Một bản tổng hợp số liệu của công ty phân tích thị trường NPD vào cuối năm 2017 cho thấy có đến 66% số laptop thông thường được bán ra có màn hình với độ phân giải thấp hơn Full HD; hầu hết trong số đó có độ phân giải cực kém, chỉ 1366 x 768 pixel. Trong thời đại ngày nay, lẽ ra các nhà sản xuất không nên tạo ra những chiếc laptop với độ phân giải màn hình thấp hơn 1920 x 1080 pixel và là một người tiêu dùng thông thái, tốt nhất bạn cũng đừng bao giờ mua những chiếc laptop như vậy,
Thế nhưng "đời không như mơ", những nhà sản xuất máy tính lại không hề lắng nghe ý kiến người tiêu dùng. Họ vẫn tiếp tục quảng bá những chiếc màn hình laptop 1366 x 768 tệ hại là "màn hình HD" - về mặt kỹ thuật thì đúng, nhưng lại gây ra những hiểu lầm tai hại. Bạn không thể gọi một ngôi nhà một tầng (gồm tầng trệt và tầng 1) là nhà cao tầng được, và do đó, màn hình 1366 cũng không xứng đáng được gọi là "độ phân giải cao" khi mà nó là độ phân giải màn hình thấp nhất mà bạn có thể tìm được trên thị trường vào thời điểm này. Khi mua sắm, bạn nên tìm một laptop với màn hình ít nhất là "Full HD" đúng nghĩa, tức là 1080p, hay 1920 x 1080. Nếu có điều kiện, bạn đừng ngại ngừng chọn những màn hình sắc nét hơn nữa, tức có độ phân giải cao hơn mức 1920 x 1080, hoặc được dán nhãn là 4K/ Ultra HD (3840 x 2160), hay 2K/ QHD (2560 x 1440).
Tại sao 1366 lại là một trò đùa?
Về cơ bản, bất kỳ tấm nền phẳng nào cũng giống như một tấm Lite-Brite (hình dưới) khổng lồ, nhưng thay vì các nút gắn trên đó (để tạo thành những hình ảnh nhất định), chúng ta có các điểm ảnh (pixel).
Lite-Brite
Số điểm ảnh càng ít, bạn sẽ càng nhận thấy hình ảnh hiển thị trên màn hình được tạo thành bởi các chấm nhỏ trông chẳng đẹp mắt chút nào, khiến mọi trải nghiệm thú vị mà bạn đáng ra được tận hưởng khi xem các đoạn phim trên YouTube, hay đọc các bài luận văn dài dằng dặc trên Microsoft Word, bỗng chốc tụt về mức... zero.
Nếu bạn đặt laptop ở đầu này một căn phòng, và đứng ở đầu kia, bạn sẽ không để ý sự vỡ hạt của màn hình 1366 x 768; nhưng ở khoảng cách thông thường khi sử dụng máy tính, tức khoảng từ 30-60cm, bạn sẽ cảm nhận được sự "khốn khổ". Theo Raymond Soneira, chủ tịch công ty kiểm tra màn hình DisplayMate, nếu bạn có một chiếc laptop màn hình 15-inch và nhìn vào màn hình từ khoảng cách 45cm, bạn sẽ cần mật độ điểm ảnh ít nhất là 190 PPI (pixels per inch - số điểm ảnh trên một inch) để không thấy sự vỡ hạt. Laptop với màn hình 14.1-inch, 13.3-inch và 11.6-inch lần lượt cần mật độ điểm ảnh là 111, 118 và 135.
Quay lại với màn hình 1366 x 768, Soneira cho biết "Tôi có một chiếc laptop như vậy, và chữ nghĩa trên màn hình trông không được mịn và vỡ hạt, làm giảm tốc độ đọc và năng suất làm việc, gia tăng nguy cơ mỏi mắt".
Tệ hơn nữa, màn hình 1366 x 768 không cung cấp đủ không gian để đọc các trang web, chỉnh sửa văn bản hay làm việc đa nhiệm. Khi đọc một số bài báo trực tuyến, chúng ta thậm chí còn không thể thấy trọn tiêu đề bài viết khi dùng màn hình độ phân giải thấp. Ví dụ, hãy nhìn vào trang web New York Times ở cả hai độ phân giải 1366 x 768 và 1920 x 1080: màn hình 1920 x 1080 hiển thị được thêm 10 dòng chữ nữa. Do đó nếu bạn dự định mua một chiếc laptop với màn hình độ phân giải thấp, hãy chuẩn bị tập làm quen với thao tác cuộn chuột liên tục khi xem web.
Hầu hết các ứng dụng và trang web cần khoảng 1.000 pixel chiều ngang để hiển thị đầy đủ nội dung. Với chỉ 1366 pixel, bạn không thể xếp vừa hai cửa sổ ứng dụng kích thước lớn cùng một lúc mà không cuộn ngang qua lại hay xếp chồng chúng lên nhau. Ngược lại, với màn hình 1920 pixel, bạn có đủ không gian để xếp hai cửa sổ cạnh nhau (2048 hay 2560 còn dư dả hơn nữa). Bạn chỉ đa nhiệm thực sự khi bạn có thể vừa soạn email ở một cửa sổ và xem web ở một cửa sổ khác ngay bên cạnh.
Cải tiến chậm chạp
Theo số liệu của NPD, vào năm 2012, 82% số laptop bán ra có màn hình độ phân giải thấp. Năm 2017, con số này giảm xuống còn 66%, và đối với các hệ thống dùng cho doanh nghiệp thì 51%. 80% số Chromebook bán ra trong năm 2017 có màn hình 1366 x 768.
Dù có khoảng 2/3 số laptop thông thường vẫn sở hữu các màn hình thuộc loại "bỏ đi", nhưng con số này đã giảm từ 72% năm 2016 và 84% năm 2015. Năm 2015, 78% các hệ thống máy dùng cho doanh nghiệp có màn hình độ phân giải thấp, tức là đã giảm đến 27% chỉ trong vòng 2 năm.
Nhà phân tích Stephen Baker của NPD cho biết các laptop màn hình 1366 x 768 phổ biến đến vậy là bởi các nhà sản xuất muốn... tiết kiệm tiền.
"Họ thường phải đưa ra lựa chọn dựa trên mong muốn của người tiêu dùng (hoặc doanh nghiệp) và việc hạ độ phân giải màn hình sẽ giúp dễ bán hơn (và cắt giảm giá thành để bán máy rẻ hơn) thay vì thay đổi chip xử lý, RAM, hay đôi lúc là cân nặng và độ dày" - Baker nói.
Chúng ta không biết được sự khác biệt về giá giữa một tấm nền 1366 và 1080p là bao nhiêu, nhưng khi bạn sản xuất hàng ngàn chiếc PC một lúc, chỉ cần chênh nhau 10 USD thôi là chi phí đã bị đội lên hàng trăm triệu USD rồi. Quan trọng hơn nữa, giá bán các laptop màn hình 1080p thường cao hơn nhiều, kèm theo đó là cấu hình máy cũng thường mạnh hơn, chip xử lý tốt hơn, RAM và ổ cứng nhiều hơn. Năm 2017, giá trung bình của một chiếc laptop Windows màn hình thấp hơn 1080p là 323 USD, trong khi một chiếc laptop màn hình 1080p là 795 USD.
Laptop 1080p giá tốt hơn
Dù laptop màn hình 1080p bị hét giá quá cao, bạn vẫn có thể tìm được một số món hời nếu chịu khó mày mò. Chiếc laptop convertible Acer Spin 1 có giá chỉ 329 USD nhưng lại sở hữu màn hình 1080p có khả năng tái tạo màu cực kỳ ấn tượng, lên đến 129% dài màu. Acer E 15 (E5-575-33BM) cũng có màn hình 1080p, CPU Core i3 và ổ cứng 1TB. Hay Asus VivoBook E403NA có khung sườn nhôm mỏng nhẹ, nhiều cổng kết nối, và màn hình Full HD 13-inch sắc nét mà giá cũng chỉ có 399 USD.
Nếu bạn hào hứng với Chromebook, thì chiếc Acer Chromebook 14 có màn hình 1080p, trong khi giá thì hời không tưởng: 299 USD. Chiếc HP Chromebook 14 cũng có màn hình Full HD.
Bạn có thể làm gì?
Trong lịch sử ngành công nghiệp PC, đã từng có lúc bạn phải trả thêm một khoản nhỏ để chiếc laptop của mình có kết nối Wi-Fi. Ở thời điểm hiện tại, không có chiếc laptop nào không sở hữu chuẩn Wi-Fi 802.11n, thậm chí còn cao cấp hơn là 802.11ac. Nếu Dell và Lenovo cố bán những chiếc laptop chỉ có kết nối Ethernet, hiển nhiên sẽ chẳng ai thèm mua máy của họ.
Câu chuyện tương tự cũng sẽ diễn ra với màn hình laptop. Chúng ta nên có những yêu cầu cao hơn đối với độ phân giải màn hình: lần tới, nếu bạn định mua laptop, hãy chọn chiếc laptop nào có màn hnhf 1920 x 1080 hoặc cao hơn, hay ít ra cũng đặt độ phân giải màn hình vào một trong những tiêu chí được ưu tiên khi chọn mua máy. Nếu bạn buộc phải bỏ thêm ít tiền, hoặc bớt tiền đối với một số thành phần cấu hình nào đó để có màn hình 1080p, bạn nên làm vậy. Màn hình là thứ quan trọng nhất trên một chiếc laptop!
Theo Báo Diễn đàn đầu tư