Tại sao Stephen Hawking lại chọn hệ sao Alpha Centauri, cách Trái Đất 40 nghìn tỷ kilomet?

Có ba lý do chính để chúng ta khám phá hệ mặt trời mới: Alpha Centauri nằm gần trái đất nhất, có khả năng duy trì sự sống cho sinh vật ngoài hành tinh và tạo tiền đề cho những cuộc phiêu lưu vũ trụ trong tương lai
Hai ngôi sao sáng của hệ Alpha Centauri, ngôi sao còn lại nhỏ và phát ra ánh sáng quá yếu ớt để có thể được quan sát từ Trái Đất.
Hai ngôi sao sáng của hệ Alpha Centauri, ngôi sao còn lại nhỏ và phát ra ánh sáng quá yếu ớt để có thể được quan sát từ Trái Đất.

Khi so sánh với những sản phẩm của các nhà văn, nhà làm phim và các hãng sản xuất game viễn tưởng, những khám phá gần đây của con người về vũ trụ thực sự có thể nói là gây thất vọng.

Từ một thế kỷ nay, con người đã mơ ước về việc tìm ra những nền văn minh ẩn mình dưới những đụn cát của sao Hỏa, hay chí ít là những sinh vật đơn giản lấp ló dưới đám mây dày đặc của sao Kim.

Thậm chí bộ phim thể loại viễn tưởng Sci-Fi đầu tiên trên thế giới từng được sản xuất ở Pháp và mang tên “Le Voyage Dans La Lune” kể về hành trình khám phá sự sống trên mặt trăng. Dù từ đó đến giờ con người đã đặt chân lên bề mặt của mặt trăng và tổ chức NASA thậm chí nuôi ý tưởng xây dựng trạm trung tâm ở đó nhằm phục vụ việc sản xuất và lắp ráp rô-bốt, con người vẫn tiếp tục viết ra những quyển truyện và lập trình ra những tựa game về những nền văn minh ngoài trái đất nhằm thỏa mãn phần nào ao ước của chúng ta về việc chứng minh con người không hề cô độc trong vũ trụ.

Khi được hỏi về nền văn mình ngoài trái đất, ông cho rằng chúng chắc chắn có tồn tại, "nhưng nếu chúng ta không muốn bị xâm chiếm, có lẽ chúng ta không nên làm phiền họ".

Từ xưa đến nay, Stephen Hawking, một trong những thiên tài lớn nhất của thời đại chúng ta và đồng thời là một tín đồ trung thành về sự tồn tại của những nền văn minh ngoài trái đất, tin rằng bước tiến hợp lý hơn cả sau những khám phá gây thất vọng về các hành tinh trong hệ mặt trời của chúng ta, là việc tiếp tục hành trình khám phá sự sống ngoài vũ trụ tại những hệ mặt trời mới. Và Alpha Centauri chính là hệ mặt trời gần với chúng ta nhất.

Hệ Alpha Centauri cách trái đất chỉ 4,22 năm ánh sáng (khoảng 40 nghìn tỷ km), bao gồm ba ngôi sao thay vì chỉ duy nhất một ngôi sao như hệ mặt trời của chúng ta. Với phi thuyền tý hon có vận tốc lên đến 20% tốc độ ánh sáng, thời gian của hành trình có lẻ chỉ mất đến hơn 20 năm và khoảng 4,22 năm để truyền tín hiệu về trái đất. Đặc biệt vì đặc tính quỹ đạo của Alpha Centauri, giới khoa học tin rằng hệ mặt trời này có khả năng ẩn chứa trong mình một trong những hành tinh có điều kiện thuận lợi nhất để phát triển sự sống.

Một lý do có lẽ thực dụng hơn nhằm phát triển công nghệ du hành vũ trụ ở mức này là nhằm tạo ra một cơ sở vững vàng hơn cho sự tồn tại của loài người, khi mà hiện nay, nếu giả sử một thiên thạch đủ lớn có ý định "viếng thăm" Trái Đất, loài người chắc chắn sẽ bị diệt vong. Vì vậy dự án Breakthrough Starshot có thể hiểu nôm na như việc đầu tư nhằm mua lấy một dạng "bảo hiểm" cho trái đất trong những tình huống không thể biết trước.

Đối với giới khoa học, Alpha Centauri đại diện về một sự bí ẩn mà mặt trăng từng đem đến cho chúng ta, một chướng ngại vật mới có thể thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển để một lần nữa giúp chúng ta vượt qua những biên giới tưởng chừng quá tầm con người và thay đổi vị thế cũng như ý nghĩa của nhân loại trong khoảng không vũ trụ bao la.

Theo Genk