yên cùng một bạn nữa được giao nhiệm vụ thiết kế một con chip LDO có 3 chân chức năng ổn định điện áp rất đơn giản, mạch điện chỉ chứa trong một trang giấy khổ A4.
“Khi nhận được tin con chip của mình được đưa đi sản xuất (tape-out), tôi rất sung sướng. Tôi chạy một mạch lên sân thượng và hét lên thật to. Đó là vào một đêm mùa đông, gần Tết”, ông Yên kể.
Tuy nhiên, sau đó 3 tháng, cầm trên tay con chip bé xíu, hàn vào bo mạch, bật điện và bắt đầu kiểm tra đo đạc thì con chip… không chạy. Loay hoay nửa ngày, không biết phải làm sao, Nguyễn Thanh Yên chạy vào phòng của Giám đốc nhờ giúp đỡ.
“Giám đốc là người dạy tôi rất nhiều trong việc thiết kế ra con chip. Tôi nghĩ anh ấy sẽ lại giúp mình như mọi lần. Nhưng câu trả lời của anh đã trở thành “kỷ niệm thú vị” nhất đối với tôi, đã theo tôi trong suốt hành trình gần 20 năm qua và sẽ còn theo tôi thêm nhiều năm sau nữa. Anh nói: “Chip là em thiết kế, có phải của anh đâu, em phải là người chịu trách nhiệm chứ”. Chắc không phải nói thêm, các bạn cũng hiểu cảm giác lúc đó của tôi là như thế nào”, ông Yên cười.
Trải qua tiếp 6 tháng vẫn không thể tìm ra vấn đề, cảm giác ngày càng tệ, hoang mang như đâm đầu vào tảng đá lớn, không biết phải làm gì tiếp. Tới khi tưởng chừng như phải giơ tay đầu hàng, thì trong một lần đi làm FIB (kỹ thuật nối dây sau khi chip đã được sản xuất), ngẫu nhiên do nhầm lẫn trong quá trình làm việc, Nguyễn Thanh Yên đã tìm ra nguyên nhân tại sao chip lại không chạy, đó là thông tin nhà máy sản xuất (FAB) đưa cho không đầy đủ khi linh kiện BJT hoạt động ở điều kiện dòng điện rất thấp - dưới 10nA, nên khi chạy mô phỏng đã không thể phát hiện ra vấn đề.
“Cho đến tận bây giờ, thâm tâm tôi vẫn thầm cảm ơn câu nói ngày đấy của anh Giám đốc. Đã là kỹ sư thiết kế thì không đơn giản chỉ dừng lại ở việc vẽ mạch, mô phỏng, kiểm tra chạy đúng theo thông số trong tài liệu đặc tả kỹ thuật, mà phải chịu trách nhiệm tới cùng cho bản thiết thiết kế của mình. Tất nhiên, con chip đó của tôi không bao giờ xuất hiện trên thị trường vì 6 tháng là đủ để đối thủ vượt qua chúng tôi, cho ra thị trường trước một con chip có tính năng tương tự. Rất may cho tôi là dù gây thiệt hại cho công ty nhưng vẫn không bị đuổi việc và con chip thứ hai tôi tham gia thiết kế lại có doanh số bán hàng khá tốt”, ông Yên vui vẻ nhớ lại kỷ niệm xưa.
Quay lại với thực tại, ông Yên lưu ý: Các công ty đang hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip ở Việt Nam hiện có khá nhiều kỹ sư người Việt được tham gia vào khâu thiết kế, đó là khâu bắt buộc phải nắm được và làm chủ được. Chúng ta đang có sẵn một đội ngũ lành nghề. Đội ngũ này sẽ ngày càng đông lên khi các công ty, tập đoàn lớn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
“Việt Nam đang sở hữu đội ngũ thiết kế chip khoảng 5.000 kỹ sư lành nghề ở tất cả các công đoạn trong quy trình thiết kế. Cùng với đó là lực lượng đông đảo học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu, có tố chất thiên về những ngành nghề kỹ thuật. Đó là điều kiện cần. Tuy nhiên, Việt Nam còn đang có hạn chế về tính sở hữu của thiết kế. Nếu hiểu “Make in Vietnam” theo nghĩa chúng ta là người sở hữu các thiết kế, các con chip và tự chủ thương mại hóa (bán hàng) thì chúng ta đang nhìn thấy đó là hạn chế trong điều kiện đủ”, ông Yên trả lời câu hỏi “Đâu là những điều kiện cần và đủ để có chip “Make in Vietnam”.
Còn “khoảng trống” cần lấp
Theo ông Yên, lĩnh vực sản xuất chip ở Việt Nam gần như chưa có nền tảng gì đáng kể. Gần đây, chúng ta nghe được tin Samsung bắt đầu mở rộng sang khâu đóng gói chip cao cấp tại Việt Nam, hay dự kiến thành lập nhà máy đóng gói và kiểm định chip máy tính của Intel Việt Nam, hãng ON semi, hãng Hana Micron, hãng Amkor… Các công ty này đều là công ty có vốn đầu tư trực tiếp ở nước ngoài. Trong các nhà máy, họ sử dụng quy trình có tính tự động hóa rất cao, máy móc đóng vai trò chủ yếu.
Còn các công ty Việt Nam chưa tham gia được vào hệ sinh thái sản xuất bán dẫn.
“Tôi nghĩ, hiện tại Việt Nam chưa thực sự sẵn sàng trong hoạt động sản xuất chip “Make in Vietnam”, nếu có thì chúng ta chỉ là nơi cung cấp nguồn nhân lực trong hoạt động đóng gói kiểm thử hoặc lĩnh vực phụ trợ trong hoạt động sản xuất chip. Hàng năm, chúng ta có hơn nửa triệu học sinh đăng ký xét tuyển đại học. Chỉ cần một phần nhỏ trong số này đăng ký học ngành vi mạch thì vài năm tới chúng ta sẽ có đội ngũ nhân lực đông đảo, đảm bảo yếu tố nguồn nhân lực cho bất kỳ kế hoạch đầu tư phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam nào nếu có trong tương lai”, ông Yên nhận định.
Gần đây, một số doanh nghiệp Việt công bố đã sản xuất được chip “Make in Vietnam”. Chia sẻ cảm nghĩ cá nhân về câu chuyện này, ông Yên cho hay: Nói tới vi mạch là nói về sản xuất hàng loạt, số lượng vô cùng lớn. Lấy ví dụ một tấm wafer có đường kính khoảng 200mm có thể tạo ra khoảng 20.000 chip có kích thước 1mm^2, một nhà máy bán dẫn cỡ trung có năng lực sản xuất 50.000 wafer/tháng thì chỉ tính riêng một nhà máy này có thể sản xuất hơn một tỷ chip/tháng.
“Một thiết kế khi đưa vào sản xuất, giả sử chỉ cần 1/10 năng lực sản xuất của một nhà máy cỡ trung thì mỗi mẻ sản xuất cũng sẽ tạo ra hàng trăm triệu chip. Cá nhân tôi nghĩ vẫn còn một chặng đường khá dài và còn nhiều chông gai đối với các doanh nghiệp Việt trước khi đạt tới mốc bán ra 1 tỷ chip”, ông nói.
Ngành công nghiệp bán dẫn có phạm vi rất rộng, bao gồm: Thiết kế; sản xuất; đóng gói; máy móc, nguyên vật liệu cho sản xuất; công cụ máy tính hỗ trợ thiết kế sản xuất…
Chip ngày càng có mật độ tích hợp cao. Để cho ra đời một con chip đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên. Chip sau đó lại đóng vai trò là vật tư đầu vào của ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện tử.
“Nếu hiểu chip “Make in Vietnam” là Việt Nam sở hữu hay đóng góp phần lớn trong chuỗi giá trị thì chip Việt cần sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng trên phạm vi toàn cầu cả về chất lượng, giá thành và năng lực sẵn sàng đáp ứng giao các đơn đặt hàng đúng thời hạn. “Khoảng trống” chúng ta cần phải lấp chính là khoảng cách của người xuất phát muộn, hay nói cách khác chúng ta cần tìm ra cách để có thể đi nhanh hơn”, vị chuyên gia thiết kế vi mạch chia sẻ.
Khoảng vài tháng nay, câu chuyện Việt Nam trở thành “người được chọn” trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu thế hệ mới đã truyền cảm hứng tích cực cho cộng đồng vi mạch bán dẫn trong nước.
“Người được chọn” là cách nói mang ý nghĩa truyền tải thông điệp về việc Việt Nam đang đứng trước cơ hội có một không hai để có thể tham gia sâu hơn, đóng vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu.
Đại dịch Covid-19 ập đến khiến cả thế giới giật mình nhận ra tầm quan trọng của sự đa dạng trong chuỗi cung ứng chip bán dẫn. Các hãng xe ô tô nổi tiếng thế giới tới đây sẽ không cho phép xảy ra việc không thể ra lò mẫu xe mới đúng hạn chỉ vì thiếu một linh kiện bán dẫn từ Trung Quốc.
Việt Nam có vị trí địa lý rất đặc biệt. Nếu lấy Việt Nam là tâm với bán kính compa bằng 4 tiếng bay thì gần như sẽ bao quát khu vực rất rộng lớn của Châu Á. Đây là khu vực chiếm tỷ trọng lớn của thị trường bán dẫn toàn cầu, được cho là nơi định hình sự phát triển trong tương lai của lĩnh vực bán dẫn. Vị trí cho phép tối ưu về chi phí logistics, hạ tầng ngày càng hoàn thiện đang mang lại lợi thế về vị trí địa lý rất lớn cho Việt Nam.
Trong lĩnh vực bán dẫn, Hoa Kỳ là cái nôi phát triển của các công ty công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp. Hoa Kỳ sẽ luôn vận động để khẳng định vị trí số 1 về công nghệ trên toàn cầu, họ có khả năng dẫn dắt thị trường, phân bổ, tái định vị lại chuỗi giá trị. Việc Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện là một cơ hội để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Thêm nữa, trong hơn 20 năm qua, các kỹ sư Việt Nam đã dần chứng minh được năng lực trong công việc, từ đó, chiếm được lòng tin của các cấp quản lý ở nước ngoài.
Hiện nay, các kỹ sư Việt Nam được giao những công việc đòi hỏi chuyên môn cao và nhiều thách thức trong các dự án thiết kế chip. Ngày càng có nhiều dự án quan trọng có sự tham gia của các kỹ sư làm việc tại văn phòng Việt Nam, và ngày càng có thêm nhiều công ty lớn quyết định đặt văn phòng hoặc mở rộng quy mô kỹ sư thiết kế chip ở Việt Nam.
Đặc biệt những năm gần đây, số lượng kỹ sư từ Việt Nam ra nước ngoài làm việc cho các công ty nằm trong Top 15 các công ty vi mạch bán dẫn lớn nhất toàn cầu đã gia tăng đáng kể. Hơn 10 năm trước, điều này là hiếm hoi vì hồ sơ xin việc của kỹ sư chỉ làm việc ở Việt Nam thường không được đánh giá cao.
“Như tôi đã đề cập lúc nãy, khâu thiết kế có vai trò quan trọng. Chính lực lượng kỹ sư thiết kế người Việt đang là “mỏ neo” giữ các công ty, tập đoàn bán dẫn lớn tiếp tục đầu tư ở Việt Nam. Đó là những tiền đề rất quan trọng. Tận dụng được cơ hội cùng với sự đầu tư đúng trọng điểm, tôi tin chúng ta sẽ sớm có chip “Make in Vietnam” đủ sức cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường thế giới”, ông Yên nhấn mạnh.
Khát vọng lớn của Việt Nam
Ở Việt Nam, chỉ 4 năm sau ngày thống nhất, vào tháng 9/1979, Nhà máy bán dẫn Z181 được thành lập, bắt đầu thực hiện các hợp đồng sản xuất, xuất khẩu diode, transistor.
Tới cuối những năm 80 đầu những năm 90 thế kỷ trước, do biến động chính trị thế giới, nhà máy không còn những đơn hàng sản xuất bán dẫn nữa, và việc sản xuất, đóng gói chip vi mạch của nhà máy Z181 phải dừng lại.
Trong điều kiện vô cùng khó khăn về vật liệu, không đủ điện năng ưu tiên dành cho việc nghiên cứu, các kỹ sư Việt Nam vẫn đạt được một số thành tựu nhất định, rất đáng tự hào trong gần 10 năm hoạt động, góp phần đánh dấu và đặt nền móng cho lĩnh vực thiết kế chế tạo vi mạch Việt Nam.
Đến cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, các kỹ sư người Việt Nam ở nước ngoài về nước, bắt đầu cho thời kỳ phát triển về số lượng các kỹ sư thiết kế chip làm việc trong các trung tâm thiết kế vi mạch ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội.
Kỹ sư Việt Nam đang góp phần thiết kế ra các vi mạch dùng trong ô tô, thiết bị mạng viễn thông, và hàng tỷ thiết bị điện tử dân dụng khác được sử dụng rộng khắp trên toàn thế giới.
Có thể nói, Việt Nam đã tham gia lĩnh vực bán dẫn vi mạch từ rất sớm. Xuất khẩu chip “Make in Vietnam” không thuần túy là “giấc mơ” mà là khát vọng “thầm kín” của bao thế hệ. Làm chip đòi hỏi tính kiên trì rất cao. Việt Nam đã kiên trì hơn 40 năm và sẽ còn tiếp tục kiên trì. Chip đang đóng vai trò như một nguồn tài nguyên mới đảm bảo cho công nghiệp điện tử, nền kinh tế số phát triển. Trở thành một phần trong chuỗi cung ứng bán dẫn là lựa chọn bắt buộc cho bất cứ quốc gia, tổ chức nào muốn đi trên con đường phát triển bền vững thông qua phát triển kinh tế số.
“Chúng ta đã xuất khẩu chip “Make in Vietnam” từ thập niên 80 của thế kỷ trước, và gần đây, theo như thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, Việt Nam có công ty bắt đầu xuất khẩu chip “Make in Vietnam”. Có thể ví von vai trò của chip trong nền kinh tế số giống hạt gạo trong việc đảm bảo nuôi sống con người. Lịch sử cho thấy hạt gạo đã giúp Việt Nam thoát khỏi quốc gia nghèo đói. Và cá nhân tôi nghĩ chip “Make in Vietnam” sẽ giúp Việt Nam trở thành nước phát triển trong tương lai”, ông Yên bày tỏ.
Với góc nhìn của một chuyên gia nhiều năm gắn bó, tâm huyết với lĩnh vực thiết kế vi mạch, ông Nguyễn Thanh Yên đưa ra một loạt đề xuất để Việt Nam thực sự trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Từ góc độ quản lý nhà nước, trước mắt nên nghiên cứu tập trung vào hai nhóm chính sách gồm: Nhóm chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực; Nhóm chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong nước, hoặc khuyến khích doanh nghiệp trong nước liên doanh liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn 5 - 10 năm tới để đạt số lượng nhân lực đủ lớn, ví dụ 10.000 - 20.000 kỹ sư. Đào tạo vi mạch cần kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp. Nhà trường xây dựng các môn học thiết kế chế tạo vi mạch có tính liên kết, liên tục; lựa chọn đầu tư cho cơ sở giáo dục có lợi thế liên kết với các trường/viện quốc tế hoặc các doanh nghiệp mà họ có thể hỗ trợ cho sinh viên được trải nghiệm công việc dự án thực tế, những hoạt động chế tạo mẫu, và đảm bảo giới thiệu công việc sau khi ra trường.
Mặt khác, cần ban hành chính sách ưu đãi giảm thuế thu nhập cá nhân để thúc đẩy việc thu hút kỹ sư, chuyên gia vi mạch ở lại Việt Nam làm việc. Trong khi mặt bằng chung thu nhập của kỹ sư ở Việt Nam còn khiêm tốn so với các nước thì thuế thu nhập cá nhân của chúng ta lại khá cao, điều này không hấp dẫn các kỹ sư có kinh nghiệm ở lại Việt Nam làm việc, cũng như không thu hút sinh viên theo học lĩnh vực bán dẫn. Việt Nam đang tạo ra bất lợi về chính sách trong cuộc đua thu hút các kỹ sư vi mạch có kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam. Giữ, duy trì được đông đảo đội ngũ kỹ sư có kinh nghiệm ở Việt Nam sẽ là chìa khóa then chốt để phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tăng cường hoạt động ngoại giao nhà nước để đơn giản hóa thủ tục visa, thẻ cư trú đối với công dân Việt Nam đang làm việc trong lĩnh vực vi mạch khi sang làm việc ở Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia…, cũng như công dân của các nước và vùng lãnh thổ trên tới làm việc ở Việt Nam.
Ban hành các hướng dẫn cụ thể phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp, để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư lĩnh vực vi mạch hay các doanh nghiệp ở Việt Nam đang hoạt động trực tiếp làm về lĩnh vực vi mạch bất kể lớn hay nhỏ đều dễ dàng nhận được ưu đãi từ các chính sách thuế và hạ tầng của Chính phủ.
Bổ sung các quy định nhằm đơn giản hóa việc xuất nhập khẩu các thiết bị linh kiện điện tử, máy tính, máy chủ cho các đối tượng là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip. Vì việc đưa chip vi mạch ra thị trường rất cần hệ sinh thái các đơn vị sản xuất thiết bị điện tử để tạo ra các sản phẩm mẫu, song hiện nay, quy định về xuất nhập khẩu các thiết bị điện tử công nghệ cao đang chưa thật thuận tiện cho các đơn vị thiết kế chế tạo, sản xuất, đo kiểm sản phẩm mẫu số lượng nhỏ ở Việt Nam.
Ngoài ra, cần cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm điện tử. Việc này góp phần tạo ra nhu cầu tiêu dùng nội địa với các sản phẩm chip vi mạch thiết kế chế tạo sản xuất ở Việt Nam. Chính sách này cũng sẽ thúc đẩy tính liên kết hợp tác giữa các tập đoàn doanh nghiệp tại Việt Nam, góp phần hình thành và phát triển hệ sinh thái phát triển các sản phẩm vi mạch trong nước.
Thành lập, bảo trợ hiệp hội công nghệ vi mạch bán dẫn Việt Nam cũng là việc cần quan tâm triển khai nhằm tạo ra đầu mối thông tin nhất quán, chính thống, thuận tiện cho các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước mong muốn tìm hiểu, đóng góp phát triển lĩnh vực vi mạch ở Việt Nam, tham mưu hỗ trợ thực hiện chiến lược phát triển ngành bán dẫn.
“Gần 20 năm trước, trong một lần công tác ở thành phố Thượng Hải - Trung Quốc, tôi cùng với một số người bạn của mình đã hứa với nhau là quyết tâm làm sao đem bằng được vi mạch về Việt Nam. Cho tới tận bây giờ, tôi vẫn đang cố gắng hiện thực hóa lời hứa đấy bằng cách cố gắng hết sức góp một phần nhỏ của mình để làm sao đem lại nhiều nhất các cơ hội công việc cho các bạn trẻ Việt Nam”, ông Yên tâm sự thêm trước khi dừng câu chuyện.
Cộng đồng Vi mạch Việt Nam do một nhóm các kỹ sư đang làm việc cho các công ty thiết kế chip ở Việt Nam lập ra, với mục tiêu là tập hợp những người làm cùng lĩnh vực để cùng nhau trao đổi, chia sẻ những câu chuyện nghề.
Sau 4 năm, Cộng đồng Vi mạch Việt Nam ngày càng đón nhận nhiều sự quan tâm của xã hội và đang có hơn 24.000 thành viên cùng chung mong muốn lĩnh vực vi mạch sẽ ngày càng phát triển ở Việt Nam.
Thời gian qua, Cộng đồng Vi mạch Việt Nam đã tổng hợp và cung cấp rất nhiều thông tin có giá trị, tin cậy, thực tế về hiện trạng của lĩnh vực thiết kế vi mạch tại Việt Nam cũng như trên thế giới; Kết nối những người làm nghề cũng như những người quan tâm tới lĩnh vực thiết kế vi mạch.
Cộng đồng Vi mạch Việt Nam đang có tham vọng thúc đẩy những ý tưởng khởi nghiệp vi mạch bán dẫn ở Việt Nam trong thời gian tới.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu