Là một trong những phát minh vĩ đại nhất của thời đại mới, tai nghe chống ồn được coi là một trong những vật dụng cần có cho cuộc sống đô thị. Một mặt, tai nghe chống ồn có thể mang lại cho chúng ta những giây phút bình yên hiếm hoi trong cuộc sống đô thị ồn ào, cho phép chúng ta thưởng thức những bản nhạc yêu thích tốt hơn. Mặt khác, khả năng cách ly và loại bỏ tiếng ồn của tai nghe chống ồn cũng có thể bảo vệ sức khỏe của chúng ta từ góc độ vật lý và tâm lý.
Tuy nhiên, vấn đề cũng từ đó mà xuất hiện, thương hiệu tai nghe chỉ nói rằng tai nghe chống ồn có thể bảo vệ thính giác, nhưng đồng thời, kiến thức sức khỏe lại cho chúng ta biết rằng sử dụng tai nghe trong thời gian dài có hại cho thính giác. Tai nghe chống ồn có thể thực sự bảo vệ thính giác của chúng ta không?
Ảnh: Sina |
Rõ ràng, không phải chỉ có người dùng mới có cùng thắc mắc về tác dụng thực sự của tai nghe chống ồn. Gần đây, đài truyền hình Trung Quốc CCTV thực hiện một cuộc khảo sát về sự hỗn loạn của tai nghe chống ồn trên thị trường và kết quả cũng gây sốc không kém: một số nhãn hiệu tai nghe chống ồn có thể gây hại cho thính giác của người dùng.
Là "rào cản" âm thanh bên ngoài đối với tai người dùng, vậy tai nghe chống ồn ảnh hưởng đến thính giác của chúng ta như thế nào?
Tác hại của tiếng ồn đối với thính giác
Ảnh: Phonak Việt Nam |
Để nói về cách tai nghe chống ồn bảo vệ thính giác, chúng ta phải bắt đầu với tác hại của tiếng ồn đối với thính giác. Mọi người đều biết rằng sóng âm thanh dao động trong không khí và đi từ ống tai bên ngoài đến màng nhĩ. Nhưng không giống như nhiều người nghĩ, tiếng ồn không ảnh hưởng đến thính giác bằng cách làm hỏng tính đàn hồi của màng nhĩ.
Tiếng ồn ảnh hưởng đến các tế bào lông trong ốc tai của chúng ta. Đằng sau các tế bào lông này là hệ thống thần kinh và các âm thanh bên ngoài cũng được truyền qua đây. Tiếng ồn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các tế bào lông, và nhiều khả năng các tế bào lông sẽ bị tổn thương không thể phục hồi, từ đó ảnh hưởng đến mức độ thính giác.
Đây cũng là lý do chính khiến chúng ta phải giảm âm lượng để bảo vệ thính giác trong thời đại không có tai nghe chống ồn. Tế bào lông nhạy cảm và có số lượng cũng như tuổi thọ hạn chế. Tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn hoặc thói quen sử dụng tai không lành mạnh sẽ làm tăng khối lượng công việc của các tế bào lông, rút ngắn tuổi thọ tổng thể và gây hại cho thính giác.
Nguyên tắc bảo vệ của tai nghe chống ồn
Ảnh: Sina |
Từ nguyên lý gây hại cho thính giác của tiếng ồn, chúng ta có thể tìm hiểu đến nguyên lý và phân tích cách tai nghe chống ồn bảo vệ thính giác. Về nguyên tắc, tai nghe chống ồn hiện đại có thể được chia thành "khử tiếng ồn chủ động" (active noise cancelling - ANC)) và "khử tiếng ồn thụ động" (passive noise Cancelling (PNC)).
Tất nhiên, hai nguyên lý hoạt động không mâu thuẫn về nguyên tắc, vì vậy các sản phẩm tai nghe sử dụng sơ đồ khử tiếng ồn chủ động thường cũng phải tính đến chức năng khử tiếng ồn thụ động.
Đối với khử tiếng ồn thụ động, về bản chất, không có sự khác biệt cơ bản giữa giảm tiếng ồn thụ động và "bịt tai" mà chủ yếu bắt đầu từ quan điểm truyền âm và tiếp nhận âm thanh. Như đã đề cập trước đó, sóng âm thanh truyền qua các dao động trong không khí, vì vậy, miễn là chúng ta chặn sóng âm thanh trước khi chúng truyền vào tai, thì chúng ta có thể dễ dàng cách ly tiếng ồn.
Về sản phẩm tai nghe, trước đây, trong môi trường ồn ào, chúng ta thường phải điều chỉnh âm lượng của tai nghe ở mức rất cao để có thể nghe rõ nội dung của tai nghe, nhưng mức âm lượng cao có thể làm hỏng các tế bào lông. Tai nghe chống ồn thụ động cô lập tiếng ồn từ tai nghe, cho phép chúng ta nghe nội dung được phát trong tai nghe ở mức âm lượng thấp hơn. Đây là cách hoạt động của tai nghe chống ồn thụ động "bảo vệ thính giác".
Nguyên lý hoạt động của tai nghe khử tiếng ồn chủ động là nhận diện được luồng âm thanh từ môi trường bên ngoài, sau đó, một bộ phận trên tai nghe sẽ chủ động tạo ra những sóng âm ngược pha với những âm thanh thu được bên ngoài. Hai hỗn hợp sóng âm này gặp nhau, và vì chúng dao động ngược hướng nhau, nên sẽ triệt tiêu lẫn nhau. Kết quả là người dùng sẽ không còn nghe thấy những tạp âm từ môi bên ngoài nữa.
Dưới tác dụng của tính năng khử tiếng ồn chủ động, người dùng có thể giảm nhiễu tiếng ồn mà không cần tăng âm lượng, và có thể nghe rõ nội dung của tai nghe với âm lượng thấp hơn, không gây áp lực lên tế bào lông và bảo vệ thính giác.
Trong trường hợp phát nội dung bên trong tai nghe, cả tai nghe giảm tiếng ồn chủ động và thụ động đều bảo vệ thính giác bằng cách giảm lượng tiếng ồn. Tuy nhiên, nếu người dùng nghe nhạc bằng tai nghe nhét tai, việc tai nghe nhiết tai chống ồn có thể bảo vệ thính giác hay không phụ thuộc hoàn toàn vào âm lượng của chính người dùng.
Nói cách khác, cho dù bạn đang sử dụng tai nghe chống ồn hàng đầu như Sony WH-1000XM4 hay tai nghe chống ồn bình dân, chúng sẽ chỉ cách ly và loại bỏ tiếng ồn bên ngoài. Chúng ta vẫn cần phải chịu trách nhiệm về "tiếng ồn" bên trong tai nghe. Ngay cả khi bạn sử dụng tai nghe chống ồn cao cấp nhất, nếu bạn phát nhạc rock ở mức âm lượng tối đa trong tai nghe, thính giác của bạn vẫn sẽ bị suy giảm.
Những nguy cơ tiềm ẩn của tai nghe khử tiếng ồn không đạt tiêu chuẩn
Ảnh: Sina |
Tại sao những chiếc tai nghe chống ồn không đủ tiêu chuẩn đó lại gây hại cho thính giác của chúng ta? Do không có tiêu chuẩn liên quan cho tai nghe giảm tiếng ồn, nhiều hãng tai nghe sử dụng các phương pháp tuyên truyền sai lệch để phóng đại tác dụng "giảm tiếng ồn".
Ví dụ, một số thương hiệu cố tình nhầm lẫn giữa khái niệm giảm tiếng ồn chủ động và giảm tiếng ồn thụ động, và sử dụng các kỹ thuật giảm tiếng ồn chủ động để ca ngợi tai nghe của họ có khả năng giảm tiếng ồn tuyệt vời. Một số thương hiệu mập mờ khả năng giảm tiếng ồn của tai nghe dưới các tần số tiếng ồn khác nhau và quảng cáo khả năng khử tiếng ồn với các tần số cụ thể là khả năng giảm tiếng ồn tiêu chuẩn của tai nghe.
Do mức độ khử tiếng ồn của tai nghe không đạt tiêu chuẩn nên người dùng vô tình tăng âm lượng để nghe được âm thanh phát ra trong tai nghe khi sử dụng, điều này vô tình trở thành thủ phạm chính khiến thính giác của họ bị tổn thương vĩnh viễn. Đến khi họ nhận thấy thính giác của mình bị suy giảm thì đã quá muộn.
Ảnh: Sina |
Theo một báo cáo khảo sát do Tổ chức Y tế Thế giới công bố năm 2019, gần 50% (1,1 tỉ) trẻ 12-35 tuổi trên toàn thế giới có nguy cơ bị mất thính lực. Hiện nay, gần 5% dân số toàn cầu đang đối mặt với tình trạng suy giảm thính lực do những thói quen xấu đối với đôi tai.
Và những tiếng ồn giá rẻ không những không bảo vệ được thính giác của chúng ta mà ngược lại còn trở thành một kẻ tàn phá sức khỏe âm thầm dưới danh nghĩa an toàn cho thính giác. Đối với vấn đề này, các ban ngành liên quan và người tiêu dùng phải có hành động thiết thực.
Trước hết, các bộ phận liên quan cần ban hành các tiêu chuẩn bắt buộc tương ứng để làm rõ loại tai nghe khử tiếng ồn, khả năng giảm tiếng ồn và phương pháp thử nghiệm, để tai nghe giảm tiếng ồn có tiêu chuẩn minh bạch.
Thứ hai, người tiêu dùng cũng nên chú ý đến mức độ nghe của mình và hiểu được cách sử dụng tai an toàn để không phải chịu tai biến trong tương lai.
Cũng giống như bảo vệ thị lực, bảo vệ thính giác cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài. Ở giai đoạn này, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ sức khỏe thính giác và khá chủ quan.
Để có thể thoải mái thưởng thức âm nhạc yêu thích trong tương lai, mong rằng mọi người sẽ chú ý hơn đến sức khỏe thính giác và thực hiện các bài kiểm tra đặc biệt thường xuyên về thính giác cũng như khám sức khỏe định kỳ. Rốt cuộc thì dù nâng niu hay lạm dụng đôi tai thì cuối cùng chỉ có bạn phải trách nhiệm với bản thân mình.
Theo QQ