Tai họa cháy nổ pin sạc

Hàng loạt vụ cháy nổ ở nhiều sản phẩm khác nhau trong thời gian qua nguyên nhân đa số đều xuất phát từ pin sạc.
Ảnh: Đ.N.T - Ngọc Sáng
Ảnh: Đ.N.T - Ngọc Sáng

Điều này khiến nhiều người lo lắng vì pin sạc sử dụng ngày càng trở nên phổ biến ở hầu hết các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm công nghệ.

Chạy đua "nén" dung tích

2 ngày qua, cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi câu chuyện mà chủ tài khoản Facebook Nguyễn Ngọc Sáng (H.Đức Thọ, Hà Tĩnh), đăng đoạn clip ghi lại từ camera an ninh cho thấy một chiếc micro karaoke đã bất ngờ phát nổ và bốc cháy khi đang sạc trong phòng. Sự việc xảy ra vào tối 5.2, rất may không có thiệt hại về người. Chiếc micro karaoke xuất xứ Trung Quốc được anh Sáng mua với giá 550.000 đồng. Đây không phải là lần đầu micro hát karaoke phát nổ tại VN. Trong tháng 1.2017, một người dùng ở TP.HCM cũng chia sẻ bức ảnh chiếc micro bị cháy đen, lan ra một góc nệm. Rất may, do chủ nhà phát hiện sớm nên đám cháy được dập tắt kịp thời.

Tai họa cháy nổ pin sạc ảnh 1

Micro hát karaoke phát nổ ở Hà Tĩnh ẢNH: NGỌC SÁNG

Trong năm 2016, hàng loạt các vụ cháy nổ dẫn tới thu hồi sản phẩm điện thoại di động vừa được đưa ra thị trường Galaxy Note 7 của Samsung đã gây rúng động người dùng khắp nơi trên toàn thế giới. Mới đây nhất, Hãng Samsung chính thức công bố nguyên nhân cháy nổ Note 7 do pin tồn tại hai lỗi độc lập, khiến họ phải thu hồi sản phẩm tới hai lần. Cụ thể, loạt pin đầu tiên được trang bị trong Note 7 đã bị lỗi thiết kế. Lớp vỏ bên ngoài quá nhỏ để có đủ chỗ chứa, làm cho các thành phần bên trong bị dồn ép, gây đoản mạch và khiến pin quá nhiệt. Loạt pin thứ hai của nhà sản xuất khác không gặp lỗi thiết kế như loạt pin đầu nhưng do sức ép phải tung ra đủ số lượng thay thế trong thời gian ngắn, pin đã bị lỗi trong quá trình sản xuất. Hãng điện thoại lừng danh này đã phải thu hồi 3 triệu máy, thiệt hại hơn 5 tỉ USD.

Tai họa cháy nổ pin sạc ảnh 2

Một chiếc Galaxy Note 7 bị hư do cháy nổ trong năm 2016 ẢNH: PHONE ARENA

Theo kỹ sư Tống Kim Ty (TP.HCM), nhu cầu các thiết bị di động nhỏ gọn ngày càng gia tăng kéo các nhà sản xuất đưa ra các thiết bị cầm tay, trong đó sử dụng pin sạc (thay vì sử dụng sạc dây điện hay bình ắc quy) là chủ yếu vì nhỏ gọn, tiện lợi. Thậm chí ngay cả xe hơi, máy bay không người lái... cũng có xu hướng sử dụng pin. Đặc biệt các hãng đều lao vào cuộc chạy đua sản xuất thiết bị có dung lượng pin càng lớn nhưng thể tích càng nhỏ, dẫn đến độ “nén” cao khiến nguy cơ cháy nổ càng cao. Tuy nhiên, kỹ sư Tống Kim Ty nhấn mạnh: Những tập đoàn sản xuất càng lớn thì việc sản xuất các thiết bị chất lượng, nhất là pin càng được nghiên cứu và cũng được xem là bí mật công nghệ của họ. Vì vậy, sự cố cháy nổ sẽ hiếm hơn những sản phẩm làm nhái, làm giả hoặc của những nhà sản xuất nhỏ, các thiết bị bán trôi nổi không có nguồn gốc xuất xứ trên thị trường. 

Các nhà sản xuất thường tối ưu hóa lợi nhuận, chính vì vậy nhà nước phải kiểm tra giám sát chặt đối với mặt hàng này. Hiện nay tôi thấy các mặt hàng về pin trôi nổi, tràn lan giá cỡ nào cũng có, rõ ràng là chất lượng cũng bị thả nổi. Như vậy là vô cùng nguy hiểm, chúng ta phải có chính sách quản lý, kiểm định chất lượng để bảo vệ người tiêu dùng TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên giảng viên Trường đại học Bách khoa TP.HCM
Đồng quan điểm, ông Vũ Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Tập đoàn BKAV, cho rằng do cấu tạo nên pin sạc đều có hiện tượng phồng to khi sạc, tăng kích thước so với bình thường. Trong khi đó, điện thoại di động là thiết bị cầm tay nhỏ gọn lại được tích hợp nhiều linh kiện trên cùng một diện tích nhỏ hẹp, ngay cả pin cũng được đưa vào không gian nên mối nguy cháy nổ rất cao, nhất là khi các hãng đều chạy đua tăng dung lượng pin trong khi thiết kế điện thoại lại nhỏ, mỏng... “Hầu như tất cả các điện thoại thông minh, máy tính xách tay và các thiết bị di động hiện nay sử dụng công nghệ pin lithium-ion. Đây là xu thế tất yếu trong việc phát triển các thiết bị di động và thiết bị không dây. Quan trọng nhất là các nhà sản xuất phải ngày càng nghiên cứu, cải tiến công nghệ để hạn chế sự cố xảy ra, đảm bảo an toàn cho người dùng”, ông Vũ Trọng Sơn nói.

Nổ chủ yếu do chất lượng kém

Có nhiều lý do dẫn đến việc pin cháy nổ nhưng theo các chuyên gia, chủ yếu vẫn do nhà sản xuất. Kỹ sư Tống Kim Ty phân tích: nguyên nhân chính là do chất lượng pin hoặc do hệ thống sạc không đảm bảo chất lượng. Nếu pin chất lượng tốt thì độ bền rất cao và tuổi thọ cũng được kéo dài. “Những sản phẩm rẻ tiền thì thường pin không có những mạch bảo vệ an toàn vì kèm các linh kiện này sẽ làm giá thành rất cao. Chẳng hạn với một cái micro không dây giá chỉ vài trăm ngàn đồng của những công ty nhỏ hay cơ sở sản xuất thì sẽ khó đảm bảo chất lượng, độ an toàn hay độ bền vì họ không thể đưa thêm vào trong pin những mạch bảo vệ tự động ngắt điện khi có sự cố”, kỹ sư Tống Kim Ty nói. 

Theo các nhà sản xuất, pin lithium-ion được sử dụng trong các thiết bị di động trong quá trình trao đổi năng lượng, điều tối quan trọng là cực dương và cực âm không bao giờ tiếp xúc với nhau. Nếu điều này diễn ra, năng lượng được chuyển hướng đến các chất điện phân lỏng, có thể dẫn đến một phản ứng nhiệt và thậm chí cả một đám cháy. Để ngăn chặn điều đó, các nhà sản xuất pin đã thiết lập một dải phân cách bên trong pin. Một nguyên nhân khác của các vụ nổ pin là do sạc quá mức. Việc sạc pin quá mức, đặc biệt là với bộ sạc cao hơn điện áp đề nghị, có thể dẫn đến sự tích tụ quá nhiều lithium kim loại trên anode còn được gọi là quá trình mạ. Khi mạ xảy ra, sự tích tụ kim loại của pin lithium có thể gây ra hiện tượng đoản mạch...

TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên giảng viên Trường đại học Bách khoa TP.HCM, lại cho rằng: Nguyên nhân cơ bản là chất liệu cách điện không đảm bảo. Các nhà sản xuất sử dụng các vật liệu kém chất lượng trong quá trình sản xuất. Có thể thấy, từ các thiết bị điện, điện tử đến đồ chơi trẻ con, đồ gia dụng... cháy nổ là do sử dụng pin không rõ nguồn gốc. Các đơn vị sản xuất làm chất cách điện không đảm bảo tiêu chuẩn, kém chất lượng nên khi pin chạy hết công suất sẽ nóng lên, chất cách điện bị chảy gây chập mạch dẫn đến cháy nổ. Đó là do lỗi của nhà sản xuất. Họ tìm cách hạ giá thành đến mức không an toàn cho người sử dụng. Đây là điều rất nguy hiểm vì đã có nhiều vụ tai nạn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo TS Nguyễn Lê Ninh, công nghệ làm pin mới hiện nay chưa thật sự hoàn chỉnh nên mới thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn. Trước đây công nghệ pin than rất hiếm xảy ra sự cố. Chính vì vậy các nhà sản xuất cần phải tiếp tục cải tiến công nghệ. Bên cạnh đó, vật liệu dùng làm pin phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. “Các nhà sản xuất thường tối ưu hóa lợi nhuận, chính vì vậy nhà nước phải kiểm tra giám sát chặt đối với mặt hàng này. Hiện nay tôi thấy các mặt hàng về pin trôi nổi, tràn lan giá cỡ nào cũng có, rõ ràng là chất lượng cũng bị thả nổi. Như vậy là vô cùng nguy hiểm, chúng ta phải có chính sách quản lý, kiểm định chất lượng để bảo vệ người tiêu dùng. Đó mới là vấn đề quan trọng”, TS Nguyễn Lê Ninh nói.

Kỹ sư chuyên về tự động Lê Hoàng Long (TP.HCM) cũng khẳng định về cơ bản, những nhà sản xuất lớn đều có các giải pháp chống cháy nổ cho các sản phẩm có sử dụng pin thông qua các bản mạch an toàn. Tuy nhiên các bản mạch đó cũng không thể đảm bảo an toàn 100%. Vì vậy có những trường hợp pin quá tải khi sử dụng thiết bị sạc không đúng chuẩn hoặc nguồn điện không ổn định thì nguy cơ cháy nổ sẽ xảy ra cao.

Ám ảnh nổ pin

Xe trượt điện tự cân bằng (hoverboard) cũng trở thành nỗi ám ảnh vì sự cố nổ pin. Đến năm 2016, hoverboard bị nhiều nước cấm sử dụng do nguy cơ cháy nổ. Các nhà bán lẻ hàng đầu nước Mỹ như Target, Toys ‘R’ Us và Amazon đều ngừng bán hoverboard. Hàng chục hãng hàng không liệt sản phẩm này vào đồ chơi gây nguy hiểm và từ chối vận chuyển.

Hồi giữa năm 2016, tờ The Boston Globe dẫn thông tin từ Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ cho hay đã xảy ra 52 vụ cháy vì hoverboard tại 24 bang. Theo giới điều tra, nguyên nhân hỏa hoạn là do pin lithium-ion trong các xe trượt có thể tự bốc cháy khi đang sạc pin, trong lúc sử dụng hoặc không. Tại VN, tối 15.7.2016 cũng xảy ra cháy nổ hoverboard tại địa chỉ 23 Nguyễn Thái Bình (Q.1, TP.HCM), nguyên nhân được cho là do pin bị lỗi.

Đầu năm nay, HP cũng thông báo thu hồi hơn 100.000 sản phẩm máy tính sử dụng pin lithium-ion. Đây là sự mở rộng so với con số 41.000 pin laptop mà HP đã thu hồi tại Mỹ trong tháng 6 năm ngoái. Lý do được đưa ra là vì pin có thể quá nóng dẫn đến bắt lửa và bốc cháy. Trước đó vào giữa năm 2016, nhà sản xuất Toshiba (Nhật Bản) thông báo triển khai chương trình thu hồi pin đang dùng trên một số dòng laptop của hãng có khả năng gây ra cháy do quá nóng.

Hoàng Đình - C.N

Theo Thanh niên