Tài khoản Facebook và các app khác sẽ thế nào nếu chủ nhân qua đời?

Các ông lớn công nghệ chưa có chính sách rõ ràng để xử lý triệt để thông tin tài khoản của người quá cố.

Từ việc cập nhật từng khoảnh khắc của cuộc sống lên Instagram đến hóa thân thành những nhân vật trong PUBG, nhiều người đang dành lượng lớn thời gian để xây dựng một thế giới trên mạng cho bản thân. Nhưng điều gì sẽ xảy ra với những tài khoản mạng xã hội, website, ứng dụng... nếu một ngày nào đó chúng ta qua đời?

Đầu tuần này, Facebook đã bổ sung một loạt tính năng mới để xử lý tài khoản của những người đã chết, trong đó có việc để người khác "thừa kế".

Tại Trung Quốc, nơi Facebook bị chặn, người dùng đang tự hỏi những dữ liệu của họ sẽ được WeChat, Alipay và các dịch vụ trực tuyến khác giải quyết thế nào. Một trong những chủ đề được bàn luận nhiều nhất trên Weibo, được hơn 230 triệu người đọc, là: “Điều gì xảy ra với những tài sản online khi một người đột nhiên qua đời?”

“Tôi đã nghĩ về điều này suốt một thời gian dài, đặc biệt khi đọc bài báo về việc người dùng Weibo đã tìm kiếm tài khoản của những nạn nhân thảm họa để gửi lời chia buồn thế nào”, một tài khoản Weibo bình luận: “Điều đó rất ấm áp, nhưng có một chút chạnh lòng”.

Weibo còn có cả những tài khoản chuyên viết điếu văn online cho người chết. Ảnh: Weibo.

Ngoài phạm vi Trung Quốc, các công ty công nghệ lớn như Facebook, Twitter và Google đã đưa ra các hướng dẫn rõ ràng về việc xử lý tài khoản của người dùng đã qua đời. Ví dụ, Facebook cho phép bạn chỉ định người “thừa kế” để chăm sóc tài khoản, tuy vậy, người này không thể đăng nhập hoặc đọc tin nhắn của tài khoản đó. Còn mạng xã hội Twitter thậm chí chỉ chấp nhận các yêu cầu xóa tài khoản của người chết.

Tình hình ở Trung Quốc còn phức tạp hơn.

Trên Weibo, nhiều người dùng nói rằng họ muốn tài khoản của mình bị xóa sau khi lìa đời, hơn là được coi sóc bởi người khác, có lẽ vì những lo ngại về quyền riêng tư.

“Nếu tôi chết, xin hãy giúp tôi hủy kích hoạt tất cả những tài khoản của mình, như thể tôi chưa từng đến thế giới này trước đây”, một người đã bình luận trên Weibo và nhận được 3.200 lượt thích.

Tuy nhiên, rất ít nền tảng mạng xã hội Trung Quốc có các quy trình để người dùng thể hiện mong muốn của mình. Weibo chỉ đơn giản nói rằng các thành viên trong gia đình có thể nộp đơn để yêu cầu xóa tài khoản của một người, bằng cách cung cấp bằng chứng rằng họ đã chết. Điều khoản người dùng của mạng xã hội này rất mạnh trong việc bảo vệ tài khoản khỏi sự xâm nhập của người lạ, nhưng không đề cập gì đến đến trường hợp tử vong.

Tuy nhiên, điều cư dân mạng Trung Quốc quan tâm nhiều hơn là ví tiền điện tử của họ sẽ đi về đâu. Ước tính rằng 583 triệu người, khoảng 70% dân số, đang thanh toán bằng smartphone của họ. Gia đình có thể thừa kế tiền trong tài khoản trực tuyến của người thân đã qua đời, nhưng còn các khoản nợ thì sao?

Trang SCMP đã liên hệ với người phát ngôn của Alibaba và Tencent, song không nhận được phản hồi. Các phóng viên trang này cũng cố gắng liên lạc với dịch vụ khách hàng trực tuyến của WeChat, và người đại diện chỉ cung cấp một mẫu đơn trực tuyến mà các thành viên trong gia đình có thể điền vào để yêu cầu chuyển tiền.

Dịch vụ Alipay cũng áp dụng những giải pháp tương tự khi cho biết một người có thể được chỉ định thụ hưởng số dư tài khoản. Và nếu có nợ, thì người này cũng chịu trách nhiệm cho khoản nợ đó.

Đánh giá từ những cuộc thảo luận, có vẻ cư dân mạng Trung Quốc đang tìm kiếm câu trả lời rõ ràng hơn về cách thức những di sản kỹ thuật số của họ được xử lý. Khi dân số đông đảo của Trung Quốc đang ngày càng mở rộng và có xu hướng già hóa, câu hỏi này sẽ còn là một vấn đề nổi cộm của xã hội.

Và để kết luận cho thực trạng tài khoản chết trong xã hội số ngày nay, một người dùng Weibo đã bình luận: “Xin hãy khắc địa chỉ ID Weibo lên bia mộ của tôi, cảm ơn”.

Theo Zing

http://news.zing.vn/tai-khoan-facebook-va-cac-app-khac-se-the-nao-neu-chu-nhan-qua-doi-post935394.html