Mối đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ đối với miền bắc Syria không chỉ là phản đối Lực lượng dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn, mà còn phản đối người Kurd thành lập khu tự trị của riêng mình. Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này sẽ hợp tác với các phần tử thánh chiến trong việc ngăn chặn người Kurd. Đây là ưu tiên khiến Thổ xung đột với các nước lớn khác trong cuộc nội chiến Syria.
Lãnh đạo Mỹ từ tổng thống đển các chỉ huy trên chiến trường đều đã cố gắng kêu gọi kiềm chế, cho dù nhận thức rõ ràng chiến dịch tấn công quân sự của Thổ vào Afrin là để thực hiện lợi ích an ninh hợp pháp của nước này. Nhưng Mỹ đã nhầm. Cách tiếp cận này hóa ra lại phản tác dụng.
Theo luật pháp quốc tế, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là không có cơ sở pháp luật. Cho dù lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố nước này chỉ phòng thủ, nhưng hành động của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là để đáp trả một cuộc tấn công từ Afrin, cũng không phải đáp trả một mối đe dọa sắp xảy đến.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết chiến dịch này hướng tới mục tiêu thay đổi nhân khẩu học của vùng Afrin và loại bỏ đa số người Kurd. Bằng cách cho rằng cuộc chiến tranh đang đối phó với những ảnh hưởng an ninh thực sự, Mỹ đã hợp thức hóa những lý lẽ đáng nghi vấn này của Thổ. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không nghe theo những lời kêu gọi kiềm chế, tiếp tục không kích các thị trấn và các chiến binh của Quân đội Syria tự do (FSA) cũng tham gia vào chiến dịch này.
Defense One cho rằng Mỹ chẳng có lợi gì khi cho phép Thổ tiếp tục bắn phá Afrin mà không phải chịu sự trừng phạt nào. Nếu cuộc xâm lược thành công và "vùng đệm" mà Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất được thực hiện, nó sẽ cho phép al-Qaeda và IS kéo dài cuộc chiến và khiến hàng ngàn người mất nhà cửa - tất cả những hệ quả bất ổn này là điều mà Mỹ và châu Âu sẽ thua cuộc.
Để ngăn chặn những tổn thất đó, Mỹ nên theo đuổi một chính sách toàn diện nhằm trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì hành động của nước này, bảo vệ người dân ở Afrin và tăng cường quan hệ đối tác với SDF ở Afrin.
Defense One gợi ý Mỹ nên thực hiện ba bước đi sau để hoàn thành những mục tiêu kể trên.
Thứ nhất, lãnh đạo Mỹ phải lên án các cuộc tấn công và phải cho Thổ Nhĩ Kỳ biết rõ ràng Mỹ sẽ không dung thứ nếu Thổ Nhĩ Kỳ tấn công sâu hơn vào Afrin. Chẳng có lý do chính trị nào để Mỹ tránh không đưa ra lời buộc tội mạnh mẽ như vậy cả.
Sự thật về mục tiêu của chiến dịch là nhắm vào dân thường đã được chứng minh qua các cuộc tấn công, người dân phải trốn vào hang động để trốn các cuộc không kích và toàn bộ các làng mạc đã không thể sinh sống được nữa. Theo Hội đồng y tế Afrin, 148 dân thường đã thiệt mạng, 365 người khác bị thương, và hàng nghìn người đã bị di dời khỏi nơi ở của mình.
Trước đó, chính quyền ông Donald Trump đã bày tỏ lo ngại về thương vong của người dân ở Syria, thậm chí còn cho phóng tên lửa vào căn cứ không quân Syria sau khi có báo cáo cho rằng chính phủ Syria đã tấn công vũ khí hóa học vào người dân vào tháng 4/2017.
Tại Manbij, nơi có sự hiện diện quân sự của liên minh, vị chỉ huy hàng đầu của Mỹ, Trung tướng Paul Funk đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng đối tác của nước này rằng: “Nếu các người tấn công chúng tôi, chúng tôi sẽ đáp trả mạnh mẽ. Chúng tôi sẽ tự bảo vệ mình", như khi họ đáp trả một cuộc tấn công của Nga và Syria vào vị trí của SDF ở Deir Ezzor, nơi đóng quân của quân đội Mỹ.
Thứ hai, Mỹ lên án Thổ Nhĩ Kỳ nhưng đồng thời cũng phải gây ra những hệ quả thực tế nhất định. Defense One cho biết, Mỹ là một trong những nước cung cấp vũ khí lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ đã bán các máy bay F-4, F-16 và các máy bay trực thăng Cobra mà Thổ Nhĩ Kỳ đang sử dụng ở Afrin.
Khi Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm Síp vào năm 1974, Mỹ và các nước khác đã phản ứng bằng lệnh cấm vận vũ khí. Trước cuộc tấn công vào Afrin, các nước này cũng nên làm như vậy một lần nữa. Cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì nước này đã liên kết với lực lượng al-Qaeda và tấn công người Kurd sẽ có hiệu quả chiến lược ở cả trong nước lẫn nước ngoài.
Mỹ cũng có thể áp dụng lệnh trừng phạt đối với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, những người chịu trách nhiệm về việc lên kế hoạch và thực hiện chiến dịch tại Afrin, như Mỹ đã từng thực hiện đối với các quan chức Nga sau vụ sáp nhập Crimea. Việc trừng phạt các quan chức sẽ thể hiện mạnh mẽ sự không bằng lòng của Mỹ đối với cuộc tấn công mà không ảnh hưởng đến người dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Thứ ba, bên cạnh việc cắt các nguồn cung vũ khí và tài nguyên cho Thổ, Mỹ cũng phải tăng viện trợ cho SDF. Chính sách hiện nay của Mỹ không coi lực lượng SDF ở gần Afrin giống như lực lượng SDF ở Kobani và Cizire - mặc dù họ chiến đấu dưới cùng một lá cờ, chịu cùng sự chỉ huy và bảo vệ những thể chế chính trị như nhau.
Mỹ cần phải ngừng phân biệt bằng cách cung cấp vũ khí cho lực lượng SDF ở Afrin theo yêu cầu của họ để tự bảo vệ trước các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Với tên lửa TOW để đối phó với xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ và tên lửa MANPAD để hạ máy bay của Thổ ném bom vào người dân ở Afrin, SDF có thể giữ được phòng tuyến hoặc đẩy lui được Thổ Nhĩ Kỳ, như họ từng đẩy lùi IS ra khỏi Kobani, Raqqa, và rất nhiều thành phố khác.
Defense One khẳng định chính sách như vậy sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ thấy rằng cộng đồng quốc tế nhìn nhận đúng bản chất hành động của Thổ Nhĩ Kỳ ở Afrin, đó là cuộc xâm lược vô lý nhằm vào dân thường với mục tiêu vô hiệu hóa quyền lực chính trị của người Kurd.
Chính sách này sẽ giúp SDF có thêm khả năng đối phó với các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ và duy trì sự ổn định, dân chủ và đa nguyên ở Afrin, giúp người dân không phải rời bỏ nhà cửa.
Chính sách này cũng sẽ ngăn các lực lượng thánh chiến do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn không giành thêm được lãnh thổ và cho phép liên minh toàn cầu tập trung chống lại IS, đây là lợi ích an ninh chung của cả khu vực và quốc tế.
Tóm lại, Mỹ hoàn toàn có khả năng chấm dứt Chiến dịch Cành Oliver của Thổ Nhĩ Kỳ và hỗ trợ ổn định ở Syria. Và Mỹ cần hành động như vậy ngay bây giờ.